Snapchat vs. Facebook: Zuckerberg hãy cẩn thận, Evan Spiegel “không phải dạng vừa đâu”
Trong khi Facebook muốn biến hoạt động chat online vốn bị coi là phù phiếm trở nên chính thống và phổ cập thì “đối thủ truyền kiếp” Snapchat lại đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường bằng một ứng dụng chat “cool” dành cho giới trẻ.
Facebook hiện đang là “gã khổng lồ công nghệ” chiếm ưu thế trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo trên di động và tin tức nhưng Snapchat sẽ là một đối thủ đáng gờm mà “ông lớn” này cần đề phòng. Snapchat đang cung cấp những trải nghiệm tuyệt vời cho hơn 100 triệu người dùng mỗi ngày và hiện đang phát triển rất nhanh chóng.
Hiện nay, 86% người dùng Snapchat ở độ tuổi từ 13 đến 34, đây là độ tuổi rất trẻ và có nhiều tiềm năng. Và cuộc chiến giữa Snapchat với Facebook chẳng khác nào cuộc chiến của những gã khổng lồ sừng sỏ nhất từ thời kỳ chiến tranh lạnh.
Mặc dù cả hai công ty đều không nói nhiều về những chiến lược sắp tới, nhưng có vẻ như việc liên tục đưa ra các sản phẩm mới và cập nhật công nghệ hiện đại đã nói lên tất cả.
Sau khi Snapchat thu hút các hãng truyền thông bằng việc tung ra các kênh Discover (cho phép người dùng khám phá các nội dung trên internet) vào nền tảng của mình, chỉ vài tháng sau, Facebook cũng đáp trả bằng Instant Articles giúp trải nghiệm đọc báo trở nên vô cùng nhanh gọn và dễ chịu.
Ngược lại, sau khi Facebook cho ra mắt ứng dụng Sports Stadium (Sân vận động thể thao) cho các fan thể thao, thì 9 ngày sau đó Snapchat cũng giới thiệu live score và các bộ lọc ảnh/video có hình chỉ tỷ số trận đấu thời gian thực cho những bức ảnh chụp từ các trận đấu NBA hay các sự kiện thể thao khác.
Một điều đáng ngạc nhiên ở tốc độ tăng trưởng của Snapchat là có tới 60% người dùng ứng dụng này upload các hình ảnh, video cá nhân lên mỗi ngày. Ngay cả khi mỗi ngày họ chỉ đưa lên 1-2 bức ảnh hay video (dù thực tế là người dùng Snapchat sẽ ngày càng upload nhiều hơn sau khi tính năng Snapchat Stories thu thập hết các hình ảnh và video chia sẻ trong vòng 24h gần nhất được ra mắt), con số này vẫn lớn gấp ba lần so với 80 triệu bức ảnh (tương đương 20% người dùng) mà người dùng Instagram, một ứng dụng khác của Facebook, chia sẻ trong cùng khoảng thời gian.
Snapchat đạt được thành công này nhờ thiết kế khác biệt với các mạng xã hội khác. Những người mới dùng Snapchat khi vào ứng dụng có thể sẽ hơi bối rối khi bị chuyển ngay đến camera để chụp một bức ảnh. Thế nhưng giao diện giúp người dùng dễ dàng chia sẻ này đã gián tiếp báo cho người dùng biết đâu mới là thứ Snapchat ưu tiên và muốn họ sử dụng nhiều nhất. Chính điều này đã giúp Snapchat sở hữu tỷ lệ người dùng sẵn sàng chia sẻ về cuộc sống cá nhân cực lớn.
Không lâu trước đó, Facebook từng cố “ngáng đường” Snapchat bằng cách đưa ra nhiều ứng dụng cạnh tranh. Cuối năm 2012, Facebook cho ra mắt tính năng Poke (chọc bạn bè). Giữa năm 2014, công ty phải gỡ Slingshot ra khỏi kho ứng dụng. Nhiều nguồn tin còn cho biết, Mark Zuckerberg từng cố mua lại Snapchat 2 lần với mức 1 tỷ USD cho lần đầu và 3 tỷ USD lần thứ 2 nhưng đều bị CEO Snapchat từ chối.
Facebook cũng cố gắng “níu kéo” những người dùng yêu thích tính năng hội thoại riêng tư tìm đến Snapchat bằng cách giới thiệu Facebook Moments cho phép người dùng chia sẻ ảnh với một nhóm nhỏ bạn bè hay thêm tính năng Live streaming video bao gồm cả một số tính năng tương tự Snapchat như vẽ nguệch ngoạc lên khung hình hay chèn các bộ lọc lên trên.
Và có lẽ một điều không mấy ngạc nhiên khi Facebook cho biết muốn cạnh tranh với ứng dụng camera riêng chú trọng vào việc chia sẻ khoảnh khắc như Snapchat bằng cách dẫn người dùng vào camera ngay khi họ mở ứng dụng này lên.
Theo một số báo cáo đầu năm nay, trong khi người dùng đang ngày càng ít chia sẻ về cuộc sống cá nhân họ trên Facebook như trước đây thì Snapchat lại ngày càng phổ biến hơn. Do đó, việc Facebook tung ra tính năng live stream và khiến Snapchat bớt phần đặc biệt so với các ứng dụng khác cũng hoàn toàn dễ hiểu.
Và để đáp trả, ngay sau đó Snapchat lại tiếp tục đẩy độ “cool” của ứng dụng lên một mức mới với việc tung ra những tính năng mới như hoán đổi mặt hay thêm vào các hiệu ứng sặc sỡ một cách điêu luyện và tinh tế.
Thế nhưng, xét cho cùng thì Snapchat dẫu dẫn đầu về mức độ chia sẻ, nó vẫn còn một số phương diện phải chạy dài theo đối thủ Facebook, điển hình là về mặt doanh thu. Là một startup tăng trưởng nhanh nhưng còn khá non trẻ, Snapchat mới chỉ thu về 350 triệu USD doanh thu trong năm 2016. Trong khi đó, chỉ riêng ứng dụng Instagram đã mang về cho Facebook 2-3 tỷ USD doanh thu năm nay.
Tổng doanh thu của Facebook năm 2016 dự kiến đạt 26 tỷ USD. Các nhà quảng cáo yêu thích khả năng nắm bắt nhu cầu khách hàng cũng như tầm nhìn rộng của Facebook. Đây chính là yếu tố then chốt giúp Facebook có được lợi thế cạnh tranh với Snapchat.
Doanh thu khổng lồ là vậy nhưng mạng xã hội lớn nhất thế giới này vẫn cần phải kiên nhẫn nếu muốn đánh bại đối thủ Snapchat. Snapchat mới đây đã cho biết lượng chia sẻ video của người dùng tháng 6/2016 đã tăng gấp 4 lần so với hồi tháng 5/2015, từ 2 tỷ lên 10 tỷ view mỗi ngày, cao hơn con số 8 tỷ lượt view gần đây nhất từ Facebook.
Câu hỏi đặt ra là liệu có phải những bộ lọc video của Snapchat đúng là thứ mà Facebook muốn xây dựng cho thương hiệu của mình? Hay liệu Zuckerberg có thể quay lại thương lượng với Spiegel bằng một lời mời chào hấp dẫn đến mức cả anh ấy và những nhà đầu tư của Snapchat đều không thể chối từ?