Shark Bình trước khi thành "cá mập" qua lời mẹ kể: Dùng chiếc máy tính được mẹ mua nhờ bán hai mảnh đất, lập công ty từ 2 triệu đồng tiền viết phần mềm thuê

02/05/2024 17:09 PM | Kinh doanh

"Bắt đầu vào cấp ba thì Bình học lập trình. Tôi đã bán đi hai mảnh đất để mua một cái máy tính cho con", mẹ Shark Nguyễn Hòa Bình kể lại thời còn học phổ thông của ông chủ NextTech.

Shark Bình trước khi thành "cá mập": Dùng chiếc máy tính được mẹ mua nhờ bán 2 mảnh đất, thành lập công ty từ 2 triệu đồng viết phần mềm thuê - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech, nhà đầu tư trên chương trình Shark Tank Việt Nam.

Doanh nhân Nguyễn Hòa Bình được biết đến rộng rãi sau khi trở thành "cá mập" trong hội đồng đầu tư trên chương trình Shark Tank Việt Nam. Ông là người sáng lập kiêm Chủ tịch NextTech Group - một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử hóa thương mại.

Shark Bình khởi nghiệp từ rất sớm, ngay từ khi còn đang học năm thứ hai tại Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông từng gọi đó là thời khởi nghiệp "ba không": không vốn, không trụ sở và cơ sở vật chất, không có nhân viên.

Trong chương trình "Chuyến xe khởi nghiệp" của VTVMoney được fanpage Shark Tank Việt Nam chia sẻ lại mới đây, bà Phạm Thị Kim Hòa - mẹ của Shark Bình kể lại rằng niềm đam mê đối với lĩnh vực công nghệ thông tin của ông chủ NextTech được ấp ủ từ thời cấp ba và cũng vướng phải hàng loạt rào cản ngay từ đầu.

"Bắt đầu vào cấp ba thì Bình học lập trình. Bây giờ thấy ít ai như tôi ngày xưa. Tôi đã bán đi hai mảnh đất để mua một cái máy tính cho con.

Có hôm tôi ra hiệu sách ở thị xã Hà Đông để hỏi mua cho con cuốn Lập trình Cơ bản. Người bán sách kể rằng Bình từng ra xin cô ấy để dành cuốn đó cho cháu, rồi cháu tiết kiệm tiền ăn sáng để mua vì không dám xin mẹ.

Đến ngày sinh nhật tôi hỏi con thích mua gì, Bình cũng nhờ tôi đèo ra Đại học Bách khoa để mua mấy quyển sách lập trình. Lúc nào cũng đam mê như thế, ấp ủ từ cấp ba. Tôi cũng thấy lạ kỳ, nhưng kệ cho con mơ", mẹ Shark Bình chia sẻ.

"Có hôm Bình mải lập trình đến tận 12 rưỡi đêm, bố giục tắt đi không được nên ra rút luôn ổ điện. Sáng hôm sau Bình phàn nàn với mẹ rằng code được bao nhiêu mà cuối cùng chưa kịp lưu bố đã rút ổ, làm hỏng hết", bà kể thêm một kỷ niệm.

Shark Bình trước khi thành "cá mập": Dùng chiếc máy tính được mẹ mua nhờ bán 2 mảnh đất, thành lập công ty từ 2 triệu đồng viết phần mềm thuê - Ảnh 2.

Shark Bình thời sinh viên.

Lần đầu tiên Shark Bình kiếm được tiền là nhờ một hợp đồng xây dựng hệ thống phần mềm quản lý có giá 2 triệu đồng.

"Lúc đó tôi tư duy rằng nếu bây giờ lập doanh nghiệp, thành công thì ra trường có sự nghiệp riêng, thất bại thì cũng thu được nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, tôi quyết định cầm 2 triệu đồng kiếm được nhờ viết phần mềm thuê để đi lập doanh nghiệp", Chủ tịch NextTech hồi tưởng.

Công ty mà ông thành lập lúc đó là PeaceSoft, tiền thân của Tập đoàn NextTech sau này. Nhờ duy trì được hoạt động của PeaceSoft trong 3 năm, Shark Bình có nguồn tiền để "lấy ngắn nuôi dài", sau đó tái đầu tư cho dự án chodientu.vn. Mặc dù mô hình bán hàng online khi đó đã khá quen thuộc với các nước, nhưng trang web này lại không được đón nhận tại Việt Nam.

"Khi tôi đi nói chuyện với các doanh nghiệp, mời họ bán hàng qua mạng, họ nhìn tôi như người ngoài hành tinh. Câu cửa miệng của họ là: "Các em làm miễn phí hết từ A-Z thì anh làm. Anh rất bận với cửa hàng của anh"".

Trước khó khăn đó, tôi hình dung bản thân như một con kiến đang muốn di chuyển cả hòn đá – đó là sức ì và thói quen của xã hội. Nếu không có một đàn kiến thì mình phải nghĩ cách nào đó thông minh hơn", Shark Bình cho biết.

Sau nhiều năm hoạt động, PeaceSoft được tái cấu trúc và đổi tên thành NextTech. Ngoài thị trường Việt Nam, hiện nay Nexttech đã phát triển hàng chục chi nhánh với hàng trăm nhân viên tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc.

NextTech hiện có hơn 20 nền tảng công nghệ hoạt động trên 4 lĩnh vực chính: Thương mại điện tử (E-commerce), Thanh toán điện tử (Fintech), Kho vận hậu cần (E-logistics) và Đầu tư khởi nghiệp (Start-up Venture).

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM