Sáng mai, Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước

01/04/2016 20:59 PM | Xã hội

Dự kiến, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố.

Ông Trần Đại Quang chính thức được giới thiệu ứng cử Chủ tịch nước Tuần này sẽ bầu chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước Thiếu cơ chế đủ hiệu lực để Chủ tịch nước thực hiện một số quyền Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: ‘Tôi sợ nhất người ta nói chợ chiều’

Trong phiên làm việc sáng mai (2-4), Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục bầu Chủ tịch nước.

Theo quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước đối với ông Trần Đại Quang , Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, người được đề cử đảm nhận chức danh này.

Sau khi thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố.

Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội và quốc dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

Trong chương trình làm việc cùng ngày, Quốc hội cũng sẽ tiến hành các thủ tục miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, trong phiên làm việc chiều 31-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc Tờ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Theo đó, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an được giới thiệu giữ chức Chủ tịch nước thay ông Trương Tấn Sang vừa được Quốc hội miễn nhiệm.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu vắn tắt các vị trí, công việc mà ông Trần Đại Quang đã trải qua, tất cả đều trong ngành công an.

Theo đó, với trình độ chuyên môn là giáo sư - tiến sĩ luật học, ông đã trải qua các vị trí: Cục trưởng Cục Tham mưu an ninh - năm 1996 rồi lên phó tổng cục rồi tổng cục trưởng Tổng cục An ninh - Bộ Công an trước khi lên chức thứ trưởng rồi được Quốc hội phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ Công an, tháng 8-2011.

Trong Đảng, ông Trần Đại Quang là ủy viên Trung ương khóa X khi là thứ trưởng Bộ Công an và tới khóa XI thì được bầu vào Bộ Chính trị để lên vị trí bộ trưởng. Tại Đại hội XII, ông tiếp tục tái cử và là một trong 19 ủy viên Bộ Chính trị khóa mới, với dự kiến nhân sự của Đảng là sẽ giới thiệu để ứng cử làm Chủ tịch nước, ở tuổi 60.

Ông Trần Đại Quang sinh ngày 12-10-1956, quê quán tỉnh Ninh Bình, ĐBQH khóa XIII, là giáo sư, tiến sĩ luật, đã đảm nhiệm các chức vụ: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh; Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Chính phủ; Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Cùng chuyên mục
XEM