Không học kinh tế, đây mới là ngôi trường sinh ra "vua cafe" Đặng Lê Nguyên Vũ: Từng bị bạn bè coi là "kẻ điên hạng nặng" nhưng vẫn ôm mộng khởi nghiệp để không vi phạm lời thề vĩnh cửu

06/03/2024 11:34 AM | Sống

Nếu ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn quyết định theo học ngành Y như lời khuyên của người thân thì chắc có lẽ bây giờ đã không có một doanh nhân thành đạt.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971, là người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là "Vua Cà phê Việt Nam".

Nếu chỉ nhìn vào những thành quả hiện tại, ít ai ngờ rằng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng phải trải qua một quá khứ cơ cực, phải bươn chải vượt qua rất nhiều khó khăn để đi đến ngày hôm nay.

Từ bỏ giấc mơ làm bác sĩ để trở thành doanh nhân

Ngay từ khi còn nhỏ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chứng kiến cảnh người mẹ tảo tần làm đủ mọi việc để nuôi cả gia đình. Vì vậy, ông cũng đi làm thuê từ rất sớm để giúp mẹ, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như bẻ ngô, chăn lợn hay đóng gạch.

Không học kinh tế, đây mới là ngôi trường sinh ra "vua cafe" Đặng Lê Nguyên Vũ: Từng bị bạn bè coi là "kẻ điên hạng nặng" nhưng Chủ tịch Trung Nguyên vẫn ôm mộng khởi nghiệp để không vi phạm lời thề Hippocrates - Ảnh 1.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn khởi nghiệp làm kinh doanh để thoát nghèo

Năm 1992, ông nhập học Khoa Y, trường Đại học Tây Nguyên với ước mơ trở thành một bác sĩ. Vì nghèo, ông vừa phải đi học vừa đi làm thêm để trang trải. Đến năm thứ 3 đại học, ông bỗng nhận ra mình không thực sự phù hợp và yêu thích ngành này. Ông Vũ luôn trăn trở về cuộc sống và công việc của người thầy thuốc. Bởi, muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y đã vi phạm lời thề Hippocrate.

Sau đó, ông Vũ bỏ học và vào TP.HCM để tìm kiếm con đường làm giàu với số tiền trong túi là 100.000 đồng. Tuy nhiên người chú ở TP.HCM đã bắt ông quay lại Đắk Lắk với câu nói: Học cho xong đi đã.

Đặng Lê Nguyên Vũ đồng ý trở lại trường vài ngày sau đó nhưng vẫn luôn nung nấu ý tưởng kinh doanh.

Khi trình bày suy nghĩ với bạn bè, ai cũng gọi ông là kẻ "điên hạng nặng". Ở trường đại học chỉ vài ba người là chịu nói chuyện với ông. Tuy nhiên, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn tìm được ba người cộng sự học cùng lớp và cùng với họ bắt tay xây dựng đế chế cà phê Trung Nguyên lẫy lừng như bây giờ.

Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là "Vua Cà phê Việt" một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller.

Tháng 8/2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi "zero to hero" (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn mở lòng với người trẻ, đặc biệt là sinh viên, khuyến khích họ khởi nghiệp, sáng tạo, thay đổi bản thân, thay đổi hoàn cảnh gia đình, cống hiến cho đất nước. Chủ tịch cà phê Trung Nguyên nói, chỉ cần có ước mơ là gần như thành công rồi, nửa còn lại là ý chí. Vốn lớn nhất là lòng tin của người khác.

Đại học Tây Nguyên có gì đặc biệt?

Tuy không thể nên duyên trọn vẹn với ngành y nhưng ngôi trường mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng theo học đã phần nào giúp ông nuôi dưỡng giấc mơ làm giàu. Và đến nay, trường Đại học Tây Nguyên vẫn là ước mơ của nhiều thế hệ muốn chinh phục.

Không học kinh tế, đây mới là ngôi trường sinh ra "vua cafe" Đặng Lê Nguyên Vũ: Từng bị bạn bè coi là "kẻ điên hạng nặng" nhưng Chủ tịch Trung Nguyên vẫn ôm mộng khởi nghiệp để không vi phạm lời thề Hippocrates - Ảnh 2.

Trường Đại học Tây Nguyên, nơi ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng theo học

Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo đa ngành nghề, gồm các khoa: Khoa Kinh tế; Khoa Khoa học TN&CN; Khoa Y Dược; Khoa Nông lâm Nghiệp; Khoa Chăn nuôi Thú Y; Khoa Ngoại Ngữ; Khoa Sư phạm; Khoa Lý luận Chính trị.

Trường được thành lập từ năm 1977. Khi đó, toàn trường chỉ có vài chục giảng viên, chưa người nào có trình độ sau đại học. Ngôi trường nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, dân cư thưa thớt, chỉ lác đác một số buôn làng người Ê Đê.

Sau nhiều năm phát triển, hiện nay, trường Đại học Tây Nguyên đã được đề cử là một trong những ngôi trường trọng điểm quốc gia và là trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất của vùng Tây Nguyên.

Ngành Y mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng theo học được xem là một trong những ngành nghề hot tại trường. Mùa tuyển sinh năm 2023, điểm chuẩn vào Y khoa rơi vào mức 24.6 điểm và là khoa có điểm chuẩn đầu vào cao nhất nhì Đại học Tây Nguyên.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM