Sếp Dragon Capital: Hạnh phúc là kiếm "tiền tử tế", thay vì tìm cách tối đa hóa tài sản

01/01/2023 16:55 PM | Kinh doanh

Trước câu hỏi làm sao để đạt ngưỡng viên mãn, thanh thản với tiền, ông Hans Nguyễn – Quản lý Cao cấp tại Dragon Capital Việt Nam nhắc tới khái niệm "tiền tử tế".

Ông Hans Nguyễn - Quản lý Cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam. Ảnh: VTV.

"Tôi có một khái niệm gọi là tiền tử tế, liên quan đến cái nhìn về đầu tư và cách kiếm tiền. Mọi người thường có quan niệm tối đa hóa đồng tiền, sở hữu càng nhiều càng tốt. Tôi muốn gợi ý một góc nhìn khác. Thay vì định nghĩa hạnh phúc là tối đa hóa số tiền sở hữu, phải kiếm tiền một cách tử tế", ông Hans Nguyễn - Quản lý Cao cấp Đào tạo kênh phân phối Dragon Capital Việt Nam phát biểu trong chương trình Gala hành trình Tự do tài chính của VTV Money.

Ông Hans cho biết ở Dragon Capital có chiến lược đầu tư ESG (Environmental, Social, Corporate Governance), được hiểu là việc ra quyết định đầu tư dựa trên các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Ông nhấn mạnh đây là cách đầu tư có trách nhiệm để tạo ra ảnh hưởng tốt cho xã hội

"Chúng tôi gọi đó là đồng tiền tử tế. Mình kiếm tiền nhưng vẫn tạo được ảnh hưởng tốt cho xã hội, thị trường. Thực sự điều đó cũng tốt cho nhà đầu tư, bởi đầu tư tử tế đồng nghĩa với đầu tư an toàn, bền vững", vị quản lý tại Dragon Capital chia sẻ.

Ông Hans chỉ ra rằng năm 2022 là dịp để nhìn lại cách đầu tư, trong bối cảnh nhiều người gặp khó khăn về tài chính. Ngoài ra, để sống hạnh phúc, ông cũng đề cao tính cân bằng giữa tài chính, sức khỏe thể chất và tinh thần.

"Để làm được tất cả các nghĩa vụ trong cuộc sống cần tài chính, nhưng cũng phải đảm bảo sức khỏe về thể chất và tinh thần. Tài chính là một khía cạnh quan trọng, nếu không ổn có thể ảnh hưởng đến cả tinh thần và sức khỏe. Đây là ba yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau", ông nói.

Ai cũng có một con đường đi đến tự do tài chính

Khái niệm tự do tài chính đang ngày càng phổ biến và trở thành mơ ước của nhiều người. Đây được hiểu là trạng thái đủ tiền để trang trải cho bản thân và gia đình theo ý muốn, các quyết định không còn bị tiền chi phối, chẳng hạn như có thể nghỉ hưu sớm và sống nhờ thu nhập thụ động.

Với những bạn trẻ đang khao khát đạt được mục tiêu này, ông Hans nhắn nhủ rằng hãy tin mỗi người đều có một con đường tới đích, dù xuất phát điểm ra sao. Điều quan trọng là phải chọn ra con đường phù hợp với mình, lên kế hoạch và kiên trì, bởi đó là hành trình dài và gian nan.

Để kiếm được 1 triệu USD đầu tiên - mốc được coi là tượng trưng cho tự do tài chính, ông Hans cho biết có hai con đường là “giàu nhanh” và “giàu chậm”. Những người muốn giàu nhanh cần có kiến thức, kinh nghiệm dày dặn ở một số lĩnh vực như kinh doanh, làm trong ngành giải trí, sản xuất video trên mạng xã hội… Còn hai cách giàu chậm là đầu tư chứng khoán và tài chính.

Quản lý ngân sách cũng là một khâu quan trọng, dù sở hữu ít hay nhiều tiền. "Nếu chưa có thu nhập cao, cần cố gắng tăng thu nhập để có khoảng thặng dư, cùng lúc đó phải kiểm soát chi tiêu", ông Hans lấy ví dụ.

Mặc dù vậy, ông cũng đánh giá khối lượng tài sản không quan trọng bằng sự hài lòng của bản thân.

Mỗi người có một phong cách sống khác nhau. Tự do tài chính chỉ là cột mốc để mọi người làm việc và hướng tới, còn việc cần 5 tỷ hay 100 tỷ là tùy phong cách sống của mỗi người ”, ông kết luận.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM