Rau xanh tăng giá chóng mặt: Lẩu rau ngày rét trở thành món 'xa xỉ'

27/12/2022 13:23 PM | Sống

Giá rau xanh tăng cao, gấp 3 - 4 lần so với thời điểm cách đây 2 tuần khiến việc chi tiêu cho ăn uống của người dân bị ảnh hưởng.

Rau xanh là mặt hàng thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình, việc giá rau tăng mạnh khiến các gia đình và người trẻ độc thân cũng phải tính toán, giảm chi tiêu cho mặt hàng này.

Bỏ ăn healthy vì giá rau xanh tăng

Lựa chọn chế độ ăn healthy, Hằng Nguyễn (nhân viên văn phòng đang sống tại Hà Nội) mấy ngày nay đau đầu trong chuyện chi tiêu chỉ vì đi chợ mua nguyên liệu nấu ăn. Hằng cho biết bản thân lựa chọn chế độ ăn này đã lâu nhưng chưa khi nào thấy đi chợ mua đồ lại khó khăn như bây giờ.

Ăn healthy đòi hỏi sử dụng nhiều loại rau củ quả để thanh lọc cơ thể nhưng ở thời điểm hiện tại giá rau xanh lại tăng chóng mặt khiến cô rất khó cân đối việc chi tiêu.

Giá rau xanh tăng chóng mặt: Người độc thân bỏ ăn healthy, lẩu rau ngày rét bỗng trở thành món "xa xỉ"  - Ảnh 1.

Hằng Nguyễn (nhân viên văn phòng đang sống tại Hà Nội).

"Mới ngày hôm trước mình mua xà lách với cà chua bi để làm salad. Xà lách thì mua 80 nghìn ăn được vỏn vẹn 1 bữa, cộng với cà chua bi nữa là tầm 100 nghìn. Ngày trước 1 bữa như này của mình tính ra chỉ tầm 40 nghìn thôi.

Ăn healthy mình thường xuyên phải mua xà lách và cà chua bi. Hai mặt hàng này mình thấy tăng giá đắt thực sự. Cà chua bi mua ngoài chợ 40 nghìn còn chưa được 6, 7 quả. Đó mới là giá của cà chua bi loại thường chứ không phải cà chua bi socola hay cà chua bi vàng", Hằng chia sẻ. Với tình hình giá rau xanh có mức giá tăng giá cao như vậy, Hằng quyết định từ bỏ việc ăn healthy vì quá đắt.

"Khá may là tới ngày hôm nay mình vào siêu thị mua thì thấy giá ổn định hơn ngoài chợ, cũng có tăng nhưng không quá nhiều. Nên mình sẽ ăn chế độ healthy theo dạng "ngắt quãng" hoặc cân đối các khoản khác để bù vào việc chi tiêu cho ăn uống bị đội giá lên cao hơn".

Hằng lựa chọn cách ăn chế độ healthy theo dạng "ngắt quãng" hoặc cân đối các khoản khác để bù vào việc chi tiêu cho ăn uống bị đội giá lên cao hơn

Bỏ lẩu vì giá rau xanh quá đắt

Gia đình Uyên hiện đang sống ở Long Biên, Hà Nội. Cứ cuối tuần là cả gia đình lại quây quần cùng tổ chức ăn uống và chuyện trò. Đặc biệt là trong những ngày lạnh rét, một nồi lẩu nghi ngút khói chính là món ăn được gia đình Uyên yêu thích và ưu tiên lựa chọn.

"Gia đình mình rất thích ăn rau, đặc biệt là cuối tuần trời rét như thế này, lẩu rau là món khoái khẩu. Bởi nướng thì thấy hơi mùi, nếu không muốn mùi thì phải lên sân thượng nướng, nhưng như vậy thì sẽ bị lạnh. Nên việc ăn lẩu vừa ấm, vừa tiện, chuẩn bị rất nhanh mà đúng tiêu chí thích ăn rau của gia đình. Vậy nhưng gia đình mình cũng phải từ bỏ việc ăn lẩu rau mà chuyển sang ăn nướng vì thịt rẻ, rau xanh lại quá đắt"

Thay vì lẩu rau đều đặn như trước thì gia đình Uyên chuyển sang ăn nướng cho đỡ tốn tiền.

Ngoài ra, thời điểm này chi phí khi đi chợ mua rau xanh của gia đình Uyên cũng tăng gấp đôi thậm chí gấp ba. Ví dụ Uyên đi chợ mua một chiếc súp lơ xanh hết 32 nghìn, 9 nghìn 1 quả cà chua bé mà bình thường mua chỉ 3 nghìn. 2 mớ rau cải cúc mua đã hết 40 nghìn, tính ra tới 20 nghìn 1 mớ. Khi nấu một mớ rau lên làm canh thì chỉ cần 2 cái gắp là đã hết cả bát rau xanh rồi.

