Shark Bình tiết giảm chi phí thời dịch: Giảm lương lãnh đạo trước, lương nhân viên sau, sa thải nhân sự chỉ là biện pháp cuối cùng!
Doanh nghiệp như một con thuyền trên đại dương. Khi gặp cơn bão, phải cố gắng cứu người bằng cách vứt bỏ những đồ đạc nặng nề, không cần thiết ra khỏi tàu và đoàn kết lại. Bão qua rồi, chúng ta còn có người để sửa tàu, đi tiếp.
Chỉ hơn 2 tháng bùng phát, dịch Covid-19 đã trở thành cuộc sàng lọc đau thương với các doanh nghiệp trong hầu hết lĩnh vực. Tiết giảm chi phí, đổi mới sản phẩm và kênh bán hàng, giảm lương, thậm chí sa thải nhân viên, là những biện pháp mà các chủ doanh nghiệp đang thực hiện, mong sống sót qua cơn khủng hoảng.
Nhưng câu hỏi hóc búa nhất, khiến người lãnh đạo đau đầu nhất có lẽ là bài toán nhân sự. Bởi có một mâu thuẫn rằng: khi thuận buồm xuôi gió, ta vẫn thường nghe đâu đó lời khẳng định rằng "con người là tài sản lớn nhất"; vậy mà đến khi khó khăn, con người lại "tài sản" bị cắt giảm trước nhất?
Trong hội thảo trực tuyến "Chiến lược khủng hoảng thời Covid: Bán hàng hoặc Chết", ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech, còn được biết đến với vai trò "cá mập" trong SharkTank Việt Nam mùa 3, chia sẻ cách giải quyết trong chính doanh nghiệp của mình.
Chi phí nhân sự tốn kém nhất nhưng cắt giảm nhân viên chỉ là giải pháp cuối cùng
"Là một doanh nghiệp công nghệ nên tài sản cố định không nhiều, tài sản lớn nhất của công ty chính là con người. Vì thế nên chi phí lớn nhất cũng là chi phí nhân sự, có khi chiếm tới 60%.
Mà các cụ xưa có câu "Còn người là còn của". Chúng tôi xác định 2 giá trị cốt lõi, trước nhất là con người, sau mới đến công nghệ."
Để dễ hình dung, vị "cá mập" ví doanh nghiệp như một con thuyền trên đại dương. Khi gặp cơn bão, phải cố gắng cứu người bằng cách vứt bỏ những đồ đạc nặng nề, không cần thiết ra khỏi tàu và đoàn kết lại. Bão qua rồi, chúng ta còn có người để sửa tàu, đi tiếp.
Với lý do đó, shark Bình khẳng định: "Tại Nexttech, cắt giảm nhân sự chỉ là giải pháp cuối cùng, chỉ sử dụng khi không còn cách nào khác để giúp doanh nghiệp tồn tại."
Vậy giải quyết bài toán chi phí như thế nào?
"Xưa có giặc thì vua, quan dẫn đầu. Giờ khó khăn, các lãnh đạo, quản lý cũng thực hiện chính sách làm gương, tự nguyện giảm thu nhập một phần trước vì thông thường họ có thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung."
Tuy nhiên, Chủ tịch Nexttech cũng cho biết phải tính đến kịch bản thứ hai, trầm trọng hơn thì sẽ bắt đầu cắt giảm một phần lương của nhân viên nhưng vẫn duy trì đội ngũ.
Kịch bản thứ ba, đi làm luân phiên nhau. Một nửa đi làm, một nửa nghỉ, cùng nhau "thắt lưng buộc bụng". Đồng thời tìm kiếm thêm những công việc khác cho nhân viên.
Tính đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa phải sa thải nhân viên nào.
Có những doanh nghiệp không cắt giảm sẽ "chết"!
Đối với một số doanh nghiệp đặc thù như nhà hàng, khách sạn thì cắt giảm nhân sự dường như là điều bắt buộc. Nhưng cắt giảm không đồng nghĩa với đóng cửa.
Nhà sáng lập Vinalink, ông Tuấn Hà cho biết: "Cắt giảm nhân sự thì phải xác định thay đổi trục sản phẩm, cắt giảm không có nghĩa là đóng cửa. Yêu cầu những nhân sự cũ phải chuyển đổi đầu mục công việc, chức vụ mới phù hợp với sản phẩm mới, nếu không được thì buộc phải cắt giảm để tuyển người phù hợp hơn.
Chẳng hạn như mô hình nhà hàng dining, phải có nhân viên phục vụ. Nhưng bây giờ chuyển sang mô hình delivery (giao hàng), khi đó cần chuyển nhiên viên phục vụ sang bộ phận bếp, nếu không phù hợp thì buộc phải sa thải."
Theo ông Tuấn Hà, dù trong trường hợp nào cũng cần có những phương án nhân văn, có đạo đức để giúp người lao động vượt qua khó khăn.
Đối với các doanh chủ, hãy coi đây là cơ hội tốt để rà soát, tối ưu hóa bộ máy. "Việc sa thải những vị trí không hiệu quả, không đem lại giá trị cho doanh nghiệp là vấn đề hoàn toàn khác. Doanh nghiệp càng lớn, càng nhiều nhân viên thì lại càng có thể có những vị trí kém hiệu quả, cần mạnh dạn tái cơ cấu", shark Bình khẳng định.