Sau nỗi kinh hoàng “cây đổ trong trường học”: Các trường quản lý cây xanh ra sao?
Mới đây vào sáng 26/5, tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) đã xảy ra sự việc đau lòng khiến nhiều học sinh thương vong. Dư luận và các bậc phụ huynh đã đặt ra nhiều câu hỏi về quy trình quản lý, chăm sóc và trách nhiệm đối với cây xanh trong các trường học.
Cây phượng tại trường THCS Bạch Đằng ngã đổ khiến một học sinh tử vong, 17 em bị thương nặng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Khang – Hiệu trưởng trường THCS Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trường được xây dựng từ năm 2004, các cây lớn trong khuôn viên nhà trường đều được trồng từ khi xây dựng dự án này, các cây lớn trong trường chủ yếu gồm cây xà cừ và cây cau.
Khuôn viên Trường THCS Phú Đô có nhiều cây xanh tạo bóng mát.
Hiện việc chăm sóc cây trong trường được giao cho các bảo vệ thay nhau thực hiện hàng ngày. Mọi công việc như tưới nước, bón phân, quan sát các dấu hiệu lạ và cắt tỉa cành cây đều được các bảo vệ thực hiện hàng ngày để đảm bảo an toàn.
Trường cũng trồng thêm một số cây nhỏ trong khuôn viên để tạo bóng mát, các em học sinh được chia thành các đội và chăm sóc các cây nhỏ trong trường.
Các cây xà cừ tại đây được trồng từ khi xây dựng trường.
Các cây có tuổi đời không quá cao nhưng cũng đã có kích thước khá lớn.
Theo ông Khang, dù các cây xà cừ và cây cau trong trường được trồng từ nhỏ trên nền đất trống đảm bảo độ bén rễ sâu an toàn nhưng phía nhà trường vẫn luôn cắt cử các bảo vệ thường xuyên quan sát cây hàng ngày để đảm bảo an toàn.
"Quan điểm của nhà trường là luôn đặt sự an toàn của các con khi đến trường cũng như giáo viên nhà trường lên hàng đầu. Mỗi ngày đều có các bảo vệ túc trực chăm sóc và quan sát độ an toàn của các cành cây cũng như gốc cây, khi có biểu hiện lạ hoặc nhiều cành có khả năng gãy sẽ tiến hành chặt bỏ.
Các gốc cây hàng ngày được bảo vệ tại trường chăm sóc, khi quan sát cây có biểu hiện bất thường, nguy hiểm sẽ đề xuất chính quyền địa phương tiến hành chặt bỏ, thay thế.
Tán cây cũng thường xuyên được cắt tỉa định kỳ để tránh những cành cây mục, gãy rơi xuống.
Các cây cau cũng có mái che phía dưới, mỗi khi bẹ cau có biểu hiện sắp rụng sẽ lập tức được kéo xuống", ông Khang chia sẻ.
Vị Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đô cho biết, các công tác cắt tỉa cành cây trước các đợt mưa bão và nghỉ hè cũng được trường thực hiện đầy đủ. Việc này sẽ được nhà trường chủ động thuê đơn vị ngoài đến thẩm định độ an toàn và thực hiện cắt tỉa theo định kỳ. Các cành cây có biểu hiện dễ gãy, nguy hiểm sẽ được loại bỏ.
"Việc thay thế các cây lớn chúng tôi cũng đã nghĩ đến, tuy nhiên các cây trong khuôn viên trường vẫn có độ tuổi nhỏ và không có dấu hiệu nguy hiểm, bất thường. Các con trong trường cũng cần có bóng mát để vui chơi, sinh hoạt".
Các cây cảnh nhỏ cũng thường xuyên được cắt tỉa để tạo mỹ quan trong trường.
Theo ông Khang, dù trường thực hiện chăm sóc và các trách nhiệm về cây xanh trong trường thuộc về trường đầu tiên. Tuy nhiên, khi muốn chặt bỏ, thay thế cây mới, trường phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo từ chính quyền địa phương.
"Trong trường hợp phát hiện cây có biểu hiện lạ, nguy hiểm, phía nhà trường sẽ phải tiến hành thông báo, xin ý kiến chỉ đạo của chính quyền địa phương về việc chặt bỏ, thay thế cây.
Do được trồng trực tiếp xuống nền đất trống từ khi còn nhỏ nên cây bám rễ rất chắc chắn.
Các bẹ cau lớn khi sắp rụng sẽ được kéo xuống, dọn dẹp để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không có ý kiến gì về điều này vì đây là trường công lập, cây cũng là tài sản chung và trách nhiệm của chúng tôi là theo dõi và đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trong trường", ông Khang cho biết thêm.
Cũng như trường THCS Phú Đô, bà Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường THCS Phan Đình Giót, (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, phía nhà trường cũng chủ động không trồng cây to, phần vì diện tích hạn hẹp và để đảm bảo an toàn.
Trường THCS Phan Đình Giót chủ yếu trồng các cây nhỏ và giàn hoa để tiện chăm sóc, đảm bảo an toàn cho các em học sinh cũng như giáo viên trong trường.
"Do diện tích đất hạn hẹp, sân trường nhỏ nên chúng tôi cũng không muốn trồng cây to và không trồng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Trường chỉ có một vài cây dâu gia xoan, cây lộc vừng còn lại thì chủ yếu là giàn hoa, chậu cảnh nhỏ", bà Huyền chia sẻ.
Theo bà Huyền, việc trồng cây to sẽ mang lại bóng mát trong trường nhưng sẽ chiếm nhiều diện tích và không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em học sinh cũng như giáo viên trong trường.
"Chúng tôi muốn để diện tích cho các con vui chơi trong trường và tiêu chí an toàn của các con cũng như giáo viên của trường được đặt lên hàng đầu nên việc trồng cây nhỏ sẽ tiện cho việc chăm sóc và đảm bảo an toàn cho các con", bà Huyền thông tin.
Trước đó, sự việc đáng tiếc tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) sáng 26/5 khiến một em học sinh lớp 6 tử vong, khiến dư luận và xã hội vẫn chưa thôi bàng hoàng và đau xót.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện sự cố liên quan tới cây xanh trong khuôn viên trường học hay trên hè phố. Nhiều năm trở lại đây, hàng loạt vụ tai nạn thương tâm xảy ra như một "hồi chuông" báo động về thực trạng cây xanh bật gốc ngã đổ, đe doạ tính mạng con người.
Trong buổi hội nghị giao ban trực tuyến công tác 5 tháng đầu năm 2020 của Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng mong muốn các sở, ban, ngành, quận, huyện chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện tốt các nội dung về phòng, chống thương tích. Cụ thể, rà soát, cắt tỉa cây xanh trong các nhà trường trên địa bàn TP bảo đảm an toàn cho cán bộ giáo viên cũng như học sinh.
Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công ty công viên cây xanh Hà Nội và các quận, huyện rà soát, cắt tỉa lại tất cả các cây xanh ở các trường học trên địa bàn, không để gây nguy hiểm cho học sinh.