Quyết tâm bay chuyến đầu tiên vào 1/8/2019, CEO AirAsia tuyên bố: Không lý nào Việt Nam không thể thành công như Thái Lan!
Trong một tuyên bố mới nhất, ông Tony Fernandes - CEO AirAsia khẳng định quyết tâm sẽ cất cánh chuyến bay đầu tiên của liên doanh với Thiên Minh Group vào 1/8/2019. Người đàn ông này cũng chia sẻ, hãng bay mới sẽ xây thị trường mới chứ không đối đầu trực tiếp với các hãng cũ.
Trao đổi với phóng viên, ông Tony cho biết, trong khu vực ASEAN, ông đánh giá cao nhất là Thái Lan, nhưng ông cũng cho rằng so sánh Việt Nam và Thái Lan là một sự khập khiễng. Thái Lan đã bắt đầu từ 50 năm trước và đổ hàng trăm triệu USD vốn đầu tư, trong khi Việt Nam chỉ vừa bắt đầu mà đã đạt được rất nhiều thành tự đáng ghi nhận: "Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các bạn bỏ nhiều tiền hơn. Không lý nào Việt Nam không thể thành công như Thái Lan".
Từng muốn gia nhập vào thị trường Việt Nam thông qua hợp tác với Vietjet nhưng không thành, ông Tony Fernandes chưa bao giờ từ bỏ ý định chinh phục thị trường gần 100 triệu dân, quy mô hơn gấp 3 lần đất nước Malaysia của ông.
Không quá khó hiểu khi hàng không Việt Nam là thị trường tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á hiện nay. Theo báo cáo của WorldBank, trong giai đoạn 2016-2021, hàng không Đông Nam Á mới chỉ tăng trưởng trung bình ở mức 6,1% thì Việt Nam đã đạt tăng trưởng kép 17,4%.
Tăng trưởng thị trường hàng không của Thái Lan giờ đã bị đẩy xuống vị trí thứ 3, vì rõ ràng dân số Thái Lan chỉ hơn 70 triệu, quy mô bằng khoảng 70% dân số Việt Nam, trong khi số lượng hãng hàng không rất lớn và thị trường đã khai thác gần hết.
Thị trường Malaysia thì chỉ tăng trưởng tương đương với mức trung bình khu vực, và thâm nhập vào Việt Nam chính là quyết định sáng suốt nhất: "Nếu muốn là hãng hàng không của ASEAN, AirAsia phải đến Việt Nam" – Ông Tony tuyên bố tại Diễn đàn Du lịch Việt Nam 2018.
Ông cũng gợi ý rằng để phát triển ngành hàng không, quảng bá du lịch là vô cùng quan trọng. Hiện nay du lịch Thái Lan đang được đánh giá cao nhất, song Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm năng, miễn là tập trung vào quảng bá nhiều hơn.
Khó khăn của AirAsia có lẽ ở chỗ: Việt Nam hiện cũng đã có các hãng hàng không giá rẻ hoạt động rất tốt, ví dụ như Vietjet, Jetstar. Hiện giờ thị trường còn cạnh tranh hơn với sự xuất hiện của Bamboo Airways.
Ông Tony tự tin rằng giá của AirAsia là rất rẻ, đủ để cạnh tranh, và thương hiệu của AirAsia cũng vượt trội hơn.
Không chỉ dựa vào tăng trưởng lưu lượng hàng không, Tổng giám đốc AirAsia còn hứa hẹn sẽ không đặt mục tiêu tranh giành thị trường, mà sẽ xây dựng thị trường mới thông qua các đường bay mà ông mong muốn xây dựng như: Kuala Lumpur – Đà Nẵng, Kuala Lumpur – Phú Quốc, Bangkok – Đà Nẵng hoặc Chiang Mai – Đà Nẵng.
AirAsia cũng bày tỏ với Thủ tướng muốn được đầu tư vào hai sân bay lớn tại khu vực miền Trung Việt Nam là Chu Lai và Phú Bài. Trước đó, AirAsia hy vọng được tạo điều kiện để có thể khảo sát kỹ hơn, vì rõ ràng cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của ngành hàng không.
Theo Bloomberg, Thiên Minh sẽ sở hữu 70% liên doanh này, AirAsia nắm 30% còn lại. Để kịp vận hành chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 01/08/2019 như dự định, trong 2 tháng tiếp theo, Tập đoàn Thiên Minh/CTPT Hàng Không Hải Âu (HAA) và AirAsia sẽ phải dốc toàn bộ nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư, chính thức nộp hồ sơ xin cấp phép khai thác vận tải hàng không Việt Nam.
Việc Bamboo Airways cất cánh thành công, trở thành hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy chính phủ đã mở cửa cho phép tư nhân tham gia làm hàng không. Khi hãng hàng không thứ 6 (liên doanh của Air Asia) thực sự được đi vào hoạt động, người Việt Nam sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, được phục vụ tốt hơn với mức giá cạnh tranh hơn, hiện thực hóa được tương lai "Mọi người đều có thể bay".