Sau 25, các bạn sẽ buồn bền vững hơn, cô đơn bài bản hơn, giận dữ quy trình hơn và yêu tử tế hơn!
Tình yêu của tuổi trưởng thành là sẽ “yêu một cách tử tế hơn”.
"Càng lớn chúng ta càng có khả năng quản lý cảm xúc được, các bạn sẽ buồn một cách bền vững hơn, các bạn sẽ cô đơn một cách bài bản hơn, các bạn sẽ giận dữ một cách đúng quy trình hơn, và các bạn sẽ yêu một cách tử tế hơn". (Lương Thế Huy)
Hôm nay tôi nghe được câu này ở cuối buổi trò chuyện của Lương Thế Huy tại "WeTalk: Tuổi 25 có gì". Một câu nói đầy tâm đắc, đầy tính tự sự và trùng với cảm xúc của rất nhiều người, kể cả người có mặt ở khán đài hay theo dõi buổi trò chuyện qua Livestream Facebook. Rồi ngay sau đó, tôi thấy rất nhiều người cùng nhau chia sẻ câu này.
Thế là tôi tự dưng nghĩ: Tình yêu hình như cũng giống như bài kiểm tra vượt cấp.
Có những người may mắn chỉ học một lần là qua môn, nhưng có những người, trầy da tróc vẩy, làm hết lần này tới lần khác mà chưa ra kết quả đẹp, yêu hết người này đến người nọ vẫn chưa tìm được đúng người.
Tình yêu của họ như một chuyến phiêu lưu, dạo qua đủ hỉ nộ ái ố, đắng cay ngọt bùi. Yêu nhiều, chia tay cũng nhiều, trái tim cũng không còn là thứ nguyên sơ lành lặn.
Nhưng rồi ai thì cũng phải lớn cả. Tình yêu sau nhiều lần đổ vỡ, cũng biết lớn dần lên. Nhất là khi bắt đầu vào ngưỡng tuổi 25, lúc chẳng còn trẻ con nữa, lúc chỉ mới bắt đầu bước vào cánh cửa trưởng thành.
Những nỗi buồn tựa hồ như bền vững hơn
Khi một trái tim đã trải qua quá nhiều chia ly và đau đớn, tự dưng nó sẽ quen với cảm giác mất mát, hay gọi là "bị chai sạn" thì chính xác hơn. Lúc ấy, trái tim dường như miễn nhiễm với đau đớn bên ngoài.
Chẳng còn vật vã từ ngày sang đêm, chẳng còn những lần đổi ava Facebook đen thùi lùi như một lời kêu cứu trong thầm lặng, cũng chẳng buồn chặn số hay xóa sạch ký ức về đối phương, chỉ còn buồn thôi, nhưng buồn kiểu bình thản.
Cái nỗi buồn của thời non nớt nhìn thì thật đáng sợ, thật thảm hại và tanh bành, nhưng không kéo dài lâu. Những trái tim còn trẻ thường dễ quên, dễ tìm thấy một lý do nào đó khác để bận tâm thay vì cứ mân mê một nỗi đau hết ngày này qua tháng nọ.
Nhưng chuyện này không xảy ra ở tình yêu người lớn, không xảy ra ở những trái tim đã nhiều lần đi qua đổ vỡ.
Chia tay chỉ là hai con người không còn đi chung một con đường nữa thôi, đâu phải quay ra đâm nhau đến chết đâu mà? Thế là họ lẳng lặng cất nỗi buồn đi, vì ngoài yêu ra, người ta còn phải làm việc, phải học tập, phải sống, phải lo toan, không ai trả lương cho mình buồn mà.
Trong trái tim người lúc ấy đã có riêng một ngăn để cất nỗi buồn vào. Ngăn ấy nằm khuất phía sâu thẳm trong tim, nơi không thể chạm vào, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng tự chúng ta biết rõ là nó vẫn tồn tại ở đấy, vẫn trĩu nặng đeo bám chúng ta.
Thế là ở ngoài, ta vẫn bình ổn, ta vẫn cười nói và sinh hoạt bình thường. Giấu kín nỗi buồn đi, vì chẳng ai muốn quan tâm đến nỗi buồn của người khác.
Những nỗi cô đơn cũng trở nên bài bản hơn
Khi đã qua nhiều lần chia ly, tự bản thân mỗi người sẽ hiểu được rằng chẳng có ai là bên ta mãi mãi. Mọi thứ sẽ đến và đi vào một ngày đẹp trời nào đó, và nếu muốn tiếp tục tồn tại, bạn phải học cách thích nghi với chính bản thân mình mà không cần ai khác bên cạnh.
