Sau cú sảy chân của Huawei, Xiaomi vào tầm ngắm: Thất thủ trước Samsung, chiến lược giá rẻ không còn hiệu nghiệm, phải đi bán xe tìm đường sống

10/04/2023 10:25 AM | Kinh doanh

Việc Xiaomi mất ngôi vương vào tay Samsung tại thị trường điện thoại lớn thứ 2 thế giới đang khiến nhiều người lo lắng.

Sau cú sảy chân của Huawei, Xiaomi vào tầm ngắm: Thất thủ trước Samsung, chiến lược giá rẻ không còn hiệu nghiệm, phải đi bán xe tìm đường sống - Ảnh 1.

Sau cú sảy chân của Huawei, mọi con mắt đổ dồn về phía Xiaomi khi đây là hãng điện thoại hiếm hoi còn sót lại có đủ sức mạnh gánh vác nền điện thoại Trung Quốc.

Thế nhưng, tình hình kinh doanh không mấy khả quan của Xiaomi khi thất thủ trước Samsung và buộc phải kinh doanh cả mảng xe điện đã khiến nhiều người lo lắng về tương lai hãng điện thoại từng đứng đầu Trung Quốc này.

Theo hãng tin Reuters, doanh số của Xiaomi trong năm 2022 đã giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 280,04 tỷ Nhân dân tệ. Trong khi đó lợi nhuận ròng giảm 61,4% xuống chỉ còn 8,52 tỷ Nhân dân tệ. Cả 2 chỉ số này đều thấp hơn so với mức dự đoán của các chuyên gia phân tích.

Báo cáo của hãng nghiên cứu Canalys thì chỉ rõ doanh số bán điện thoại tại Trung Quốc đã suy giảm mạnh do người dân hạn chế chi tiêu hậu giãn cách. Số liệu của Canalys cho thấy doanh số bán điện thoại tại Trung Quốc năm 2022 đã giảm tới 14% xuống mức thấp kỷ lục 287 triệu chiếc. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua con số này xuống dưới 300 triệu chiếc.

Trong đó, Xiaomi là hãng điện thoại chịu ảnh hưởng nặng nhất với doanh số theo đơn vị giảm tới 37% trong quý IV/2022 so với cùng kỳ năm trước.

Sau cú sảy chân của Huawei, Xiaomi vào tầm ngắm: Thất thủ trước Samsung, chiến lược giá rẻ không còn hiệu nghiệm, phải đi bán xe tìm đường sống - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Lei Jun của Xiaomi

Tuy nhiên nghiên cứu của hãng IDC cho thấy thương hiệu này vẫn giữ được vị trí nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 trên thế giới sau Apple và Samsung. Dẫu vậy tại Trung Quốc, thị trường điện thoại lớn nhất thế giới, Xiaomi đã tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 khi tổng doanh số theo đơn vị giảm xuống chỉ còn 38,6 triệu chiếc năm 2022.

Ngoài ra, hãng điện thoại này cũng đánh mất vị thế số 1 ở Ấn Độ, thị trường điện thoại lớn thứ 2 thế giới. Hãng tin Reuters đánh giá bên cạnh những yếu tố như căng thẳng địa chính trị Trung-Ấn, việc Xiaomi thiếu nhạy cảm với xu hướng dịch chuyển lên phân khúc điện thoại cao cấp hơn của người tiêu dùng Ấn Độ so với xu thế chuộng giá rẻ trước đây cũng khiến họ mất ngôi vương vào tay Samsung trong quý IV/2022.

Doanh số của Xiaomi tại Ấn Độ đã giảm 6% trong quý IV/2022 so với cùng kỳ năm trước.

“Việc thu nhập của người dân Ấn Độ tăng lên khiến thị hiếu người dùng dịch chuyển từ smartphone giá rẻ và tầm trung sang phân khúc cận cao cấp và hạng sang nhiều hơn”, phó chủ tịch Ashutosh Sharma của hãng nghiên cứu Forrester đánh giá.

Ấn Độ hiện là thị trường smartphone quốc tế lớn nhất của Xiaomi và đóng góp lớn thứ 2 cho doanh thu của hãng này sau thị trường nội địa.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Xiaomi thì cho thấy doanh thu quý IV/2022 giảm 22,8% xuống còn 66,05 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 9,6 tỷ USD. Lợi nhuận ròng giảm tới 67,3% xuống còn 1,46 tỷ Nhân dân tệ cùng kỳ.

Phải đi bán xe

Việc thất thủ trên thị trường điện thoại khiến nhiều người từng kỳ vọng Xiaomi sẽ thay thế được Huawei trở nên lo lắng. Hiện Huawei đang gặp nhiều khó khăn khi trở thành nạn nhân trong cuộc xung đột công nghệ Mỹ-Trung. Hãng đã bị hàng loạt công ty công nghệ Mỹ cấm sử dụng kỹ thuật, như việc Alphabet (Google) không cho phép Huawei dùng hệ điều hành Android.

Mặc dù Xiaomi không nằm trong diện này nhưng tình hình kinh doanh bết bát khiến hãng buộc phải đa dạng hóa ngành nghề, tiếp cận sang cả mảng kinh doanh xe điện. Thông cáo của Xiaomi vào tháng 3/2023 cho thấy hãng đang trong quá trình nghiên cứu để tiến tới sản xuất hàng loạt dòng xe điện của mình vào nửa đầu năm 2024.

Theo nhà sáng lập Lei Jun của Xiaomi, việc hãng điện thoại này đa dạng hóa kinh doanh đã giúp công ty tránh được tổn thất suốt 2 năm giãn cách vì đại dịch của Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lý do khiến hãng đổ hàng tỷ USD cho mảng xe điện nhằm tìm kiếm đường ra trong bối cảnh thị trường smartphone ảm đạm.

Riêng trong năm 2022, Xiaomi đã đổ đến 3,1 tỷ Nhân dân tệ cho mảng nghiên cứu ô tô điện cùng những công nghệ có liên quan. Hiện Xiaomi đang đàm phán với Beijing Automotive Group để hướng tới hoàn thành mục tiêu cho ra mắt dòng xe của hãng vào năm 2024.

Bên cạnh việc bán xe, Xiaomi cũng mạnh tay đầu tư cho công nghệ trí thông minh nhân tạo Xiao AI, hướng tới tích hợp kỹ thuật này vào trong điện thoại.

Sau cú sảy chân của Huawei, Xiaomi vào tầm ngắm: Thất thủ trước Samsung, chiến lược giá rẻ không còn hiệu nghiệm, phải đi bán xe tìm đường sống - Ảnh 3.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Lu Weibing của Xiaomi nhận định tình kình kinh doanh khó khăn hiện nay của hãng có thể vẫn sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023 do việc phục hồi thị trường smartphoen cần thời gian.

Thậm chí hãng cũng chưa chắc chắn mọi thứ sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm nay bởi còn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý người tiêu dùng, cuộc xung đột công nghệ Mỹ-Trung...

Hiện việc Mỹ tăng cường cấm vận công nghệ chip điện tử cùng những lĩnh vực liên quan đang khiến nhiều chuyên gia lo lắng lợi thế giá rẻ của Xiaomi cuối cùng cũng biến mất, qua đó mất lợi thế cạnh tranh hoàn toàn với các đối thủ như Apple hay Samsung.

*Nguồn: Reuters, SCMP, Bloomberg

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM