Samsung đã không còn là động lực chính thúc đẩy GDP Việt Nam từ lâu!
Nguyên nhân là kể từ quý III/2018, Samsung Việt Nam đã đi vào giai đoạn tăng trưởng ổn định và tình hình hoạt động của công ty mẹ đang gặp khó khăn, CTCP Chứng khoá KB Việt Nam nhận xét.
Nhìn nhận các nhân tố tác động đến GDP 3 tháng cuối năm, về mặt tích cực, KB Securities cho rằng giải ngân vốn đầu tư công dự báo sẽ có cải thiện tích cực hơn trong quý IV.
Trong 9 tháng đầu năm, số liệu của Bộ Tài chính cho biết giải ngân chỉ ước đạt hơn 45% kế hoạch Quốc hội giao.
Mặt khác, tăng trưởng xuất khẩu được dự báo sẽ duy trì đà tích cực nhờ sự hồi phục của ngành sản xuất chế tạo điện thoại di động.
Trong 3 tháng cuối năm, sản lượng sản xuất điện thoại cũng như xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì mức khả quan. IDC tính toán rằng doanh số bán hàng smartphones sẽ hồi phục từ nửa cuối 2019 nhờ sự xuất hiện của dòng điện thoại 5G.
Điểm đáng chú ý, theo KB Securities, trong 4 tháng cuối năm (tháng 9 – tháng 12), kim ngạch xuất khẩu điện thoại sang Trung Quốc thường tăng vọt và xu hướng nàỳ nhiều khả năng sẽ tăng trong năm nay trong mùa mua sắm cuối năm. Trong khi đó, xuất khẩu nhóm ngành điện tử sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong các tháng cuối năm nhờ xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp định CTTPP có hiệu lực từ đầu năm sẽ tiếp tục giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu với các nước mới như Mexico, Canada. Tăng trưởng xuất khẩu tới các nước trong hiệp định tăng đã tăng 7, 5% trong 8 tháng đầu năm so với với cùng kỳ năm trước.
Về các yếu tố tiêu cực, KB Securities cho biết Samsung Việt Nam không còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam kể từ quý III/2018 do doanh nghiệp này đã đi vào giai đoạn tăng trưởng ổn định và tính hình hoạt động của công ty mẹ cũng đang gặp khó khăn.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến sản xuất là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến sẽ nghỉ bảo trì trong 40 ngày kể từ giữa tháng 10 sẽ ảnh hưởng phần nào đến sản lượng của nhà máy trong năm nay và tăng trưởng GDP trong Quý 4. Việc nhà máy phải đóng cửa khá nhiều lần (vào tháng 3 và tháng 7 do lỗi kĩ thuật) khiến năng suất giảm chỉ còn khoảng 85% so với dự kiến.
Cuối cùng, chiến tranh thương mại kéo dài đã tác động đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam (Chỉ số PMI giảm 2 tháng liên tiếp xuống gần mức 50 điểm vào tháng 9).
Các doanh nghiệp này thuộc mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm của doanh nghiệp thuộc Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự tác động của cuộc chiến thương mại này.
Dựa vào các giả định và đánh giá các yếu tố tác động tới GDP Quý 4, KB Securites ước tính GDP Quý 4 đạt 6,95 – 7%, đưa tăng trưởng GDP cả năm lên mức khoảng 7%.