Sắp trình Chính phủ kế hoạch phục hồi thị trường lao động

08/02/2022 17:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Người lao động được vay tiền với lãi suất thấp để phát triển sản xuất với mức vay có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Liên quan đến kế hoạch phục hồi thị trường lao động sảu 1 năm ảnh hưởng mạnh mẽ bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tới đây Bộ sẽ trình Chính phủ kế hoạch phục hồi thị trường lao động với nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó, có chính sách người lao động được vay tiền mua nhà ở xã hội để họ gắn bó với nơi làm việc.

Sắp trình Chính phủ kế hoạch phục hồi thị trường lao động - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: VnExpress.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung còn cho biết thị trường lao động thời gian gần đây đã phục hồi nhanh chóng, nhờ những vấn đề cốt lõi nhất về chính sách lao động được đảm bảo, nhất là chính sách tiền lương và bảo hiểm. Ngoài những chính sách như nâng lương, chế độ Tết, chế độ thưởng, doanh nghiệp còn thực hiện những chính sách khác nhằm giữ chân người lao động.

Qua báo cáo từ các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp FDI, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội dự báo lực lượng lao động sau Tết chỉ thiếu khoảng 10-15%. Con số này không phải là cao so với những năm trước đây. Trong khi đó, cái thiếu của thị trường lao động là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, công nghệ cao... Sự phục hồi trong những ngành này cần phải có thời gian. Tuy vậy, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội dự báo tình trạng thiếu hụt cơ bản được cân bằng vào cuối quý I và đầu quý II nhờ việc phối hợp chặt chẽ trong đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Về lâu dài, để phục hồi thị trường lao động, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tập trung vào một số nhóm giải pháp, trong đó, giải pháp ưu tiên là người lao động được vay tiền với lãi suất thấp để phát triển sản xuất với mức vay có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Giải pháp thứ hai được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tính đến là hỗ trợ tiền mặt cho người lao động trị giá 6.600 tỷ đồng. Dự kiến, người lao động có ý định phát triển sản xuất tại chỗ được hỗ trợ 3 tháng và người lao động có ý định quay lại thị trường lao động trước đây được hỗ trợ 3 tháng nhưng với mức hỗ trợ cao gấp đôi.

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội còn dự định giao Ngân hàng Chính sách Xã hội được sử dụng một khoản tiền lớn nhất từ trước đến nay cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất rất thấp để xây nhà ở, KTX cho người lao động thuê hoặc mua; trả lương người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp toàn bộ phần đào tạo cho người lao động từ nguồn kinh phí 7.500 tỷ đồng trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Theo báo cáo tình hình việc làm của Tổng cục Thống kê năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng lần thứ 4, tình hình lao động việc làm năm 2021 gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2020. Lực lượng lao động, số người có việc làm đều giảm; tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp đều tăng so với năm trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2021 là 49 triệu người, giảm 1 triệu người so với năm 2020. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới.

Trong năm vừa qua, số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm. Số lao động có việc làm phi chính thức là 19,8 triệu người, giảm 628.000 nngười, mức giảm này cao hơn so với mức giảm ở lao động có việc làm chính thức. Số lao động có việc làm chính thức là 15,4 triệu người, giảm 469.800  người so với năm 2020.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, số lượng người thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 370.800 người so với năm 2020. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,1%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là cao hơn so với khu vực nông thôn.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

Năm vừa qua số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn.

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM