Sốc trước lễ khai giảng chỉ có một học sinh lớp 1 nhập học do người dân không chịu sinh nở: Nếu dân số tiếp tục giảm, Hàn Quốc đứng trên bờ vực tuyệt chủng?
Trước tình trạng chỉ có duy nhất 1 học sinh nhập học trong lễ khai giảng đã khiến cả phụ huynh và lãnh đạo nhà trường lo lắng.
Cả trường chỉ có 1 học sinh nhập học
Đầu tháng 3, trường tiểu học Bugye ở Gunwi-gun, Daegu, Hàn Quốc tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Đáng chú ý, đây là lễ khai giảng đặc biệt chưa từng có vì chỉ có 1 học sinh duy nhất, em Kim Ryeo-won (7 tuổi) nhập học.
Khoảnh khắc Kim bước vào, các anh chị khóa trên đã chào đón em bằng những tràng pháo tay vang dội.
Vẻ căng thẳng hiện rõ trên gương mặt Kim. "Cháu rất háo hức khi lần đầu đến trường, chỉ tiếc là không có bạn bè, nhưng cháu vẫn muốn chơi với các anh chị lớp trên và cố gắng học tập tốt", cô bé nói với phóng viên.
Từ nay trở đi, bé Kim sẽ học một mình với giáo viên chủ nhiệm. Lý do đơn giản là vì trong toàn khu vực, không có một ai khác đăng ký vào lớp 1 trường Bugye năm học này. Tiêu chuẩn cho lớp học tiểu học ở Daegu là phải có tổng số ít nhất 5 học sinh trở lên. Nhưng vì không còn ai, em Kim phải học 1 mình, có thể là trong cả 5 năm tới nữa.
Trường tiểu học Bugye được thành lập năm 1932, đến nay đã có hơn 3.400 học sinh tốt nghiệp. Trong bối cảnh trẻ em trong độ tuổi đi học ở Hàn Quốc ngày càng giảm, mỗi lớp của trường hiện chỉ có khoảng 6-10 học sinh. Nhưng trong lễ khai giảng năm nay, chỉ có duy nhất bé Kim nhập học lớp một.
"Nhà chúng tôi cạnh trường. Tôi không lo lắng, bởi năm ngoái vẫn còn 7-8 học sinh trong một lớp. Nhưng khi thấy con là học sinh duy nhất nhập học, tôi hơi chột dạ. Cháu nó sẽ tốt hơn nếu có bạn bè nên tôi đang tính sẽ cho cháu chuyển trường", Kim Hyeon-tae, 38 tuổi, bố cô bé, nói.
Eunmi Kim, một giáo viên kỳ cựu 34 năm được phân công dạy lớp 1 tại trường, cũng cho biết đây là lần đầu tiên cô dạy lớp học 1 - 1 như thế này.
Cô Kim nói: "Tôi lo lắng khi phải dạy và làm bạn với chỉ một học sinh", nhưng nói thêm: "Tôi sẽ giúp học sinh vui vẻ, tận hưởng và làm được mọi thứ mà em nên được trải qua trong cuộc sống học đường".
Phó hiệu trưởng Baek Jeong-ok cho biết: "Chúng tôi đã đăng ký lớp học cho từ 5 đến 6 học sinh, nhưng bây giờ đột nhiên chỉ còn một học sinh, tôi lo lắng rằng lớp học sẽ biến mất".
Theo giới chức giáo dục Daegu, trường tiểu học Bugye là trường duy nhất trong thành phố có một học sinh mới, ba trường khác không có học sinh nào đăng ký nhập học.
Lớp học của bé Kim và giáo viên chủ nhiệm rộng rãi lạ thường. Cô bé bắt đầu làm quen, quan sát đồ dùng trong lớp, ngắm nghía những nhãn mác có tên mình.
Tại cửa sổ phòng học năm thứ nhất, một số học sinh lớp lớn kiễng chân lên để nhìn học sinh mới duy nhất trong trường của mình. Những học sinh nhìn thấy học sinh mới nói muốn cố gắng chăm sóc em Kim, liên tục nói "Em ấy thật dễ thương", "Tớ nghe nói tên cô bé là Ryeo-won" và "Tớ muốn chơi với em ấy"...
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thấp kỷ lục
Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 28/2/2024 công bố số liệu cho thấy tỷ lệ sinh trung bình của một phụ nữ Hàn Quốc giảm từ mức 0,78 năm 2022 xuống mức thấp kỷ lục 0,72 năm 2023. Đây là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc suy giảm.
Con số này thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo 2,1 để đảm bảo dân số ổn định. Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh thấp hơn 1, dù chính phủ đã chi hàng tỷ USD trong nỗ lực đảo ngược xu hướng này.
Hàn Quốc cũng là quốc gia có chênh lệch mức lương theo giới tính lớn nhất trong khối OECD. Mức lương của phụ nữ chỉ bằng 2/3 đàn ông.
"Phụ nữ thường không thể dựa vào kinh nghiệm để thăng tiến bởi thường xuyên là người duy nhất chăm sóc con cái và cần thời gian tái hòa nhập lực lượng lao động sau thời gian nghỉ phép dài", Jung Jae-hoon, giáo sư Đại học Phụ nữ Seoul, nói.
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Hàn Quốc đã trở thành rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội, bởi dân số 51 triệu người của Hàn Quốc có nguy cơ giảm một nửa vào cuối thế kỷ 21.
Hàn Quốc từng dự đoán tỷ lệ sinh của đất nước giảm xuống 0,68 vào năm 2024. Thủ đô Seoul, nơi có chi phí nhà ở cao nhất, năm ngoái ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất trong lịch sử là 0,55.
Trước thềm cuộc bầu cử tháng 4, các đảng phái chính trị lớn ở Hàn Quốc cam kết sẽ có thêm nhiều nhà ở xã hội, nới lỏng cho vay để khuyến sinh và xoa dịu nỗi lo "đất nước sẽ tuyệt chủng" khi tỷ lệ sinh suy giảm.
Kết hôn được coi là điều kiện tiên quyết để có con ở Hàn Quốc nhưng tỷ lệ kết hôn ở quốc gia này cũng đang giảm. "Có người không lập gia đình nhưng chúng tôi đang cố gắng lý giải nguyên nhân các đôi vợ chồng không sinh con. Tôi hiểu rằng giải quyết vấn đề này sẽ là trọng tâm trong chính sách khuyến sinh", một quan chức của cơ quan thống kê Hàn Quốc phát biểu.
Hàn Quốc đã chi hơn 270 tỷ USD cho công tác khuyến sinh từ năm 2006 tới nay nhưng không thể đảo ngược xu hướng.
Yonhap, Reuters