Từ bình luận 'không phải ngẫu nhiên Samsung đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam' đến lý lẽ về 'thời vận mới' của nước ta giữa lúc Trade War nóng bỏng của SMCP
Không phải tự nhiên Samsung lại chọn Việt Nam là điểm đầu tư lớn và cũng không ngẫu nhiên khi SMCP đánh giá Việt Nam đang dẫn đầu cơ hội giữa lúc trade war đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn biến ngày một phức tạp và thu hút sự chú ý của rất nhiều chuyên gia. Bản thân các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp cũng quan tâm đến vấn đề này và đặt câu hỏi: Họ sẽ tránh bị tổn thất và hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến này thế nào?
Theo tờ South Morning China Post (SMCP), Đông Nam Á mà tiêu biểu là 3 nền kinh tế lớn có hơn 90 triệu dân gồm Việt Nam, Indonesia và Philippines sẽ hưởng lợi lớn nhất từ xung đột này. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là nước tận dụng tốt nhất ưu thế của mình.
Ví dụ điển hình là tập đoàn Samsung, hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam, đóng góp ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 214 tỷ USD năm 2017. Thủ phủ của 2 nhà máy Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên trông như 2 thành phố thu nhỏ với lượng công nhân hơn 149.000 người.
Không phải tự nhiên Samsung lại chọn Việt Nam là điểm đầu tư lớn và cũng không ngẫu nhiên khi SMCP đánh giá Việt Nam đang dẫn đầu cơ hội trong cuộc chiến thương mại hiện nay.
Cơ hội mới, thời vận mới
Trong 3 nền kinh tế, Philippines gần như bị loại khỏi cuộc chơi khi có một hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kém, giá năng lượng đắt đỏ, hệ thống hành chính công quan liêu…
Còn lại Việt Nam và Indonesia, dường như quốc gia láng giềng với Trung Quốc đang hưởng lợi nhiều hơn do gần về vị trí địa lý với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhiều điểm tương đồng về văn hóa cũng như ổn định chính trị, xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng khiến các nhà máy sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang để tránh thiệt hại từ chiến tranh thương mại. Đây cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng, khiến các hợp đồng sản xuất chuyển hướng sang cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2017, Việt Nam đã thu hút được 35,88 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khi Indonesia với gần gấp 3 dân số lại chỉ thu hút được 32,34 tỷ USD.
Xét về nguồn nhân lực, cả 2 quốc gia đều có hàng triệu nhân công trẻ cũng như cho ra trường hơn 100.000 kỹ sư hàng năm. Tuy vậy, cả 2 nền kinh tế đều đang thiếu nhân lực chất lượng cao. Báo cáo của Viện kỹ sư Indonesia cho thấy nước này sẽ thiếu khoảng 280.000 kỹ sư vào năm 2023 còn con số này ở Việt Nam theo số liệu của VietnamWorks là 500.000 vào năm 2020.
Một yếu tố nữa đang được các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư quan tâm là rào cản thị trường. Trong khi Indonesia có 16 ngành kinh tế với 350 doanh nghiệp nằm dưới sự quản lý của chính phủ và lũng đoạn thị trường thì Việt Nam chỉ giới hạn có 14 ngành và đang tích cực cổ phần hóa nhằm mở rộng đầu tư tư nhân.
Bên cạnh đó, nền chính trị ổn định của Việt Nam cũng góp phần giúp thị trường này thu hút hơn nhiều so với Indonesia, nơi đã từng có tiền lệ xảy ra các vụ bất ổn về địa chính trị trong quá khứ.
Theo đánh giá của SMCP, nền kinh tế Việt Nam đã thực sự có bước tăng tốc đáng nể kể từ sau cuộc cải cách kinh tế năm 1986. GDP của Việt Nam đã tăng từ 36,65 tỷ USD năm 1987 lên 223,8 tỷ USD năm 2017.
Trái ngược lại, Indonesia vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khi gần 26 triệu người tại thị trường này vẫn đang phải sống dưới mức nghèo đói. Trong trận động đất, thiên tai vừa qua, hàng nghìn người đã bị thiệt mạng và mất tích trong khi người dân không được cứu trợ kịp thời, gây ra tình trạng hỗn loạn, cướp bóc. Thậm chí chính phủ còn phải chôn cất tập thể do không đủ tài chính cũng như nguồn lực để cứu trợ kịp thời, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước.
Tận dụng ưu thế
Một cuộc khảo sát của JETRO với 4.630 công ty Nhật đầu tư ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy 70% trả lời sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam cũng như coi đây là điểm đến quan trọng trong tình hình bất ổn thương mại hiện nay. Tỷ lệ này chỉ là 48% ở Trung Quốc. Thậm chí 65,1% số doanh nghiệp Nhật được hỏi cho biết họ hiện đang thu được lợi nhuận khi đầu tư vào Việt Nam.
Tính đến tháng 7/2018, Nhật Bản đã có 3.835 dự án ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 55,86 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã đầu tư gần 6,9 tỷ USD vào Việt Nam.
Không riêng gì Nhật Bản, các nhà đầu tư quốc tế khác cũng nhận ra được tiềm năng của thị trường Việt Nam trong cuộc chiến thương mại hiện nay. Phó chủ tịch Hong Sun của Hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KCB), đại diện cho hơn 6.000 công ty tuyên bố rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ đem rất nhiều mối làm ăn của Hàn Quốc từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Hiện nay phần lớn các tập đoàn Hàn Quốc có nhà máy tại Trung Quốc đều sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ nhưng mức thuế quan quá cao sẽ khiến họ phải tìm một địa điểm mới. Theo ông Sun, Việt Nam là địa điểm lý tưởng khi giá thành sản xuất thấp hơn cũng như có rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các thị trường khác. Hiện nhiều công ty Hàn Quốc đã coi Việt Nam là trung tâm sản xuất mới cho chuỗi cung ứng của mình.
Tính đến tháng 7/2018, Hàn Quốc đã đầu tư 7.080 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn lên tới 61,5 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đã đầu tư gần 5,46 tỷ USD vào Việt Nam.
Theo hãng Dezan Shira and Associates, Việt Nam đã từng là một lựa chọn thay thế Trung Quốc khi giá nhân lực ở đây quá cao và giờ đây càng là một địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư dịch chuyển kinh doanh khi chiến tranh thương mại nổ ra.
Năm 2017, thị trường Trung Quốc đã thu hút được hơn 100 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong khi Việt Nam mới thu hút được gần 17,5 tỷ USD. Điều này chứng tỏ Việt Nam sẽ còn thu hút thêm được rất nhiều nhà đầu tư nữa trong tương lai.
Trong 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng 14,65% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 39,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
"Thậm chí các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang muốn chuyển nhà máy sang Việt Nam. Đây là xu thế mà mọi người đều thấy", Giám đốc đầu tư Bull Stoops của Dragon Capital trả lời với hãng tin CNBC.
Mặc dù Việt Nam có thặng dư thương mại 40 tỷ USD với Mỹ nhưng Giám đốc Stoops cho rằng con số này quá nhỏ để Mỹ quan tâm tới.
Mặt trái
Bên cạnh những cơ hội mà Việt Nam có được nhờ chiến tranh thương mại, các doanh nghiệp tại đây cũng phải đối mặt với những thách thức tiềm tàng. Do bị áp thuế trong cuộc chiến thương mại nên nhiều khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ hướng sản phẩm vào thị trường nội địa hoặc các nước láng giềng như Việt Nam, gây tổn hại cho các doanh nghiệp địa phương.
Ngoài ra, nhiều khả năng các hãng Trung Quốc sẽ xuất hàng sang Việt Nam để tái xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế quan, buộc các nhà chức trách Mỹ áp thuế lên các mặt hàng xuất từ Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ bị "vạ lây" từ cuộc chiến thương mại cũng như hứng chịu rất nhiều tổn thất. Không nhiều nhà đầu tư hay doanh nghiệp lại muốn chi tiền cho một thị trường bị Mỹ áp thuế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và việc các doanh nghiệp tại đây gặp khó khăn có thể ảnh hưởng đến các đơn hàng của doanh nghiệp Việt.
Bởi vậy, chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư, tận dụng cơ hội nhưng cũng phải đề phòng bị lây lan và tổn thương từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.