Sếp bắn tiếng Anh: Chiêu thị uy quen thuộc trước nhân viên và đặc biệt là đội sales
Cho dù tiếng Anh giờ đây đã phổ biến, nhưng nhiều người làm sales có trình độ tiếng Anh còn hạn chế. Nắm bắt được điều này, các sếp trong doanh nghiệp SME thường sử dụng tiếng Anh trong các buổi họp nhằm nâng cao hình ảnh của mình.
Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài viết "Mập mờ là bản chất của Sếp" của chuyên gia tư vấn và đào tạo bán hàng Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.
Năm 2004 tôi có cuộc họp nhớ đời với một "sếp" bên ngành thực phẩm. Hồi đó công ty tôi cộng tác là nhà cung cấp, còn công ty của Sếp kia là nhà phân phối. Vào cuộc họp, thực tế là khá đơn giản, nói về việc triển khai chương trình nếm thử tại siêu thị cho sản phẩm pho mát của Pháp, sếp cất giọng: "Tôi suggest là chúng ta nên focus vào đúng target của đợt sampling lần này. Phải làm sao để promote hình ảnh của chúng ta tới tất cả đối tượng mục tiêu là các ông bố bà mẹ có con nhỏ. Cần cho họ biết đặc điểm nổi bật trong cái taste của sản phẩm. Sau chương trình lần này, chúng ta sẽ boost doanh số thông qua display cả ở hệ thống GT (General Trade) trên toàn khu vực phía Bắc!".
Và cứ như thế, "cụ" chém cùng một ngữ điệu và ngữ pháp như vậy trong vòng liên tục 3 tiếng đồng hồ không nghỉ. Trong lúc sếp nói, tôi nhìn sang khuôn mặt của các anh em sales trong đội và thấy một sự im lặng hàm chứa nỗi "thành kính" tới gần như kinh sợ! Mà sợ cũng phải thôi, sếp nói vanh vách toàn thuật ngữ, đã thế còn bằng tiếng Anh như người ngoại quốc. Ai làm được như vậy nào?
Cũng vẫn ông sếp đó, sau cuộc họp 2 ngày, cùng tôi đi gặp đại diện nhà sản xuất người nước ngoài. Ông chỉ thốt ra được đúng một câu "Hello, how are you?", sau đó ngồi im rồi tới phần tôi làm phiên dịch!
Vậy là rõ, bài của sếp là dựa vào sự bí hiểm để khiến nhân viên kính nể, cái mà bọn tôi gọi ngắn gọn là "trộ" để thể hiện ưu thế của mình. Cái này có một số điểm lợi:
Do thuật ngữ tiếng Anh nên ai cũng ngầm hiểu là sếp uyên bác, biết cả ngoại ngữ. Thời nay tuy nói tiếng Anh là phổ biến nhưng người Việt vốn lười nên tôi thấy rất ít người học và làm chủ ngôn ngữ đó. Và trong số những người đó, sales thường là đối tượng có trình độ thấp nhất vì họ không có thời gian và nhiều môi trường để rèn luyện trừ trong một số lĩnh vực đặc thù.
Do sử dụng thuật ngữ nên họ khiến sales khó hiểu, và càng khó hiểu thì sales càng khó tranh luận lại. Một là không hiểu rõ mà hỏi. Hai là sales có tâm lý "hỏi lại nhỡ anh ấy lại cao giọng giảng thêm về sự phức tạp của các thuật ngữ thì có phải mình càng khó hiểu và bị anh ấy chê là dốt không?" Lúc ấy thì còn xấu mặt trước cả anh em nữa.
Nói rộng ra, khác với các công ty dạng tập đoàn, nơi mà quyền lực tới từ sự rõ ràng trong phân cấp bậc, cách làm cho phức tạp hoá này khá phổ biến trong giới quản lý của các công ty SME. Họ phải làm vậy vì cần duy trì quyền lực của mình trong môi trường ít người. Nếu không làm thì rất dễ sẽ thành "cá mè một lứa" với số nhân viên còn lại.
Mặt trái của cách làm này, là nếu làm nhiều mà không có biến hoá, tức là mãi theo một kiểu mà không chịu sáng tạo ra các kiểu cách "thần bí" khác thì nhân viên không sớm thì muộn cũng nhận ra và thành nhờn với người quản lý áp dụng các kiểu cách đó!