Bắt tay Vietnam Silicon Valley, ĐH Ngoại thương nhắm tới mô hình ĐH Stanford, lập quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
"ĐH Ngoại thương hàng năm có hơn chục các cuộc thi trí tuệ của các em sinh viên được xã hội đánh giá khá tốt. Nhưng hỏi bao nhiêu dự án bước ra khỏi các cuộc thi đó trở thành một Startup? Chắc là có nhưng chưa nhiều", hiệu trưởng ĐH Ngoại thương trầm ngâm.
"Có lẽ chúng ta quen quan điểm bao cấp, cách tư duy bao cấp. Chúng ta bỏ tiền ra đào tạo, làm 1 đề tài khoa học, nghiệm thu sản phẩm… Thế nhưng có lẽ con đường phát triển không phải như vậy, mà phải là sự tiếp nối", PGS. TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương (FTU) chia sẻ tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác phát triển mới đây.
Theo lối tư duy trước đây, nhà trường sẽ tạo tâm huyết, quyết tâm, hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Minh chứng cho nhiệt huyết của nhà trường với các em sinh viên là hơn chục cuộc thi của các sinh viên FTU được tổ chức hàng năm.
Nhưng các dự án khởi nghiệp, nếu có, cũng chỉ dừng lại ở các cuộc thi.
Với lối tư duy mới, ông Tuấn kỳ vọng với việc bắt tay Vietnam Silicon Valley, FTU sẽ huy động được những nguồn lực mới cho sự phát triển, đồng thời góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia với sự tham gia chính thức của các trường đại học.
Ông Hàn Ngọc Tuấn Linh, Giám đốc VSVA (Vietnam Silicon Valley Accelerator) cho biết: "Khi nghiên cứu về mô hình của các trường ĐH trên thế giới, trong khi trường chúng ta có thể nói về việc có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp, bao nhiêu sinh viên ra trường, lương bao nhiêu…"
"Nhưng các trường ĐH hàng đầu như Stanford, họ không nói về việc có bao nhiêu người tốt nghiệp, mà nói bao nhiêu người tốt nghiệp từ trường họ ra xây dựng các công ty tỷ USD".
Thống kê chỉ ra rằng, các doanh nghiệp được sáng lập bởi cựu sinh viên hoặc giảng viên của Stanford có tổng doanh thu hàng năm là 2.700 tỷ USD, tương đương với một nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới. Các công ty này gồm những cái tên như Nike, Netflix, Hewlett-Packard, Sun Microsystems, Instagram, Snapchat, Paypal, Yahoo, Google, Linkedin…
Các trường đại học ở Việt Nam cũng có thể xây dựng được các thành công như của Stanford với một chiến lược thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiệu quả, đại diện VSV cho biết.
Trong bối cảnh năm 2017 là năm kết thúc giai đoạn thí điểm tự chủ, FTU mới đây đã ký kết thỏa thuận với 4 tổ chức nhằm tìm ra định hướng mới trong hợp tác, đào tạo, tư vấn, mang lại giá trị cho xã hội, trong đó có VSVA.
3 tổ chức còn lại hợp tác với FTU lần này gồm:
- Trung tâm nghiên cứu chính sách phát triển (Depocen): Hướng tới mục tiêu thành lập một trung tâm nghiên cứu độc lập đặt tại trường FTU.
- Công ty CP CSCI Đông Dương (Indochina Group): nhằm gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, nâng cao năng lực của mỗi bên, đồng thời phát triển và chuyển giao những trí thức tiên tiến vào thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
- Tổ chức công nghệ giáo dục Topica (Topica Group): FTU bắt tay với Topica nhằm phát triển chương trình đào tạo từ xa chất lượng cao, góp phần xây dựng xã hội học tập trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
"Liên quan đến câu chuyện cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều người đặt câu hỏi FTU có đào tạo từ xa. Rất nhiều người quan điểm đào tạo từ xa có nghĩa là chất lượng thấp. Đấy là chuyện xã hội nhìn nhận. Còn câu chuyện của Topica là câu chuyện khác, câu chuyện xã hội Việt Nam là câu chuyện khác, và FTU là câu chuyện khác".
"Chúng tôi đi với nhau và muốn cung cấp cho xã hội dịch vụ đào tạo từ xa chất lượng cao. ELearning là của tương lai. Đấy là điều bắt buộc đi tới", PGS. TS Bùi Anh Tuấn cho biết.