Shark Liên giải thích vì sao người cao tuổi ở châu Âu sống độc lập, còn người cao tuổi ở Việt Nam thường sống "nhờ" vào cháu con?
Tính độc lập của người lớn tuổi phương Đông và phương Tây rất khác nhau do yếu tố văn hoá, trách nhiệm tích luỹ khi còn có khả năng lao động.
Trong talkshow Tự do tài chính mới đây với chủ đề Già(u), một số liệu giật mình về bức tranh chung tài chính của người cao tuổi Việt Nam được tiết lộ. Theo số liệu của ông Trần Lê Minh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội quỹ Dragon Capital Việt Nam, hiện có khoảng 4,3 triệu người già Việt Nam sống nhờ vào con cháu. Tính trên tổng số người cao tuổi của Việt Nam là 11,4 triệu người vào cuối năm 2021 thì tỷ lệ xấp xỉ 40%.
Một con số thống kê khác của chương trình cũng được đưa ra. Theo đó tại Việt Nam hiện nay có 38% sống nhờ tiền của con, 29% người đã già nhưng vẫn phải tiếp tục làm việc, 15% được nhận tiền hưu trí, 10% nhận trợ cấp xã hội.
Trước bức tranh về việc người già sống nhờ vào con cháu chiếm tỷ lệ khá cao tại Việt Nam, Shark Đỗ Liên (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Aquaone) cho rằng chúng ta cần định nghĩa lại thế nào là "sống nhờ vào con". Theo Shark Liên, thậm chí có những người có rất nhiều tiền nhưng ở nhờ trong chính ngôi nhà của mình, sống nhờ vào tiền của chính mình.
“Văn hoá của xã hội Việt Nam là trẻ cậy cha, già cậy con nên tôi nghĩ rằng con số còn lớn hơn rất nhiều. Khi cha mẹ sinh con, chắt chiu nuôi con khôn lớn được ăn học xong lại định vị cho mình một trách nhiệm cực kỳ lớn đó là đứa cả, đứa hai, đứa ba, đứa tư, mỗi đứa phải có 1 căn nhà. Cả đời phải gom góp dựng sẵn vào đấy cho các con. Và thực sự có thể các con không cần. Nhưng chúng ta tự cho mình cái quyền là cái này phải dành cho con. Thậm chí chúng ta nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc, nhịn cả những thứ mà ở tuổi chúng ta phải được hưởng. Chúng ta phải nuôi con, nuôi con đã khổ rồi lại còn nuôi cả cháu, chúng ta quên đi cuộc sống của mình”, Shark Liên nhận xét.
Vốn là người từng có nhiều thời gian sống tại châu Âu, Chủ tịch tập đoàn Aquaone cho biết người cao tuổi ở châu Âu thường có cuộc sống độc lập. Vì sao có sự khác biệt này?
Theo shark Liên, điểm khác biệt ở chỗ khi còn đi làm những người lao động ở châu Âu đã có trách nhiệm đóng thuế cho quỹ an sinh, quỹ hữu trí của nhà nước với tỷ lệ rất cao, có thể lên tới vài chục phần trăm. Sau này khi về già, những người lao động được hưởng khoảng 60% trên phần đã đóng góp. Do vậy tính độc lập của người phương Đông và phương Tây rất khác nhau.
“Họ tích lũy từ trong trứng nước. Họ độc lập và không phải nhờ đến con cái, rất rõ ràng, thế hệ con cái cũng vậy. Quỹ hưu trí được đóng càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Chi phí nhiều nhất với người lớn tuổi không phải là ăn, ở, mặc mà là chi phí y tế. Chi phí y tế chiếm cực kỳ lớn với người lớn tuổi. Tôi nghĩ là văn hoá cần phải thay đổi. Cần có thời gian để chúng ta mới có thể thay đổi được. Thay đổi cần sự ủng hộ của xã hội. Cần thay đổi nhận thức đóng thuế là trách nhiệm của mỗi công dân để lo cho chính bản thân mình. Chúng ta không bắt con cái trở thành gánh nặng”, shark Liên chia sẻ.