Sếp ManpowerGroup: 65% công việc cho Gen Z vẫn chưa xuất hiện trên thị trường

23/07/2021 07:41 AM | Kinh doanh

Cuộc cách mạng ngành sản xuất toàn cầu đã trải qua 4 thời kỳ. Ngày nay, chúng ta đang ở nửa cuối của Thời kỳ thứ 3, thời điểm mà 65% các công việc mà Gen Z sẽ làm vẫn chưa tồn tại trên thị trường lao động, theo Giám đốc Khu vực ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông.

Ông Simon Matthews - Giám đốc Khu vực, ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông.
Ông Simon Matthews - Giám đốc Khu vực, ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông.

Cuộc cách mạng ngành sản xuất toàn cầu đã trải qua 4 thời kỳ, ông Simon Matthews - Giám đốc Khu vực, ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông chia sẻ tại Tọa đàm "Khoảng Trống Kỹ Năng Trong Lĩnh Vực Sản Xuất, Chế Biến Chế Tạo" ngày 22/7.

4 thời kỳ của ngành sản xuất toàn cầu gồm:

- Thời kỳ 0 (trước năm 1970): Thời của Tiêu chuẩn hóa và năng lượng, ngành sản xuất vận hành theo kiểu mẫu thông thường.

- Thời kỳ 1 (1970 – 2005): Tự động hóa và số hóa

- Thời kỳ 2 (2005 – 2020): Mạng và tích hợp

- Thời kỳ 3: Hệ thống thông minh, trỗi dậy từ năm 2020

Sếp ManpowerGroup: 65% công việc cho Gen Z vẫn chưa xuất hiện trên thị trường - Ảnh 1.

"Ngày hôm nay chúng ta đang ở nửa cuối Thời kỳ thứ 3. Trong giai đoạn này, sẽ có 65% công việc mà Gen Z (những người trẻ sinh từ năm 1996 trở đi) sẽ làm nhưng hiện vẫn chưa tồn tại trên thị trường lao động", ông Simon nói.

Cũng theo ông Simon, khoảng gần 50% các vị trí công việc trong ngành sản xuất cần thay đổi trong 3 - 5 năm tới.

"Số hóa ngành sản xuất đang tạo ra nhu cầu kỹ năng cao hơn. Những vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng số hóa như tự động hóa, thiết bị đo đạc và chế tạo robot đang gia tăng dưới ảnh hưởng của công nghệ", ông Simon nói.

ManpowerGroup đã xác định 165 vị trí công việc mới đang phát triển thuộc 7 lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật, những vị trí với kỹ năng mới mà Giám đốc Khu vực ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho biết đây là lần đầu tiên ông thấy.

Trong đó, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Sản xuất số hóa – Digital Manufacturing, chiếm 28% trong tổng số 165 vị trí công việc, với yêu cầu từng vận hành ở nhà máy truyền thống. Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều tiếp theo là Mạch điện toán kỹ thuật số - Digital Thread, yêu cầu quản lý dữ liệu trên toàn bộ vòng đời sản phẩm, chiếm 21% vị trí công việc mới…

Sếp ManpowerGroup: 65% công việc cho Gen Z vẫn chưa xuất hiện trên thị trường - Ảnh 2.

Tại sự kiện, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (ILSSA) thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng công bố khảo sát "Thực trạng và nhu cầu kỹ năng của lao động trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023".

Theo kết quả khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp FDI hiện nay đang ứng dụng các công nghệ hiện đại ở trình độ cao đến rất cao (chiếm 32%) hay trình độ trung bình (63%). Chỉ có 5% doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ ở trình độ thấp và rất thấp. Trước làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng gia tăng hiện nay, dự báo cơ cấu nhân lực sẽ có sự thay đổi cơ bản khi dòng chảy đầu tư nước ngoài có xu thế hướng tới các ngành yêu cầu lao động có trình độ từ trung bình đến cao, mà không còn là các lao động tay nghề thấp hoặc không có kỹ năng.

Trong khi đó, kết quả khảo sát cho thấy, gần một nửa số lao động (46%) trong các doanh nghiệp FDI đang làm các công việc kỹ năng thấp (giản đơn) và tỷ lệ này đặc biệt cao ở các ngành Lắp ráp ô tô/xe máy, May mặc và Điện tử. Khoảng 1/3 lao động đang làm các công việc có kỹ năng trung bình và trung bình thấp (Nhân viên văn phòng, dịch vụ và bán hàng, Thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị).

"Làn sóng lây nhiễm của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2021, thế giới vẫn ở trong giai đoạn "bình thường mới". Các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức sản xuất kinh doanh phải vừa hiệu quả, vừa an toàn. Các doanh nghiệp FDI, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo sẽ nghiêng về tự động hóa nhiều hơn, và vì vậy sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhu cầu kỹ năng lao động, việc làm có kỹ năng trên thị trường lao động trong vòng 2-3 năm tới", ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội chia sẻ.

"Dưới tác động của công nghệ mới, các doanh nghiệp cần phát triển một chiến lược nhân sự hiệu quả. Khi việc tìm kiếm nhân tài có kỹ năng chuyên môn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, nhà tuyển dụng cần phát triển nhân tài nội bộ, thuyên chuyển vị trí nhân sự khi cần thiết và tìm nguồn nhân tài từ dịch vụ cung ứng nhân sự có bộ kỹ năng cần thiết. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong ngắn, trung và dài hạn", ông Simon nhấn mạnh.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM