Sau 5 năm bán mảng bánh kẹo cho Mondelez, Kido tái xuất với kế hoạch bán 4 triệu bánh trung thu thương hiệu Kingdom, dự kiến lãi ngay 50 tỷ đồng
Kido ước tính doanh thu từ 4 triệu bánh trung thu là 200 tỷ đồng, tương đương giá bán 50.000 đồng/chiếc. Số bánh này được gia công tại nhà máy của ABC Bakery và có biên lợi nhuận khoảng 20%, thấp hơn so với tự sản xuất là 30%.
Công ty chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo cập nhật hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Kido.
Rồng Việt cho biết, Kido dang có kế hoạch thực hiện một số hoạt động mua bán và sáp nhập trong tương lai để tăng cổ phần tại các công ty con hiện tại là dầu ăn Tường An và Vocarimex, bên cạnh việc mua số cổ phần còn lại tại Kido Foods đã được ĐHCĐ thông qua nhằm nâng tỷ lệ sở hữu của Kido tại đây lên 100%.
Đáng chú ý, Kido sẽ quay trở lại với lĩnh vực kinh doanh bánh kẹo trong năm nay với việc tung ra thị trường sản phẩm bánh trung thu với thương hiệu ‘Kingdom’.
Kido từng là công ty bánh kẹo lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng với thương hiệu Kinh Đô trước khi tập đoàn này bán lại mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelez vào giai đoạn 2015-2016. Sau thương vụ này, Kido bắt đầu tham gia vào ngành thực phẩm thiết yếu, với trọng tâm là các sản phẩm dầu ăn, thông qua việc mua lại các tên tuổi như Tường An (2016), Vocarimex (2016-2017), Golden Hope-Nhà Bè (2017-2018) và nhanh chóng trở thành công ty lớn thứ hai trong ngành dầu ăn với thị phần khoảng 30% vào năm 2019. Trong khi đó, Công ty thực phẩm đông lạnh của Kido là Kido Foods duy trì vị thế dẫn đầu của mình trong ngành kem với thị phần toàn quốc là 41% trong năm 2019.
Kido dự kiến sẽ hoàn thành việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Kido Foods vào cuối năm 2020, kỳ vọng vào thúc đẩy hiệu quả hoạt động của tập đoàn
Đại hội cổ đông gần đây của Kido và Kido Foods đã thông qua phương án sáp nhập, trong đó Kido sẽ mua lại 32,79% số cổ phiếu đang lưu hành còn lại của Kido Foods (tương đương 17,76 triệu cổ phiếu) thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 1,3:1 (1,3 cổ phiếu Kido hoán đổi 1 cổ phiếu Kido Foods). Nói cách khác, Kido sẽ phát hành tổng cộng 23,1 triệu cổ phiếu, tăng 11,2% số cổ phiếu lưu hành hiện tại của tập đoàn. Thương vụ mua lại dự kiến sẽ được thực hiện vào quý 4/2020.
Theo Kido, việc mua lại sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của tập đoàn thông qua việc tiết giảm chi phí quản lý và mua hàng sau khi sáp nhập, bên cạnh việc thay đổi cơ cấu sản phẩm với nhiều sản phẩm mới tập trung vào dòng cao cấp mang thương hiệu Celano.
Kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Tường An và Vocarimex sẽ được triển khai sau khi SCIC thoái vốn
Kido lên kế hoạch mua lại phần vốn của SCIC tại Vocarimex (36,3%), qua đó, góp phần tăng tỷ lệ sở hữu của Kido tại Tường An (Vocarimex sở hữu 26,5% cổ phần tại Tường An). Chứng khoán Rồng Việt cho rằng kế hoạch M&A này nhiều khả năng được tiến hành thông qua giao dịch bằng tiền mặt và có thể được thực hiện trong quý 3, thời điểm mà SCIC dự kiến sẽ bắt đầu kế hoạch thoái vốn.
Mảng dầu ăn: Liên doanh mới giúp ổn định giá nguyên vật liệu đầu vào và cải thiện lợi nhuận
Tường An có kế hoạch thành lập một liên doanh với đối tác có trụ sở tại Singapore. Tỷ lệ sở hữu của Tường An trong liên doanh này là 51%. Liên doanh này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Tường An cũng như các nhà sản xuất dầu ăn khác tại Việt Nam nhờ vùng nguyên liệu lớn từ đối tác này, từ đó Tường An sẽ hưởng lợi thông qua việc quản lý giá đầu vào tốt hơn. Kido kỳ vọng biên lợi nhuận ròng của Tường An sẽ được cải thiện so với mức hiện tại (3,1% trong 6 tháng đầu năm 2020) khi nguyên liệu phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu từ các bên thứ ba.
Cùng với đó, Tường An sẽ tiếp tục triển khai chiến lược cao cấp hóa các sản phẩm dầu ăn của mình, hướng tới các thương hiệu có giá trị cao hơn (Tường An Premium), khi mà xu hướng tiêu dùng sản phẩm ở phân khúc cao cấp cùng nhận thức của người tiêu dùng về sức khỏe khi sử dụng những sản phẩm dầu ăn có giá trị cao ngày càng tăng lên.
Quay trở lại mảng kinh doanh bánh kẹo với thương hiệu mới là Kingdom, bắt đầu với sản phẩm bánh trung thu
Tập đoàn sẽ quay trở lại ngành bánh kẹo sau cam kết không cạnh tranh với Mondelez, một điều khoản trong thương vụ bán mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelez vào năm 2015, hết hiệu lực vào tháng 7 năm nay. Kido sẽ bắt đầu ra mắt thị trường với sản phẩm bánh trung thu. Việc sản xuất bánh trong năm nay sẽ được gia công tại nhà máy của ABC Bakery trong khi Kido sẽ tận dụng kênh phân phối hiện có, hiện đang bán các sản phẩm của Kinh Đô-Mondelez, để thâm nhập thị trường.
Doanh thu dự kiến từ lô sản phẩm 4 triệu bánh trong năm nay sẽ vào khoảng 200 tỷ đồng. Do Kido phải thuê sản xuất bên ngoài, ban lãnh đạo ước tính biên lợi nhuận ròng sẽ xấp xỉ 20%, thấp hơn biên lợi nhuận của việc tự sản xuất là khoảng 30%. Theo đó, ban lãnh đạo ước tính lợi nhuận từ việc kinh doanh bánh trung thu sẽ đạt 50 tỷ đồng. Sau đó, Kido sẽ tiếp tục tung ra một loạt các sản phẩm ăn vặt, bao gồm bánh quy giòn, bánh quy, bánh xốp, khoai tây chiên giòn.
Thâm nhập vào ngành đồ uống thông qua liên doanh hợp tác với Vinamilk
Vibev - liên doanh giữa Kido (49%) và Vinamilk (51%) - chuyên về đồ uống không gas và dự kiến ra mắt vào quý 4/2020. Mặc dù chi phí xây dựng thương hiệu ban đầu rất lớn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của liên doanh trong năm đầu tiên hoạt động (2021), Rồng Việt kỳ vọng về lâu dài, liên doanh này sẽ được hưởng lợi từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào (đường, sữa,…) cạnh tranh với sự hỗ trợ từ Vinamilk cũng như tận dụng các kênh phân phối rộng khắp của cả hai công ty trên toàn quốc. Bên cạnh đồ uống, kế hoạch sản xuất kem, nhiều khả năng được gia công tại Kido Foods, cũng được xem là một phương án khả thi.
6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Kido đạt 3.728 tỷ đòng và lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỷ đồng, tăng trưởng 14% và 20% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 45% và 56% kế hoạch cả năm.