Sau 2 tháng Mỹ rút lui, các nước thành viên lần đầu tiên họp mặt, khởi động đàm phán thay thế TPP

17/03/2017 14:12 PM | Kinh tế vĩ mô

Tìm kiếm một TPP mới – đây là động lực đã đưa các nước thành viên hiệp định này đến thành phố Viña del Mar của Chile để cùng ngồi vào bàn đàm phán trong 2 ngày vừa qua. Đây là cuộc họp đầu tiên của các nước TPP kể từ khi nền kinh tế lớn nhất – Mỹ - rút khỏi hiệp định này cách đây hai tháng.

Mỹ chỉ cử Đại sứ tại Chile tham dự hội nghị và không tham gia kí tuyên bố chung với 11 nước còn lại. Tuy nhiên hội nghị cũng có sự góp mặt của các vị khách mời cũng không phải thành viên TPP.

"Chúng tôi thấy cần phải tham gia cùng với các đối tác châu Á Thái Bình Dương nhằm phát đi một tín hiệu rằng, chúng tôi quan tâm tới tự do thương mại, chúng tôi cam kết hội nhập, tiến lên nói không với chủ nghĩa bảo hộ". Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz sau hai ngày diễn ra cuộc họp mang tên "Đối thoại cấp cao về sáng kiến hội nhập châu Á – Thái Bình Dương".

Cam kết hợp tác, thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư và hội nhập kinh tế là tinh thần chung được đưa ra trong tuyên bố chung của Hội nghị. Tuy nhiên có ý kiến không muốn từ bỏ TPP sau bao năm đàm phán khó khăn. 

Đại diện Nhật Bản Takao Ochi cho biết "TPP đã phát triển trong một thời gian dài và điều quan trọng lúc này là cần phải duy trì nó". Nhưng cũng có ý kiến để ngỏ cho các phương án khác. Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Luis Videgaray  phát biểu "Một trong những yếu tố quan trọng thu hút chúng tôi là mong muốn được tiếp cận với những nước có cùng quan điểm nhằm tạo ra các hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao và chất lượng cao".

Là cuộc họp về TPP nhưng gương mặt thu hút sự quan tâm lớn nhất là đại diện của Trung Quốc, một nước bên ngoài TPP. Ông Yin Hengmin, đặc phái viên của Trung Quốc tại Mỹ Latinh cho biết "Chúng tôi tin tưởng trong tình hình hiện nay, các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương nên theo đuổi hội nhập kinh tế. Chúng tôi cũng tái khẳng định thúc đẩy và làm sâu sắc sự phát triển của một khu vực tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương".

Các nước TPP và cả các đối tác mới đã ngồi lại cùng nhau, nhưng một TPP phiên bản 2.0 cụ thể là gì thì còn phải có nhiều cuộc họp nữa.

Sau 2 tháng Mỹ rút lui, các nước thành viên lần đầu tiên họp mặt, khởi động đàm phán thay thế TPP  - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ tại Chile Carol Perez trong hội nghị TPP tại Viña del Mar, Chile, hôm thứ 4 vừa qua.

Những lựa chọn nào có thể thay thế TPP?

Một số phương án đang được các nước tính đến hiện nay đang được các nước đề xuất. Ngay sau khi có sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi TPP, Australia đã đưa ra một sáng kiến mới về TPP-1. Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo chủ động lấy ý kiến và đưa ra kết luận rằng rất nhiều quốc gia hứng thú với ý tưởng này. Đồng thời Australia cũng cho rằng, TPP không phải một cơ chế đóng, do vậy Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nền kinh tế năng động khác hoàn toàn được hoan nghênh gia nhập.

Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP là một khuôn khổ hợp tác kinh tế với ASEAN là nòng cốt nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thành viên của RCEP là 10 nước ASEAN và 6 nước khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. RCEP chiếm ¼ tổng GDP toàn cầu và mục tiêu là hoàn thành trong năm nay.

Sáng kiến khu vực tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương FTAAP là một phần của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC. Các cuộc thảo luận về FTAAP đã được khởi động từ năm 2006 và được Bắc Kinh liên tục thúc đẩy vào năm 2014, năm chủ nhà APEC của Trung Quốc. FTAAP được xây dựng dựa trên những khuôn khổ hiện có bao gồm hàng loạt các hiệp ước khu vực và những thỏa thuận song phương giữa các thành viên APEC.

Có rất nhiều kịch bản được đưa ra nhưng kịch bản nào đi chăng nữa thì đều có một mẫu số chung là Trung Quốc dự kiến sẽ thay thế Mỹ ở vai trò đầu tàu trong Hiệp định thương mại mới này. Liệu rằng TPP mới trong đó Trung Quốc sẽ thay vai trò của Mỹ sẽ khác nhau như thế nào so với TPP cũ khi Mỹ tham gia? 

Theo Tiến sĩ Trần Việt Thái, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Học viện Ngoại giao phân tích trong một buổi đối thoại do VTV tổ chức: "Khác nhau là điều chắc chắn. Tuy nhiên nhìn lại hội nghị 2 ngày vừa qua ở Chile, việc Trung Quốc cử đặc phái viên đến tham dự chứng tỏ họ rất quan tâm tới tương lai của TPP cũng như tiến trình tự do thương mại ở khu vực. Vấn đề Trung Quốc tham gia như thế nào vẫn là một câu chuyện rất dài và tôi nghĩ rằng trong vài cuộc họp vẫn chưa thể quyết định ngay được. 

Một TPP có Trung Quốc hay một hiệp định thương mại tự do có Trung Quốc sẽ rất khác so với TPP mà chúng ta đã thấy với 30 chương như được ký kết vừa rồi".

Diệu Bảo (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM