Satya Nadella: Người thừa kế xuất sắc của Bill Gates, vị CEO kiếm 1 tỷ USD nhờ giúp cổ phiếu Microsoft tăng trưởng 900%
ChatGPT chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong chuỗi thành công tại Microsoft của CEO Satya Nadella, qua đó đưa đế chế này trở thành hãng có giá trị lớn thứ 2 thế giới sau Apple.
Theo tờ Fortune, CEO Satya Nadella của nhà Microsoft đã kiếm lời về cho công ty lẫn chính bản thân mình kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 2/2014.
Báo cáo tài chính của công ty cho thấy mức lương năm 2022 của vị CEO này chưa đến 55 triệu USD nhưng theo tính toán của hãng tin Bloomberg, tổng thu nhập mà Satya Nadella nhận được kể từ khi lên lèo lái con thuyền Microsoft đã vượt con số 1 tỷ USD.
Tờ Fortune cho hay khi Nadella được bổ nhiệm là CEO mới thay thế cho Steve Ballmer, người đã cười nhạo màn ra mắt iPhone của Apple để rồi hối hận sau đó, hầu hết giới truyền thông đều khá lạ lẫm với tên tuổi này.
Đặc biệt hơn, việc Nadella chuyển hướng Microsoft tập trung cho mảng điện toán đám mây cùng nhiều sản phẩm dịch vụ Internet khác với truyền thống bám vào bán hệ điều hành cốt lõi trước đây càng khiến nhiều người hoài nghi.
Tuy nhiên những kết quả gần đây của Microsoft đã cho thấy thành công của Nadella khi tách công ty khỏi “ăn bám” hào quang quá khứ nhưng vẫn giữ gìn được các sản phẩm kinh doanh cốt lõi.
Trong khi Microsoft vẫn duy trì được sức hút từ Office 365 bất chấp sự chuyển hướng từ máy tính cá nhân sang smartphone, thì tập đoàn này cũng tạo được nguồn thu lớn từ mảng điện toán đám mây và gần đây nhất là trí thông minh nhân tạo (AI) thông qua thành công của ChatGPT.
Những thành công này được thể hiện cực kỳ rõ ràng qua giá cổ phiếu của công ty. Vào ngày 4/2/2014, giá cổ phiếu của Microsoft chỉ vào khoảng 36,35 USD/cổ thì đến phiên 18/7/2023 vừa qua đã lên mức cao kỷ lục 364,02 USD/cổ, tương đương mức tăng 900%.
Để so sánh, cổ phiếu Microsoft có đà tăng trưởng bỏ xa so với thị trường khi chỉ số S&P 500 chỉ tăng trưởng 148% cùng kỳ.
Cũng chính Nadella là người đã đưa tổng mức vốn hóa của Microsoft vượt kỷ lục 2 nghìn tỷ USD, đạt 2,59 nghìn tỷ USD chỉ sau con số 3 nghìn tỷ USD của Apple.
Xin được nhắc là ngoài Microsoft và Apple, chỉ duy nhất Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út là hãng có tổng mức vốn hóa thị trường vượt 2 nghìn tỷ USD hiện nay.
Thành công nối tiếp thành công
Tờ Fortune nhận định đà tăng giá phi mã của cổ phiếu Microsoft gần đây là nhờ tuyên bố của CEO Satya Nadella ra mắt sản phẩm tích hợp AI vào bộ điều hành văn phòng Office 365 (Microsoft Office, Excel...) có giá 30 USD/tháng. Nhiều chuyên gia dự đoán sản phẩm mới này sẽ giúp doanh thu của Microsoft tăng thêm 14 tỷ USD.
Ngoài ra, Microsoft cũng tuyên bố sẽ là nhà tài trợ dịch vụ điện toán đám mây cho mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nguồn mở mang tên Llama 2 của Meta, qua đó tạo nên sự phấn khích trong giới đầu tư.
Trong năm tài khóa 2022 (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022), doanh thu của Microsoft đã đạt kỷ lục 198,2 tỷ USD, tăng 18%, còn lợi nhuận đạt 72,7 tỷ USD, tăng 19%.
Bên cạnh đó, hàng loạt những vụ mua lại và sáp nhập (M&A) khủng của Microsoft cũng đã được thực hiện dưới thời CEO Nadella. Năm 2016, hãng mua lại LinkedIn với giá 26 tỷ USD, tiếp đó vào năm 2018 là GitHub với giá 7,5 tỷ USD.
Năm 2022, thương vụ mua lại Activision Blizzard, cha đẻ của những tựa game nổi tiếng như Diablo, StarCraft, World of Warcraft, Call of Duty..., với giá trị 68,7 tỷ USD cũng đã được tiến hành.
Thậm chí thương vụ sáp nhập ngành game này của Microsoft còn khiến chính phủ Mỹ và Anh phải tranh luận liệu có vi phạm luật chống độc quyền.
Mới đây nhất, khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI, hãng phát triển ChatGPT bị Elon Musk bỏ rơi, đã bắt đầu đem lại “trái ngọt”. Hãng Morgan Stanley dự đoán bước đi đúng đắn này của Nadella sẽ giúp tổng mức vốn hóa thị trường của Microsoft sớm vượt ngưỡng 3 nghìn tỷ USD.
Người tốt?
Theo Fortune, CEO Satya Nadella trái ngược hoàn toàn với giới lãnh đạo ngành công nghệ khi được mệnh danh là “Người tốt” (Nice Guy). Chính phong cách lãnh đạo của Nadella đã biến văn hóa kiêu ngạo, tự phụ, biết tuốt của Microsoft khi ăn bám vào các sản phẩm từ thời Bill Gates, chuyển sang tâm lý chịu học hỏi và luôn thay đổi để vươn lên.
Một trong những nỗ lực nổi tiếng nhất của Nadella là loại bỏ các đánh giá hiệu suất nội bộ mà ông cho là kích thích sự cạnh tranh, đấu đá trong công ty, hạn chế sự hợp tác hơn là thúc đẩy năng suất.
Nhờ những nỗ lực trên mà Nadella đã được vinh danh là “Doanh nhân của năm 2019” theo tờ Fortune.
“Tôi tự tin vừa đủ vào bản thân và biết cách để người khác tỏa sáng”, CEO Satya Nadella thừa nhận.
Cũng theo khảo sát của Fortune, vị lãnh đạo Microsoft này được bình chọn là CEO bị đánh giá dưới năng lực thực tế nhiều nhất trong suốt 7 năm, từ 2017 đến 2022.
Trong khi cả thế giới nói về Tim Cook của Apple, Mark Zuckerberg của Facebook hay Elon Musk của Tesla thì “người đàn ông thầm lặng” Satya Nadella đã đưa Microsoft trở thành tập đoàn có tổng mức vốn hóa lớn thứ 2 thế giới.
*Nguồn: Fortune