Sĩ diện hão - "Căn bệnh" phổ biến từ startup trẻ cho tới doanh nghiệp "già" tại Việt Nam đều đang mắc phải

17/01/2017 10:28 AM | Kinh doanh

Để doanh nghiệp phát triển bền vững, sau đó là mở rộng ra tầm quy mô quốc gia thì đầu tư cho Khoa học là điều không thể thiếu, vậy mà nhiều doanh nhân lại đang xây dựng hình ảnh bằng cách đốt tiền vào chuyên cơ, nhà lầu, siêu xe..., đó là chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên.

Mong doanh nghiệp Việt đừng… sĩ diện hão

Đó là lời tâm sự của Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội chia sẻ trong một tờ báo xuân Đinh Dậu. Ông Kiên trăn trở rằng: "Có một thực tế không mấy vui là hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có một lịch sử phát triển hàng trăm năm như ở các nền kinh tế phát triển; nhưng khi có chút vốn liếng trong tay thường thích sắm sửa, xây dựng cơ ngơi "khủng", đi ô tô xịn; trong khi lại ít chịu tìm hiểu và ngại bỏ tiền đầu tư cho công nghệ mới.

Trình độ doanh nhân ta nhìn chung chưa đạt ngưỡng quản trị doanh nghiệp tiên tiến của OECD, mà vẫn nặng tính gia đình chủ nghĩa."

Có hai câu chuyện ông Kiên cho rằng rất đáng suy ngẫm: "Chuyện thứ nhất liên quan đến ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Năm 2010, ông Long là người thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau ông Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai, tậu máy bay riêng. Năm 2014, ông Long đã lặng lẽ bán chiếc máy bay này và di chuyển bằng máy bay thương mại.

Chuyện thứ hai liên quan đến hãng hàng không Air Mekong của doanh nhân Đoàn Quốc Việt. Là một doanh nhân từng thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn và thương mại dịch vụ tại Ba Lan, ông Việt thành lập "sếu đầu đỏ" năm 2009 và "sếu" chính thức ngừng bay từ năm 2013.

Quyết định đóng cửa Air Mekong, chấp nhận thua lỗ trên dưới nghìn tỷ đồng là một quyết định đau đớn nhưng đúng đắn của ông Đoàn Quốc Việt. Nhờ dừng lại đúng lúc, ông Việt đã giữ lại được nhiều dự án bất động sản và công nghệ nông nghiệp sinh lời tốt mà không "đốt" chúng theo giấc mơ bay - tuy đẹp, nhưng chưa phù hợp với năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp..."

Nhìn lại trong giới kinh doanh Việt có không ít cái tên gắn với mác là tay chơi siêu xe như Minh "nhựa", Cường Đôla, Cường Luxury,..thay vì tài kinh doanh hay những thương vụ đầu tư cho công nghệ. Minh nhựa là người hiếm hoi không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới có trong tay siêu xe Bugatti Veyron. Một đại gia vốn là ông trùm kinh doanh hàng hiệu cũng có sở thích sưu tập siêu xe. Trong gara nhà ông có đủ dòng xe cao cấp từ Mercedes-Benz SLS AMG, Rolls Royce, Bentley Continental GTC Speed, Maybach cho đến Lexus.

Chuyện từ Tây tới ta

Liệu ông Kiên có nói quá, liệu bệnh sĩ diện hão chỉ có ở người Việt? Vẫn nhớ hồi đầu năm nay, tạp chí Bloomberg lên tiếng cảnh tỉnh vấn nạn trong giới startup với việc GitHub đang thua lỗ do chi tiêu hoang tàn.

GitHub nổi lên trong giới khởi nghiệp với công cụ tương tự Google Docs dành cho lập trình viên, tạo ra nơi để chia sẻ và hợp tác công việc. GitHub được quỹ đầu tư nổi tiếng Sequoia Capital rót tới 250 triệu USD giữa năm 2015. Ngoài ra còn một số quỹ đầu tư mạo hiểm khác rót vốn vào dự án này.

Tuy nhiên cầm quá nhiều tiền trong tay, ban lãnh đạo GitHub hăng hái giải ngân từ cho nhân viên đi công tác khắp nơi trên thế giới đến tăng quân số gấp đôi, 600 người chỉ trong 1 năm rưỡi. Không dừng lại ở đó, văn phòng GitHub được trang hoàng bởi những bức tượng điêu khắc có phần trừu tượng.

CEO của GitHub thậm chí còn tuyển dụng cả những sếp của các ông lớn công nghệ khác như Mike Taylor, cựu phó chủ tịch tài chính của Tesla Motors để quản lý chi tiêu cho công ty với vị trí Giám đốc tài chính. Tất nhiên chi phí cũng không hề nhỏ.

Kết quả là Báo cáo về thu nhập 9 tháng đầu năm nay, GitHub đã thua lỗ 66 triệu USD trong 3 quý đầu tiên của năm nay, gấp đôi mức thua lỗ trong 9 tháng của Twilio – một công cụ phần mềm khác được thành lập cùng năm với GitHub. Mất mát về nhân sự với GitHub cũng không hề nhỏ khi ít nhất 12 thành viên ban lãnh đạo của GitHub đã phải rời đi kể từ năm ngoái và họ đều nhấn mạnh về việc không hài lòng với phong cách lãnh đạo của CEO Wanstrath.

Không chỉ ở giới startup nước ngoài, thậm chí một nữ founder trong giới starup Việt chia câu chuyện của chính người trong cuộc: "Mới khởi nghiệp, chúng tôi thường ít vốn. Do đó, chi tiêu thường rất chi li. Mục tiêu chính của startup ở giai đoạn này thường là nghiên cứu và phát triển sản phẩm, và phải làm sao để đạt được 4 cái nhất. Bộ máy phải tinh gọn nhất, ít phát sinh chi phí nhất, quy trình đơn giản nhất, tính linh hoạt cao nhất.

Nói chung, giai đoạn này thường rất khổ sở, ăn không dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu. Nhưng gọi được vốn rồi, con người ta thường sẽ thay đổi. Đang khổ, bỗng dưng có một lượng tiền lớn trong tay, nhiều founder nói riêng, startup Việt Nam nói chung sinh thói... hoang phí".

Thế mới thấy chuyện sĩ diện hão không phải của riêng ai, từ trẻ tới già, từ tây tới ta. Trong cuốn sách Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới, Nial Ferguson đã chỉ ra rằng để đạt được những thành tựu ngày nay các nước như Mỹ, châu Âu dùng 6 trụ cột phát triển gồm: Cạnh tranh, Khoa học, Quyền tư hữu, Y học, Tiêu dùng và Lao động.

Như vậy để doanh nghiệp phát triển bền vững sau đó là mở rộng ra quy mô quốc gia thì đầu tư cho Khoa học là điều không thể thiếu, như chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, còn việc sắm cơ ngơi "khủng", đi ô tô xịn chỉ phục vụ cho thói sĩ diện hão mà thôi...

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM