Sẽ thế nào khi người hướng nội cũng biết cô đơn?

27/04/2020 14:50 PM | Sống

Dù là người hướng nội hay hướng ngoại, chúng ta vẫn cần sự kết nối. Nhưng với người hướng nội, họ chỉ cần những vạch kẻ rõ ràng giữa những kết nối ấy.

Là một người hướng nội , tôi luôn nghĩ rằng mình "miễn dịch" với sự cô đơn. Tôi không nhớ chính xác mình đã làm việc độc lập từ bao giờ, chắc từ khi mới bắt đầu công việc. Ở nhà hàng ngày để viết lách không phải một trở ngại lớn. Ngược lại, công việc cũng hiệu quả khi tôi không phải giao tiếp hay bị những đồng nghiệp hướng ngoại ngắt dòng suy nghĩ.

Trong năm đầu cao học, tôi thực sự chật vật với các bài nghiên cứu hay có cảm giác hòa nhập với những bạn học mới. Giữa mùa đông Michigan lạnh lẽo và xám xịt, vài người bạn cùng phòng tôi trở về nhà cho kỳ nghỉ lễ. Còn lại mình tôi với căn phòng, cô lập.

Tôi khá bối rối. Sự đơn độc tưởng chừng như thiên đường cho những gã hướng nội. Tôi luôn thích đọc sách hơn đi hòa nhạc, có một cuộc trò chuyện kiểu "deep", sâu sắc hơn là đi dự tiệc hay kể cả đi sinh nhật. Tôi hiếm khi nghe điện thoại nếu đó không phải một cuộc gọi được lên lịch trước. Tôi được 13/16 điểm trong bảng câu hỏi kiểm tra tính hướng nội. Vì thế, tôi quyết định khỏa lấp thời gian của bản thân bằng công việc mà những gã hướng nội, và đồng thời là nhà tâm lý học tổ chức thường làm: Lao vào nghiên cứu.

Người hướng ngoại thường tiếp nhận nguồn năng lượng từ giao tiếp con người, trong khi người hướng nội cảm thấy thoải mái và tràn trề sức sống khi ở một mình. Lầm tưởng thường là như vậy còn số liệu coi đó chỉ là một giả định. Trong một vài nghiên cứu, người tham gia được đánh giá năng lượng của mình theo giờ hoặc theo tuần. Những người hướng ngoại cảm thấy thoải mái nhất khi họ được nói nhiều và thể hiện bản thân. Ngạc nhiên không, người hướng nội cũng vậy! Với một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu yêu cầu người tham gia thể hiện một vài hành động, cư xử ngẫu nhiên như người hướng ngoại hoặc hướng nội. Kết quả cho thấy việc thể hiện mình là người hướng ngoại cũng đem lại năng lượng cho người hướng nội.

Việc bạn là người hướng nội không liên quan gì tới việc bạn thích những khoảng thời gian một mình. Trên thực tế, điều được người hướng nội coi trọng hơn cả là tính độc lập.

"Tất cả chúng ta đều tiếp nhận năng lượng từ mọi người xung quanh", Susan Cain, tác giả cuốn sách "Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking", chia sẻ trong một bài TED talk. "Người hướng nội không phải những kẻ ghét giao tiếp hay "antisocial" - chỉ là họ có những cách khác để tiếp cận giao tiếp xã hội".

Điều tạo nên sự khác biệt với người hướng nội là sự nhạy cảm với những kích thích, xung động: Chúng ta dễ dàng bị choáng ngợp hơn người hướng ngoại. Khi người hướng nội dành một tuần hoạt động như người hướng ngoại, bằng chứng đã chỉ ra rằng những lợi ích về cảm xúc dần biến mất và mọi thứ trở nên không ổn - người hướng nội bắt đầu cảm thấy xuất hiện các cảm xúc tiêu cực, mệt mỏi hơn và mọi thứ trở nên "không thật". Bản thân tôi vẫn thích việc tiếp xúc với mọi người. Tôi có vài người bạn thân là người hướng ngoại. Tất nhiên, đừng bắt tôi ngồi với họ trên một chuyến bay đường dài là được.

Giờ đây, cả thế giới đang phải thực hiện cách ly hay giãn cách xã hội. Những điều tôi nói trên chắc chắn có liên quan tới cách mỗi người đang tìm cách vượt qua sự cô đơn. Nếu là người hướng ngoại, bạn có thể chọn cách làm việc trực tuyến với những người lạ (chắc chắn trên Internet có những nền tảng như vậy). Mọi chuyện có vẻ không dễ dàng với người hướng ngoại, nhưng cũng khó khăn với người hướng nội. Họ cũng cần những liên kết xã hội, chỉ là sẽ cẩn trọng hơn để mọi thứ không đi quá giới hạn. Với tôi, việc ăn một mình là một điều hoàn toàn bình thường vì nó cho phép tôi có thể tập trung và không bị mệt mỏi. Nhiều nghiên cứu cũng nói rằng, việc ăn trưa một mình là điều bình thường nếu đó là sự lựa chọn của mỗi người. Điều đáng buồn là khi chúng ta muốn kết nối, có ai đó để ăn trưa cùng nhưng cũng chẳng có ai.

Tin tốt là chúng ta không cần quá nhiều điều để xua tan đi sự đơn độc. Một người đồng nghiệp, Sigal Barsade, đã đưa ra nhận định rằng, chúng ta chỉ cần một người bạn để cảm thấy bớt cô đơn nơi công sở. Bạn cũng không cần phải kết nối quá lâu. Người hướng dẫn của tôi, Jane Dutton, đã dành nhiều năm nghiên cứu về những kết nối. Chỉ cần những liên kết mỏng cũng khiến chúng ta cảm thấy sự hiện hữu của bản thân. "Chỉ cần 40 giây tương tác - 40 giây tràn đầy tích cực và sự tận tình, cũng sẽ đem lại tác động tích cực lên cả hai người".

Tuần trước, tôi nhận được email từ một chủ doanh nghiệp, đồng thời là người hướng nội. Ông ấy vừa có 18 tiếng họp với nhóm của mình qua Zoom.

"Tôi thực sự cảm thấy năng lượng của mình như bay biến và tâm trí trì trệ, không thể nghĩ được mọi điều một cách thông suốt", ông viết. Đó là một dạng kiệt quệ mới mà ta có thể gọi nó bằng cái tên "screenout" - kiệt quệ vì ngồi quá lâu trước màn hình và tham gia các cuộc họp. Tôi bắt đầu bỏ dần những cuộc video call không cần thiết, chuyển qua chỉ gọi thoại và làm việc qua email.

Sẽ thế nào khi người hướng nội cũng biết cô đơn? - Ảnh 1.

Đó là những điều tôi đã làm lúc còn ở Michigan, trong những ngày cô đơn. Tôi lập danh sách 100 người quan trọng nhất trong cuộc đời mình và dành ra một tuần để viết thư cho từng người, những điều tôi thực sự trân trọng. Khi nhận được thư phản hồi, cảm giác cô đơn không còn nữa. Việc nói lên những tâm tư trong lòng tưởng chừng đã chìm vào quá khứ khiến chúng ta cảm thấy gắn kết hơn.

Giờ ngẫm lại, việc viết 100 lá thư một tuần có vẻ như hơi quá sức. Chỉ cần một lá thư trao đi và nhận lại mỗi ngày cũng khiến cảm xúc của tôi tốt hơn nhiều. Thực ra, đâu cần phải tốn quá nhiều sức lực để cảm thấy được kết nối, thay vì cô đơn. Dù khoảng cách địa lý có khiến con người xa rời nhau, những gắn kết tinh thần sẽ đưa chúng ta xích lại.

Theo Minh Đức

Cùng chuyên mục
XEM