Sau chiến dịch dẹp vỉa hè, đây là cách chuỗi cà phê xe đẩy Coffee Bike đi qua tâm bão và tiếp tục chuyến phiêu lưu

26/04/2017 15:16 PM | Kinh doanh

Len lỏi giữa các thương hiệu lớn để cung cấp cà phê sạch với giá phải chăng, Coffee Bike đã vượt qua chiến dịch dẹp vỉa hè và cả áp lực thị trường để tiếp tục mở rộng.

Thương hiệu gắn liền với vỉa hè

Mới đây, những ai yêu thích thứ nước uống màu nâu, sánh đặc bắt đầu quen thuộc với thương hiệu Coffee Bike với thiết kế chiếc xe đạp màu cam nổi bật trên các con phố Sài Gòn & Hà Nội. Trên chiếc xe đó, là toàn bộ máy móc, nguyên liệu pha chế…

“Chúng tôi lấy màu cam và màu trắng để xóa đi lối mòn tư duy về cà phê, vì từ trước tới nay, nhiều người cho rằng cà phê nhất định phải màu nâu trong bộ nhận diện. Chúng tôi muốn làm khác đi. Đó là lý do vì sao thiết kế chủ đạo của chiếc xe cafe là màu cam và trắng”, Hoàng Tiễn, người đồng sáng lập ra Coffee Bike, chia sẻ với chúng tôi trong một cuộc gặp gần đây.

Cho đến năm thứ 3 đại học, nhà sáng lập trẻ tuổi của chuỗi này vẫn chưa từng uống ly cà phê nào trọn vẹn. Tiếp xúc với môi trường văn phòng, Tiễn nhận thấy dân văn phòng uống cà phê rất nhiều. Tiễn thử và sau thành... nghiện.

Tiễn cũng thấy một thực tế là Việt Nam rất giàu có về cafe, có thứ hạng xuất khẩu trên thế giới nhưng lại rất nhiều cà phê bẩn. Và chàng trai trẻ bắt đầu trăn trở.

Với vốn liếng vài chục triệu đồng “để sống sót qua ngày”, Hoàng Tiễn tiếp cận với nhiều nguồn thông tin về cà phê để học hỏi và cho ra đời ý tưởng: bán cafe trên xe đạp.

Được một số người biết về cà phê đánh giá cao về ý tưởng và một người anh đi trước trong giới startup lựa chọn hỗ trợ về vốn và kinh nghiệm, để đưa Coffee Bike ra thị trường, chiếc xe đạp cà phê được nhiều khách hàng đón nhận.

Lúc cao điểm nhất, Coffee Bike đã có tới 21 xe, gồm 18 xe của công ty và 3 xe nhượng quyền, chỉ sau vài tháng xuất hiện trên thị trường.

Thế nhưng, khi trên đà tăng tốc mạnh nhất cũng là lúc “cơn lốc vỉa hè” đến...

“Chúng tôi chịu ảnh hưởng trong chiến dịch dẹp vỉa hè”

Coffee Bike gắn liền với chiếc xe đạp, với vỉa hè. Và đương nhiên, khi chiến dịch dẹp vỉa hè được thực thi ở TPHCM và Hà Nội, Coffee Bike sẽ gặp khó khăn. Khi không thể bán ở vỉa hè, thì hàng chục chiếc xe sẽ để đâu. Các chi phí vận hành, nhân công ra sao nếu không có nguồn thu.

“Mặc dù có sự chuẩn bị trước, nhưng chiến dịch dẹp vỉa hè khiến Coffee Bike bị ảnh hưởng về doanh thu rất lớn. Tuy nhiên, chiến dịch này cũng giúp chúng tôi thay đổi mô hình kinh doanh, theo hướng bền vững hơn”, Hoàng Tiễn chia sẻ.

Vậy sự chuẩn bị ở Coffee Bike là gì?