Có một sự thật là: khi trái tim còn trẻ, chúng ta trở nên hoảng hốt khi nghĩ tới chuyện làm bạn với cô đơn. Đi ăn một mình, ngồi café một mình, xem phim một mình… dường như là những hoạt động không bao giờ được phép nằm trong từ điển sống.
Chúng ta từng bằng mọi cách muốn rủ rê ai đó bước vào cuộc sống của mình. Chỉ cần có người ở cạnh bên để tránh cái cảm giác bị lạc lõng giữa đám đông ồn ào, tránh cái cảm giác bị bỏ rơi ra khỏi rìa thế giới.
Để rồi, trải qua những năm tháng buộc phải sống một mình với niềm đau và nỗi buồn, ở lại với ta chỉ còn có mình ta. Đến khi ấy, ta buộc phải thỏa hiệp với cô đơn, như bắt tay làm hòa với một gã khùng đáng ghét, để luôn giữ được sự đẹp đẽ vô tư trước khi mời một người mới lại một lần nữa bước vào đời ta.
Chính thế mà cách để nhận biết một người trưởng thành thực ra vô cùng đơn giản. Chỉ là nhìn xem cái cách họ mỉm cười với cuộc sống thường ngày, và cô đơn dường như đã trở thành một "gia vị" vô cùng thân thiết.
Người trưởng thành sẽ giận dữ theo quy trình
Khi chúng ta không còn trẻ nữa, chúng ta sẽ biết trân quý những mối quan hệ quanh mình hơn. Đó là bản năng phòng vệ cơ bản của con người khi đã đi qua nhiều lần đổ vỡ.
Chúng ta biết rằng, xốc nổi, bốc đồng, hiếu thắng là lý do chính dẫn đến sự chia ly. Và một khi đã xác định được căn nguyên cội nguồn của nỗi buồn, chúng ta sẽ có xu hướng phòng vệ lại thứ đó. Không còn dở chứng lồng lộn chỉ vì một chuyện bé con con, chúng ta học được cách kiểm chế, và giận dữ có lý do hơn, với mục tiêu cao cả là giữ gìn cẩn thận bên mình những người mà chúng ta thương yêu.
Có thể đôi khi bạn thấy trái tim một người trưởng thành dường như "khô khốc", bởi họ không bốc đồng, không bất chấp, không tung hê tất cả để cố chấp giữ cái "tôi" cao chót vót của mình. Mà thay vào đó, họ vẫn mâu thuẫn, vẫn lời qua tiếng lại, và dành cho nhau một sự im lặng nhất định, sau đó thì ngồi lạnh bên nhau để đối thoại và lắng nghe.
Sau cùng thì, chúng ta sẽ học cách để yêu nhau tử tế hơn
Chúng ta không muốn lãng phí thời gian của nhau trên đường đời quá dài và quá xa này nữa. Chúng ta cũng không muốn mãi phi theo những mũi tên vô định. Bởi vì chúng ta đã lớn. Bởi vì ngoài tình yêu, chúng ta còn có nhiều điều để lo nghĩ cho cuộc sống của mình.
So với tình yêu tuổi trẻ, chúng ta sẽ thấy một sự bớt nồng nhiệt rất rõ ràng. Đến nỗi đôi khi chúng ta mường tượng những sự lặng yên, những cái gật đầu, những cái nắm tay siết hờ hay những môi hôn chầm chậm chẳng còn đủ lãng mạn như hồi mình còn trẻ.
Nhưng đừng nhầm lẫn yêu nhau tử tế với một mối tình buồn. Bởi chúng ta không sôi nổi, không nhiệt huyết không có nghĩa là chúng ta đang không yêu nhau thật dạ. Chỉ là chúng ta biết cách trân trọng và nâng niu, cho nên chúng ta chỉ muốn hướng tới một cái đích an toàn.
Lúc bấy giờ, yêu không phải là nhìn về phía nhau, mà là cùng nhau nhìn về một hướng. Tình yêu tuổi trẻ rồi cũng sẽ dần ở lại, với những giấc mơ đẹp đẽ màu hồng.Trong khi đó, tình yêu của người trường thành thì còn mãi, đi mãi, bền lâu với thời gian bởi chính cái cách mà chúng ta "tử tế" với nhau.