Siết lại những dự án đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

22/04/2016 19:14 PM | Kinh tế vĩ mô

Sáng 22/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo báo cáo kinh tế Việt Nam quý 1 nhằm đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý 1; đồng thời, đưa ra phân tích và nhận định của chuyên gia về triển vọng kinh tế vĩ mô quý 2 và cả năm 2016.

Báo cáo Kinh tế quý 1 của CIEM cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý 1 chậm lại; thấp hơn không đáng kể so với quý 1/2015, nếu giữ nguyên khai thác dầu thô và khoáng sản khác.

Tuy nhiên, về sản xuất nông nghiệp lại là khác biệt của quý 1/2015, làm cho nông dân khó khăn hơn.

Cùng với đó là những khó khăn của hoạt động xuất khẩu tăng chậm; nhập khẩu cũng khá trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại; nguồn thu chính của Ngân sách nhà nước giảm; các mặt hàng gia công chủ yếu của Việt Nam chỉ tăng nhẹ…

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP trong năm 2016, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng cần siết lại những dự án đầu tư công; cần đầu tư cho những dự án thật sự hiệu quả, đem lại tác động cho nền kinh tế. Không nên đầu tư dàn trải, nhất là những dự án không hiệu quả, lãng phí thì nên mạnh tay cắt giảm, dừng.

“Hiện nay nghịch lý là lạm phát thấp nhưng lãi suất vẫn cao vì ngân hàng phải cạnh tranh nhau. Giảm lãi suất là điều quan trọng để giảm chi phí vốn, trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn đang còn hụt hơi,” tiến sỹ Cung khẳng định.

Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Lê Đăng Doanh thì cho rằng khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, từ quý 2 sẽ tác động mạnh tới cán cân thương mại. Không những thế, từ nay tiếp cận vốn ODA sẽ khó khăn và tổng vốn ODA cũng sẽ giảm so với thời gian trước. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Do đó, chúng ta cần phải có bước cải cách mạnh mẽ từ quý 2 trở đi.

Một trong những giải pháp, được tiến sỹ Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh tại hội thảo là phải thay đổi cơ chế quyết định đối với các dự án đầu tư công, dẫn tới nhiều dự án đầu tư không hiệu quả…

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng để sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trước hết các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh được trong nước và lớn lên không phải nhờ quan hệ, bằng cơ chế xin cho.

Theo Thúy Hiền

Cùng chuyên mục
XEM