Một số loại rau xào chung với thịt như món thịt bò xào cần tỏi tây, Uyên cũng thấy giá tăng cao bất ngờ. Bình thường mua ngoài chợ để xào được 1 đĩa lớn, cả rau và thịt thì chi phí rơi vào khoảng 100 nghìn đồng. Còn bây giờ muốn xào được một đĩa đầy đặn như vậy thì chi phí tới 160 nghìn. Trong đó giá thịt vẫn giữ nguyên, chỉ có rau xanh là tăng lên.

Thậm chí, các cô bán hàng rau xanh quen mà Uyên thường ghé mua còn khuyên không nên mua nhiều rau vì thời điểm này đang rất đắt. 

Giá rau xanh tăng chóng mặt: Người độc thân bỏ ăn healthy, lẩu rau ngày rét bỗng trở thành món "xa xỉ"  - Ảnh 4.

Thời điểm này chi phí khi đi chợ mua rau xanh của gia đình Uyên tăng gấp đôi thậm chí gấp ba.

Thế nên bình thường ở nhà Uyên sẽ nấu một món canh, một món rau xào và một món mặn và thêm một món ăn kèm khác. Nhưng đợt này giá rau xanh quá đắt nên Uyên sẽ không nấu một món canh và một món rau nữa mà sẽ cắt giảm đi 1 món, sẽ nấu chỉ 1 món canh hoặc 1 món rau cho bữa ăn thôi.

"Bình thường ở nhà mình hay nấu hơi quá lên 1 tí vì tâm lý nghĩ cứ nấu thừa rau cũng không sao. Bởi thừa còn hơn thiếu, cùng lắm là bỏ đi. Nhưng bây giờ giá rau rất đắt nên mình cần tằn tiện hơn lúc trước một chút".

Ở ngoại thành cũng không thoát khỏi bão giá rau xanh

Tưởng chừng giá rau xanh chỉ tăng mạnh ở thủ đô nhưng không phải, ngay cả vùng ngoại thành cũng rơi vào cảnh tương tự. Cầm tiền đi chợ những ngày này, Khánh Nguyễn (hiện đang sống ở Hoài Đức) cũng đôi phần hốt hoảng vì giá rau xanh cứ tăng chóng mặt theo phiên mà cô phải hết sức cân đối trong việc chi tiêu để tiền đi chợ không bị đội giá lên quá nhiều.

Giá rau xanh tăng chóng mặt: Người độc thân bỏ ăn healthy, lẩu rau ngày rét bỗng trở thành món "xa xỉ"  - Ảnh 5.

Cầm tiền đi chợ những ngày này, Khánh Nguyễn (hiện đang sống ở Hoài Đức) cũng đôi phần hốt hoảng vì giá rau xanh tăng chóng mặt.

"Mình đi chợ thấy giá cà chua nhảy theo từng phiên. Phiên hôm trước 15 nghìn/kg, phiên hôm sau đã 20 nghìn/kg, giờ thì 30 nghìn/kg rồi. Còn rau xà lách giá 35 nghìn/kg, bắp cải giá 15 nghìn/kg, súp lơ giá 16 nghìn/cây nhỏ, rau cải cúc giá 9 nghìn/mớ, rau cải canh giá 10 nghìn/mớ. Phiên trước mình đi chợ mỗi loại tính theo kg tăng 5 - 10 nghìn. Tính mớ, bó thì tăng 3 - 5 nghìn".

Tuy giá rau xanh tăng cao nhưng nhu cầu của gia đình Khánh vẫn cần ăn rau và thích ăn rau hàng ngày nên không cắt giảm được. Phương án được gia đình Khánh lựa chọn là chỉ đành hạn chế chi tiêu cái khác để cân đối.

Trước sức ép từ giá rau, củ quả, thực phẩm tăng đã khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều người dân phải thắt chặt chi tiêu và tìm cách thích nghi để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Phương án được gia đình Khánh lựa chọn là hạn chế chi tiêu để cân đối.

Cũng chính vì giá cả các loại rau, củ, quả mà nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn các siêu thị làm điểm đến mua sắm hàng hóa thay vì chợ truyền thống như trước đây. Mua hàng hóa trong siêu thị, hoặc hệ thống phân phố lớn thì được bình ổn giá, cùng các chính sách khuyến mãi. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ lo ngại là từ nay đến Tết Nguyên đán, giá hàng hóa có nguy cơ tăng cao hơn, ảnh hưởng nhiều tới việc chi tiêu của gia đình.

Theo Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
XEM