Đòi bỏ trần vé máy bay, hàng không tự do tăng giá
Trong khuôn khổ Diễn đàn cao cấp Du lịch lần thứ 2 diễn ra sáng 9/12, một lần nữa quy định trần giá vé bay chặng nội địa được đề nghị bãi bỏ, để giá vé tự điều tiết theo thị trường.
Tại phiên thảo luận liên quan đến hàng không với phát triển du lịch, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng, trong bối cảnh thị trường hàng không thực sự cởi mở, với sự tham gia của rất nhiều hãng hàng không, kể cả hàng không tư nhân, thì giá trần vé máy bay cũng là một điểm nghẽn cản trở doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng đây là điểm nghẽn về cơ chế cần giải quyết, mặc dù các hãng hàng không Việt Nam có thể thu lợi trong giai đoạn ngắn hạn. Song, chính những giai đoạn cao điểm của thị trường cũng tạo điều kiện để các hãng đa dạng dải giá của mình xuống mức thấp hơn, tạo điều kiện cho khách hàng", ông Hà nhấn mạnh.
Vì thế, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines kiến nghị, nên để thị trường tự điều tiết giá vé theo cung cầu. Trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam đang hội nhập với thế giới, đây cũng là việc nên cần sớm được xem xét, điều chỉnh.
"Từ năm 2006, chúng ta có Luật Hàng không dân dụng, Quốc hội đã quyết định phải có giá trần để đảm bảo duy trì lợi ích cho nhiều tầng lớp nhân dân được sử dụng dịch vụ đi lại bằng đường hàng không trong nước", ông Cường lý giải. Do vậy, Nhà nước phải điều tiết giá vé.Về đề xuất bỏ giá trần của Vietnam Airlines, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, cho rằng, cùng với Indonesia và Đài Loan, Việt Nam hiện là một trong số ít các nước và vùng lãnh thổ còn duy trì giá trần với vé máy bay nội địa. Trung Quốc cũng đã bỏ quy định này.
Tuy nhiên, ông Cường cho hay, năm 2014, cơ quan chức năng tiếp tục đề xuất bỏ giá trần nhưng không được thông qua.
“Giá trần là mức cao nhất 1 hãng hàng không có thể bán, nhưng trong thực tiễn, các hãng trên một đường bay, một chuyến bay có 182 khách như Vietjet chẳng hạn thì mỗi người một giá vé khác nhau. Trên thực tế, chúng tôi thấy thị trường đã đa dạng các loại giá, do đó nên bỏ giá trần. Chúng tôi đã đề xuất các hãng nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đề xuất lộ trình thay đổi”, ông Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho hay.
Theo ông Cường, lộ trình đầu tiên cơ quan này đề xuất là quay lại mức giá trần trước năm 2015, vì năm 2015, chúng ta ghi nhận sự sụt giảm của giá dầu và Chính phủ, các bộ ngành đã quyết định điều chỉnh giảm giá trần vé máy bay. Sau đó, từng bước nghiên cứu để năm 2021, Quốc hội sửa đổi luật để tiến tới bỏ hoàn toàn.
Bởi, việc mua tàu bay hiện nay trả bằng ngoại tệ, xăng dầu trong nước đóng các loại thuế rồi nên ông Cường khuyến cáo nếu trần vé máy bay còn tồn tại, các hãng lại tập trung khai thác đường bay quốc tế vì chi phí thấp hơn và không bị ràng buộc trần giá vé máy bay, như vậy sẽ mất đi cơ hội cho hành khách trong nước.
Trước đó, năm 2016, Vietnam Airlines cũng đã kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam bỏ giá trần vé máy bay. Đến giữa năm 2018, các hãng hàng không tiếp tục mong muốn bỏ giá trần do giá nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, Cục Hàng không tiếp tục duy trì khung giá này và cho hay đến 2019 mới xem xét điều chỉnh.
Hiện mức trần giá vé máy bay áp dụng theo quy định từ năm 2015. Cụ thể, mỗi vé máy bay nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội dưới 500km có giá 1,6 triệu đồng, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng; từ 500-800km là 2,2 triệu đồng.
Ttừ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 đến dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng.