Samsung đang ở giai đoạn đỉnh cao chưa từng có: Lợi nhuận quý tăng 50%, cả smartphone lẫn chip nhớ đều hái ra tiền
Samsung lãi đậm trong quý 1/2022.
Tờ Bloomberg đưa tin, Samsung Electronics vừa báo cáo lợi nhuận sơ bộ trong quý đầu tiên của năm. Và kết quả vượt mọi dự báo của các chuyên gia phân tích trước đó nhờ nhu cầu tăng mạnh với các mẫu điện thoại thông minh mới và chip nhớ của công ty.
Cụ thể, lợi nhuận hoạt động của Samsung tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 14,1 nghìn tỷ won (11,6 tỷ USD) trong 3 tháng kết thúc vào tháng 3/2022. Các chuyên gia phân tích trước đó chỉ dự báo con số 13,4 nghìn tỷ won. Doanh thu của công ty tăng 18% lên 77 nghìn tỷ won, cũng vượt dự báo. Samsung sẽ cung cấp lợi nhuận ròng và chi tiết hiệu suất hoạt động từng mảng kinh doanh khi họ ra báo cáo tổng thể vào ngày 28/4.
Samsung là công ty công nghệ lớn đầu tiên báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên, quý được cho là khó khăn khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, tiếp đến là dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc. Tuy nhiên, việc mở rộng các trung tâm dữ liệu và dịch chuyển của thế giới sang công nghệ 5G tiếp tục dẩy mạnh nhu cầu với chip nhớ - mảng chiếm phần lớn lợi nhuận của Samsung.
"Chúng tôi dự tính tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 có sự phục hồi mạnh của mảng chất bán dẫn và màn hình", Peter Lee – một chuyên gia phân tích nói. "Đặc biệt, chúng tôi dự kiến mảng chip nhớ của Samsung sẽ hưởng lợi từ giá chip nhớ tăng mạnh".
Trong mảng di động, một mũi nhọn tăng trưởng khác của Samsung, doanh thu sơ bộ của Galaxy S22 đã vượt 1 triệu chiếc ở Hàn Quốc vào tuần này. Theo thống kê của công ty, dòng sản phẩm mới – được ra mắt hồi tháng 2 đã được bán nhanh hơn 20% so với dòng S21 trước. Tại Mỹ, S22 được bán nhanh hơn 60% so với S21 trong 3 tuần đầu trên thị trường.
Cổ phiếu Samsung đã mất 12,5% giá trị trong năm nay tính tới ngày thứ 4 trước lo ngại về lĩnh vực chip có thể suy yếu khi rủi ro kinh tế toàn cầu tăng khiến nhu cầu sụt giảm. Giá dầu tăng cùng với lạm phát khiến mọi người lo ngại về thu nhập.
Samsung – công ty sản xuất hơn 1/3 lượng chip NAND và DRAM của thế giới cũng bị ảnh hưởng không chỉ bởi chu kỳ của ngành công nghiệp bán dẫn mà còn bởi nhu cầu từ khách hàng khi họ làm cả sản phẩm đầu cuối cũng như chip đi kèm các thiết bị này.
Thị trường chip đã rút khỏi xu hướng giảm sớm hơn dự tính khi giá chỉ giảm nhẹ trong quý 1. Giá DRAM giảm 4%, ít hơn mức 6% dự tính trong khi giá NAND giảm 3%. NAND cũng được dự kiến tăng từ 5 – 10% trong quý hiện tại.
Chi phí sản xuất chip cũng tăng khi các nhà sản xuất chip đang phải đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Chính sách ZeroCovid của Trung Quốc đang khiến logistic bị gián đoạn – gây tổn hại tới nguồn cung linh kiện và khiến quá trình sản xuất chậm lại.
Nguồn: Bloomberg