‘Rất nhiều sách viết để bán chứ không viết để nói lên sự thật’
“Càng đọc sách chuyên môn thì mình càng thấy những sách đó sai sự thật. Tôi vỡ ra một chuyện: Rất nhiều sách viết để bán sách chứ không viết để nói lên sự thật. Nhiều sách về quản trị do những người chưa bao giờ quản trị viết”, GS. Phan Văn Trường tâm sự.
Giáo sư Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, và là cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp đã trao tặng Huy Chương Hiệp Sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) năm 2007 nhờ công lao đóng góp vào việc phát triển nước Pháp.
Ông từng tham gia vị trí quản lý cấp cao của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, tham gia đàm phán các dự án lớn tại hàng chục quốc gia với tổng giá trị các hợp đồng hơn 60 tỷ USD.
Ông là tác giả cuốn sách “Một đời thương thuyết”, gồm rất nhiều câu chuyện, kinh nghiệm hàng chục năm đàm phán ở hàng chục quốc gia.
* Theo ông, sách có ảnh hưởng gì trong đời sống mỗi người?
Có lẽ nhiều người nên nói thêm đọc sách có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời của mình. Nó giúp đỡ cho mình những cái gì, nhất là người Việt Nam, là người rất nhiều tâm tình. Người Việt Nam là một dân tộc có rất nhiều bạn bởi vì cần có bạn để chia tâm tình.
Các cuốn sách hay hơn người tâm tình nhiều, tại người tâm tình nhiều khi còn "nói láo" chứ cuốn sách không nói láo. Cuốn sách là người bạn rất chân thật bởi vì một triệu người có thể kiểm soát cái sự chân thật của cuốn sách. Trong khi người bạn tâm tình có đôi khi họ có những yếu tố chủ quan. Những lời khuyên của họ có khi có nhiều cảm tính.
Cuốn sách là người bạn trong những giờ phút mình cô đơn, mình sẽ không còn cảm thấy cô đơn. Nó sẽ là những người bạn dẫn đường. Nó sẽ như là một người cho mình thêm can đảm, nó sẽ là người ngoài chuyện kiến thức sẽ cho thêm cảm nhận của thế giới. Thế giới của chúng ta chỉ nhìn thấy những gì chúng ta nhìn. Nhưng nếu chúng ta đọc cuốn sách thì chúng ta sẽ nhìn qua con mắt của tác giả, có lẽ nhiều khi còn rộng hơn con mắt của chính mình.
* Là một nhà lãnh đạo trong các tập đoàn đa quốc gia, ông có thường xuyên đọc những cuốn sách về quản trị?
Tôi đọc khá nhiều sách về quản trị. Tôi xin nói thế này: Nó là 1 mâu thuẫn kỳ lạ, càng đọc sách chuyên môn thì mình càng thấy những sách đó sai sự thật.
Tôi vỡ ra một chuyện: Rất nhiều sách viết để bán sách chứ không viết để nói lên sự thật. Nhiều sách về quản trị do những người chưa bao giờ quản trị viết. Họ viết hay đến độ, hết cuốn sách này đến cuốn sách nọ, họ bán hàng triệu cuốn sách trên thế giới qua cao trào này sang cao trào khác.
Việt Nam chúng ta có một dại dột là cứ cho rằng người nào bán nhiều sách là người đó tài giỏi. Không phải đâu.
Xã hội chúng ta hơn lúc nào hết cần người Việt Nam viết về sách Việt Nam cho người Việt Nam, dùng tiếng Việt Nam, dùng phong cách Việt Nam, dùng tinh thần Việt Nam. Việt Nam viết cho Việt Nam mới có giá trị vì chúng ta rất khác nước khác. Người Việt Nam rất đặc trưng. Tôi rất tự hào là ngườiViệt Nam.
Tôi đi 80 nước rồi, dân Việt Nam cực kỳ khôi ngô, cực kỳ hiếu kỳ, cực kỳ sâu sắc, cực kỳ bay bướm và cực kỳ thơ mộng.
Với một dân tộc đó mà lại tự nhiên mang một cuốn sách dịch truyền tay nhau đọc một nửa rồi bảo mày mua đi, thì vô nghĩa. Tôi thấy bổn phận của tôi cũng như bổn phận của tất cả các học giả. Tôi không tự nhận mình là học giả, tôi mới viết một cuốn sách, có một cuốn sách thôi. Tôi đọc một ngàn cuốn sách nhưng so với kho tàng sách trên thế giới thì chưa đọc đến một phần triệu số sách trên thế giới thì không thể nói mình đọc nhiều sách được, mình biết nhiều được.
Tuy nhiên, tôi có ý nghĩ là tất cả người Việt Nam có kinh nghiệm gì, dù nho nhỏ thì nên chia sẻ với dân tộc của mình. Họ nên cố gắng viết một cuốn sách dù mỏng, dù dày với tấm lòng của mình.
* Ông có thể giới thiệu một cuốn sách hay do tác giả Việt Nam viết?
Tôi xin giới thiệu cuốn “Đô thị học nhập môn” của giáo sư Trương Quang Thao. Tôi chưa bao giờ thấy một cuốn sách nào uyên thâm hơn về thế nào là một đô thị. Tại sao tự nhiên từ một bãi sa mạc trở thành một đô thị trong lịch sử loài người và tại sao cái đô thị nó biến đổi thành như vậy? Và lúc mình muốn quy hoạch đất nước, mình phải làm những cái gì?
Thầy Trương Quang Thao, người tôi vô cùng kính trọng, mà tôi mới chỉ được gặp một lần là một người vô cùng khiêm tốn. Cuốn sách mới chỉ là những gì sơ khởi mà ông Thao muốn viết. Những cuốn sách này là những cuốn chót ông ấy có, vì không ai mua cả, là những cuốn sách vô cùng quý báu.
Tôi xin trân trọng nói những cuốn sách này trên cả những cuốn sách nước ngoài về đô thị học. Tôi luôn giữ trên đầu giường, bởi vì mỗi khi tôi trằn trọc về quy hoạch vùng, tôi lại giở cuốn sách này ra, đọc cùng các cuốn sách nước ngoài khác.
* Vậy có cách nào để người Việt Nam đọc nhiều sách hơn?
Chúng ta có thể làm một ngày văn hóa đọc cho đất nước. Ví dụ vào Sáng chủ nhật. Mọi nơi trên đất nước dành một tiếng đồng hồ để một tác giả cầm cuốn sách lên đọc một chương của cuốn sách đó cho khán giả ngồi dưới.
Như hôm nay, tôi cầm cuốn sách của tôi. Tôi không phải giới thiệu, nhưng bây giờ có ai hơn tôi chọn một đoạn hay nhất trong cuốn sách này. Tôi sẽ chọn một đoạn nào đó rồi bình luận. Tôi đứng trước 300 em sinh viên hay 300 người bạn già hoặc 300 bà nội trợ rồi tôi đọc đoạn nào đó trong cuốn sách.
Có lẽ chính tác giả đọc cho những người bạn đó và bình luận một trang văn của họ, nó sẽ mang đến một khám phá mới cho những người nghe, chắc chắn người được nghe sẽ mua cuốn sách ngay. Thật sự khi mình nói thế không phải để bán sách, bởi vì sách của Việt Nam rất rẻ, bán cũng chẳng làm ai sống thêm, nhưng nó làm cho yêu sách hơn, yêu thói đọc sách. Thói quen đọc sách rất quan trọng. Nó là người bạn những lúc buồn vui. Nếu mình đọc sách nhiều mình còn chia sẻ thêm nhiều thứ khác với những tác giả.
Với sinh viên, hãy để họ tự đọc và cảm nhận rồi hành động theo đúng cái tư duy của họ, theo đúng cái quan điểm, theo sự hiểu của họ về cuốn sách. Mình không nên khuyên quá.
Nếu đứng trên ti vi và nói ra rằng: Đọc sách đi,đọc sách đi, hãy đọc sách đi thì người ta sẽ không đọc sách. Chỉ cần nói lên đây này có một cái đoạn hay nhỏ nhỏ này chỉ cần đọc trong 30 giây, các bạn hãy lắng nghe.
Và nếu mà chính tác giả giải thích rằng: Tôi muốn nói cái này đấy khi tôi viết thế đấy và tôi muốn nói lên sự cảm nhận thế này đấy. Nếu chỉ cần 10 người, người ta thích thôi thì 10 người đó sẽ có 10 người khác đi theo, sẽ biến thành 100 người thì chúng ta sẽ có một cái phong trào. Thế thì chớ nên khuyên ai làm cái gì, mình để cho mỗi người tự cảm nhận.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị!