Sea Games khiến tệ nạn mại dâm tại Philippines bùng nổ

10/12/2019 11:01 AM | Xã hội

"Tôi chẳng muốn ai giúp đỡ tôi cả. Việc phải làm nghề này tại đây đã đủ khổ rồi và tôi không muốn thêm phiền phức", cô Julianne chia sẻ.

Thành phố Angeles-Philippines là một trong 23 địa điểm tổ chức Sea Games năm nay. Khoảng 8.750 vận động viên từ 11 nước sẽ tranh tài tại 531 môn thi trong 12 ngày. Đây là cơ hội kinh doanh cho ngành du lịch Philippines và đồng thời cũng là cơ hội làm ăn cho những tệ nạn như mại dâm.

Bé Julianne (đã được đổi tên) mới 16 tuổi nhưng đã bị bọn buôn người đưa đến Philippines từ 2 năm trước để hành nghề mại dâm. Cô kiếm được khoảng 40-80 USD/tuần và phần lớn số tiền được gửi về để chăm sóc cho gia đình đến 6 người của mình.

Dẫu vậy, những ngày này Julianne khá căng thẳng khi chịu áp lực từ những tay ma cô và chủ chứa. Nhằm tận dụng Sea Games, chủ quán bar cô làm việc đã đe dọa cắt tiền lương nếu họ không giữ được nhiều khách hơn đến "chơi".

Các quan chức tại Philippines cảnh báo hàng nghìn phụ nữ và trẻ em tại đây sẽ phải đối mặt với sự gia tăng quấy rối tình dục khi Sea Games diễn ra và chính phủ không đủ khả năng để bảo vệ tất cả trong suốt lễ hội.

Sea Games khiến tệ nạn mại dâm tại Philippines bùng nổ - Ảnh 1.

Một quán bar tại Angeles-Philippines

Ngủ với khách là chuyện bình thường?

Cả thành phố Angeles và Vịnh Subic đều nằm ở phía bắc thủ đô Manila, chỉ cách vài tiếng lái xe và nơi đây nổi tiếng là trung tâm mại dâm cho khách du lịch đến Philippines. Mặc dù mại dâm là bất hợp pháp ở Philippines và phụ nữ dưới 18 tuổi không được làm việc trong các quán bar nhưng chẳng ai kiểm soát được chúng, thậm chí nhiều vị thành niên có thể làm giả giấy tờ để qua mặt nhà chức trách dễ dàng.

Cục trưởng Yvette Coronel của Văn phòng chống buôn người thuộc Bộ tư pháp Philippines cho biết phòng chống tệ nạn mại dâm đã không được nghĩ đến trước khi tổ chức Sea Games.

"Chúng đáng lẽ ra nên phòng chống tệ nạn mại dâm trước khi Sea Games diễn ra bởi Angeles và Subic đều là những địa điểm nổi tiếng cho nạn buôn người. Những vận động viên đến tham gia Sea Games không phải chịu nhiều nguy hiểm mấy nhưng những người đi cùng đoàn với họ hoặc các khách du lịch mới là mục tiêu chính của gái mại dâm", Bà Yvette chia se.

Đồng quan điểm, cha Shay Cullen, người sáng lập tổ chức phi chính phủ PREDA chuyên giải cứu các bé gái từ tay bọn buôn người ở Subic và Angeles cho biết mình chẳng ngạc nhiên với sự thờ ơ của chính phủ về nạn mại dâm.

"Hàng trăm trẻ em đang bị ép bán dâm hàng ngày tại các quán bar, bạn có nghĩ rằng chính phủ đang quan tâm đến nạn mại dâm ở đây không?", cha Cullen nói khi chỉ vào 67 trẻ em đã được giải cứu và đang tá túc ở trung tâm PREDA.

Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu dân số Philippines, khoảng 19% số nam thanh thiên trẻ chính thức thừa nhận đã từng "chơi gái" và khoảng 11% phụ nữ trẻ thừa nhận công khai họ từng nhận tiền để ngủ với người khác giới. Tuy nhiên con số này không hoàn toàn chính xác khi có một số lượng lớn người không dám hoặc không muốn thừa nhận chuyện này.

Hiện chưa có một số liệu chính thức nào về số phụ nữ hành nghề mại dâm ở Philippines. Theo nhiều ước tính, khoảng 500.000-800.000 phụ nữ hành nghề mại dâm đang làm việc ở Philippines nhưng con số này biến động khá lớn do rất nhiều phụ nữ bị đưa vào hoặc đưa ra khỏi ngành.

Nguyên nhân của tình trạng mại dâm tràn lan ở Philippines hiện chưa có một nghiên cứu nào xác nhận chính thức. Một phần nguyên nhân có thể do tình trạng đói nghèo, một phần khác có thể do văn hóa trọng vật chất cũng như sự chấp nhận của tư tưởng xã hội về việc "bóc bánh trả tiền".

Năm 2018, tỷ lệ nghèo đói tại Philippines là 16,6% và phần lớn những cô gái hành nghề mại dâm ở các tụ điểm như thành phố Angeles đến từ các tỉnh lẻ nghèo xung quanh.

Một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 34% số phụ nữ làm trong các tiệm massage trá hình ở Philippines chấp nhận làm gái mại dâm để chăm lo cho bố mẹ nghèo ở quê, 28% là để trợ cấp chồng con, hơn 20% là vì kiếm được nhiều tiền, khoảng 2% là vì thích công việc này và còn lại là từ nhiều nguyên nhân khác.

Tồi tệ hơn, khoảng 1/3 số gái mại dâm được hỏi cho biết họ từng bị bạo hành hoặc quấy rối tình dục từ cảnh sát, quan chức chính quyền hoặc các tay anh chị.

Một nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho biết hơn 50% số phụ nữ làm trong quán bar ở Philippines cảm thấy bình thường khi phải ngủ với khách hàng.

Chiến dịch "làm màu"

Rất nhiều phụ nữ và trẻ em từ các nước làng giềng hay thậm chí tận Trung Quốc đã bị đưa sang Philippines hành nghề mại dâm trong kỳ Sea Games. Cảnh sát cho biết họ đã giải cứu được hơn 20 người trong 10 ngày qua tại Angeles khỏi các ổ mại dâm.

Sea Games khiến tệ nạn mại dâm tại Philippines bùng nổ - Ảnh 2.

Lễ khai mạc Sea Games tại Philippines

Trước ngày khai mạc Sea Games 30/11, cảnh sát thành phố Angeles đã bắt giữ 44 gái mại dâm không có giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên cư dân địa phương cho biết tất cả chỉ là "làm màu".

Cô Reema, một bồi bàn 26 tuổi tại một quán bar ở Angeles cho biết việc cảnh sát bắt giữ một số gái mại dâm chỉ để tượng trưng chứ chẳng có một chiến dịch càn quét thực sự nào cả.

"Họ nói sẽ thắt chặt an ninh, nhưng tình hình vẫn chẳng có gì thay đổi. Khách du lịch nếu nhìn thấy bất cứ cô gái Philippines nào, dù già trẻ lớn bé, họ đều nghĩ rằng mình có thể đụng vào họ bởi chẳng ai nói với khách du lịch rằng điều đó là không được phép", cô Reema ngậm ngùi nói.

Đối với những cô gái hành nghề mại dâm như Julianne, Sea Games là cơ hội kiếm tiền nhưng cũng là thách thức khó khăn trước sức ép từ chủ chứa.

"Tôi chẳng muốn ai giúp đỡ tôi cả. Việc phải làm nghề này tại đây đã đủ khổ rồi và tôi không muốn thêm phiền phức", Julianne chia sẻ.

AB

Cùng chuyên mục
XEM