Theo Hoàng Tiễn, trước đó, Coffee Bike cũng đã có kế hoạch chuyển từ kinh doanh vỉa hè sang Kios và quán.

“Coffee Bike đang trong giải đoạn cải cách lớn, có thể nói ra bước ngoặt, chính việc dẹp vỉa hè là khó khăn, nhưng cũng chính là cơ hội - giúp Coffee Bike quyết đoán hơn trong việc thay đổi hình thức kinh doanh bền vững hơn”, Tiễn cho biết.

Theo người đồng sáng lập của chuỗi này, vỉa hè tuy chi phí đầu tư thấp, nhưng mất nhiều chi phí phi chính thức, cũng như tốn nhiều công sức hơn. "Có thể nói, cơ hội luôn kèm rủi ro, và trong rủi ro thì sẽ luôn cơ hội, quan trọng nhất vẫn là sư sáng suốt của bộ phận điều hành, linh hoạt trong bối cảnh thị trường nhiều thay đổi", Tiễn kết luận.

Biển lặng thì không có thủy thủ giỏi

Coffee Bike đã có những thành công nhất định trước khi xảy ra "biến cố" mang tên vỉa hè. Có thời điểm, Coffee Bike có 18 xe đẩy và 3 cửa hàng nhượng quyền. Sau chiến dịch vỉa hè, hiện Coffee Bike có 6 cửa hàng ở TP HCM và Hà Nội.

"Tôi vẫn đang phiêu lưu và nghĩ mình là thủy thủ. Và nếu biển lặng thì không có thủy thủ giỏi. Coffee Bike đang gặp khó khăn. Ở tuổi tôi, mọi người đang đi làm và có tiền. Họ được đi du lịch nhưng tôi vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và phải chịu trách nhiệm trước công ăn việc làm của nhiều người", Tiễn suy tư.

Hoàng Tiễn đang chuẩn bị gấp rút cho việc khai trương 2 cửa hàng mới ở cả Hà Nội và TPHCM. Chàng trai 9X này cùng các cộng sự kỳ vọng sẽ mở khoảng 15 cửa hàng trong năm nay, với diện tích khoảng hơn 60 m2.

Hoàng Tiễn cho biết hiện danh sách chờ nhượng quyền mô hình này đã lên đến con số 300. Tuy nhiên, chuỗi không kỳ vọng đạt được bao nhiêu hợp đồng nhượng quyền, mà "tùy theo nhu cầu của thị trường".

- Coffee Bike có ngại chuyện không đồng đều về chất lượng khiến thương hiệu bị ảnh hưởng không? - chúng tôi nghi ngại.

- Đó là câu chuyện khi mô hình phình to ra. Hiện giờ Coffee Bike vẫn cử nhân sự qua kiểm tra. Tính không đồng đều ở chuỗi là có, nhưng sai số sẽ nhỏ - Hoàng Tiễn tự tin.

- Phân khúc mục tiêu của chuỗi hướng đến nhóm khách hàng nào?

- Giới công sở, những người nghiền cà phê, nếu uống 2 ly với giá 35.000 đồng/ly tại các thương hiệu lớn thì chi phí cho cà phê mỗi tháng cũng không ít. Cà phê pha máy và sạch vẫn có thể có giá thấp hơn. Coffee Bike chọn cách len lỏi giữa các thương hiệu lớn, cà phê sạch nhưng rẻ hơn các chuỗi lớn, để người yêu thích cafe có thể vừa được uống cà phê sạch, nhưng với giá dễ chịu hơn.

Theo tiết lộ của ông chủ này, trước kia, giá nhượng quyền là khoảng 120 triệu/quán nhưng giờ giá nhượng quyền còn 80 triệu cho một cửa hàng hơn 20m2, bao gồm xe đẩy và 5 bộ bàn ghế. Phần trang trí thì chủ cửa hàng nhận nhượng quyền sẽ tự lo.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM