Rạng Đông lên tiếng về sự cố cháy kho trong đêm 28/8

29/08/2019 17:29 PM | Kinh doanh

Rạng Đông đang kết hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị bảo hiểm và công ty kiểm toán để làm rõ nguyên nhân và xác định giá trị thiệt hại do hỏa hoạn.

CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Mã CK: RAL) vừa ra thông báo về việc xả ra hỏa hoạn tối 28/8/2019.

Cụ thể, vào hồi 18h05’ ngày 28/8/2019 đã xảy ra sự cố hỏa hoạn tại khu vực kho 87 Hạ Đình làm cháy một phần kho tàng của công ty. Hiện nay, Rạng Đông đang kết hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị bảo hiểm và công ty kiểm toán để làm rõ nguyên nhân và xác định giá trị thiệt hại do hỏa hoạn.

Theo báo cáo sơ bộ, khu vực xảy ra cháy nằm trong khuôn viên kho chứa hàng hóa của Rạng Đông với tổng diện tích khoảng 6000 m2.

Vào thời điểm 30/6, giá trị hàng tồn kho của Rạng Đông là 1.069 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản công ty. Ngoài nhà máy đặt tại 87 Hạ Đình (nơi xảy ra vụ cháy), Rạng Đông còn có nhà máy 2 đặt tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh.

Sự cố cháy nổ đã khiến cổ phiếu RAL giảm sàn xuống 81.900 đồng/cp trong phiên giao dịch 29/8. Trước đó, cổ phiếu RAL có nhịp tăng khá tốt lên 88.000 đồng/cp nhờ KQKD khả quan cũng như triển vọng từ sản phẩm đèn LED của công ty.

Rạng Đông lên tiếng về sự cố cháy kho trong đêm 28/8 - Ảnh 1.

Cổ phiếu Rạng Đông (RAL) giảm sàn trong phiên 29/8 sau sự cố cháy kho

Quá trình chờ bảo hiểm sẽ mất nhiều thời gian?

Theo thông báo từ Rạng Đông, mặc dù công ty đã có bảo hiểm nhưng chắc hẳn việc khắc phục sự cố sẽ mất rất nhiều thời gian, không chỉ từ việc khôi phục hoạt động sản xuất mà còn đến từ quá trình bồi thường từ công ty bảo hiểm.

Trong quá khứ, đã có nhiều trường hợp thời gian xử lý bồi thường của công ty bảo hiểm lên tới vài năm, tiêu biểu như trường hợp công ty Ngân Sơn (NST) hay Bibica (BBC).

Cụ thể, vào ngày 19/8/2015, CTCP Ngân Sơn (NST) đã bị lửa thiêu cháy kho thành phẩm, kho lạnh và kho nguyên liệu với tổng thiệt hại ước tính khoảng 317 tỷ đồng. Theo kết luận của cơ quan điều tra, vụ cháy nổ của Ngân Sơn bắt nguồn từ chất diệt côn trùng nhôm phốt phua (API) gặp ẩm cao, ngấm nước dẫn đến cháy.

Mặc dù Ngân Sơn đã mua bảo hiểm nhưng quá trình bồi thường diễn ra khá chậm chạp và phải đến cuối năm 2017 mới hoàn tất. Khi đó, đơn vị bảo hiểm là Bảo Minh đã chi trả xấp xỉ 243 tỷ đồng cho Ngân Sơn.

Với Bibica, doanh nghiệp này đã bị cháy nhà máy tại Bình Dương trong năm 2011 khiến dây chuyền sản xuất bánh Pie tạm ngưng 3 – 4 tháng. Nguyên nhân gây cháy nổ được xác định do sự cố chập điện.

Quá trình tiến hành bồi thường bảo hiểm diễn ra khá phức tạp khi doanh nghiệp và công ty bảo hiểm đã ra tòa do không chung tiếng nói trong việc bồi thường thiệt hại. Đến cuối năm 2016, tức 5 năm sau thời điểm diễn ra vụ cháy nổ, quá trình bồi thường thiệt hại cho Bibica mới đi đến hồi kết và công ty bảo hiểm phải thanh toán nốt cho Bibica hơn 61 tỷ đồng.

Theo Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM