Quyết tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, ĐH Ngoại thương ra mắt 7 dự án Startup đầu tiên được trường ươm tạo
7 dự án Startup trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ là những dự án đầu tiên ĐH Ngoại thương ươm tạo trong chương trình hợp tác với Thung lũng Silicon Việt Nam.
Mới đây, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) trường ĐH Ngoại thương cùng với Quỹ đầu tư mạo hiểm Vietnam Silicon Valley giới thiệu chương trình Ươm tạo Startup Incubation Program SIP100 với những hạt nhân được ươm mầm đầu tiên là 7 dự án Startup của các bạn sinh viên.
FIIS và VSV sẽ đóng vai trò đồng hành và kết nối trong suốt 100 ngày ươm tạo với các mục tiêu khác nhau tuỳ theo đặc thù từng dự án thuộc chương trình.
7 dự án này được lựa chọn qua việc sàng lọc và phỏng vấn trực tiếp từ 200 dự án khác nhau, gồm:
- Vinarongbien: Dự án chế biến dạng thô của rong biển thành các sản phẩm nước uống đóng chai, trà thảo dược, mặt nạ dưỡng da…
- Slide Factory Vietnam: Cung cấp dịch vụ thiết kế bài thuyết trình phục vụ khách hàng là người đi làm và doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á. Khách hàng có nhu cầu có thể đặt hàng dịch vụ yêu cầu thiết kế qua website và sẽ nhận được sản phẩm tối đa trong vòng 48 giờ.
- Ứng dụng trò chuyện với người lạ Hearty: Là ứng dụng trò chuyện, tâm sự, giúp kết nối những người xa lạ lại gần nhau hơn dựa trên các tiêu chí phù hợp về độ tuổi, sở thích, giới tính, khoảng cách địa lý…
- Dự án vườn ươm cây giống theo công nghệ Israel: Nhóm đang là nhà phân phối độc quyền khoảng 60 loại hạt giống Israel tại thị trường Việt Nam và đưa ra đề án về một vườn ươm cây giống theo công nghệ Israel.
- Mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học: Xây dựng bộ thiết bị lọc chậm bằng cát và than hoạt tính được thiết kế dành cho hộ gia đình bằng phương pháp màng sinh học.
- Sản xuất chế phẩm vi sinh bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh: Tận dụng bã mía kết hợp với các dòng vi sinh vật có lợi giúp phân hủy chất thải hữu cơ trong đáy ao, hạn chế các khí độc trong nuôi tôm.
- Hệ thống nhận diện khuôn mặt BKFace: Sử dụng kỹ thuật học sâu trong trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thực hiện thao tác liên quan đến nhận diện, phân tích và xác thực khuôn mặt.
7 nhóm này sau khi được lựa chọn vào chương trình sẽ được các quỹ thúc đẩy khởi nghiệp của VSV, Topica tiếp nhận và đầu tư.
SIP100 là chương trình hỗ trợ các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp có thể tìm thấy mô hình kinh doanh, nâng cao năng lực đội ngũ sáng lập, cho ra sản phẩm thử, cũng như kết nối nhà đầu tư tiềm năng.
Tham gia chương trình ươm tạo SIP100, bên cạnh việc được đồng hành, kết nối với các cố vấn trong suốt 100 ngày ươm tạo, các Startup còn được vào thẳng vòng cuối cùng của VSV Accerlerator bootcamp, thay vì phải trải qua 4 vòng và 1 tháng thử thách như các nhóm thông thường.
Trước đó, ngày 23/12, ĐH Ngoại Thương đã ký thỏa thuận hợp tác với Vietnam Silicon Valley, trở thành đối tác phát triển lâu dài. Nhà trường phối hợp cùng VSVA phát triển ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng mô hình quỹ khởi nghiệp huy động vốn cho sinh viên. SIP100 vinh dự là dự án đầu tiên được nhận sự hợp tác của VSVA cùng đồng hành, ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy mô hình kinh doanh của các bạn sinh viên.