Quyết định xóa nợ sinh viên của nước Mỹ liệu có thể giải quyết khủng hoảng học phí?

13/09/2022 09:40 AM | Xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống giáo dục nước Mỹ rất khó thay đổi, ngay cả khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố xóa bớt nợ sinh viên cho hơn 40 triệu công dân của mình.

Tháng trước, Tổng thống Joe Biden tuyên bố xóa bớt nợ sinh viên cho hơn 40 triệu công dân Mỹ, trong đó, phần lớn là những người từng bị trường đại học lừa đảo hoặc đang có thương tật vĩnh viễn. Những ai độc thân có thu nhập dưới 125.000 USD/năm sẽ được xóa nợ 10.000 USD. Người đã kết hôn có thu nhập dưới 250.000 USD/năm trước năm 2022 cũng đủ điều kiện hưởng chính sách này. Ngoài ra, những công dân thuộc các hộ gia đình thu nhập thấp cũng được xóa nợ 20.000 USD.

“Chúng tôi hy vọng tầng lớp trung lưu sẽ sống dễ dàng hơn khi gánh nặng nợ sinh viên nhẹ bớt. Thẳng thắn mà nói, đã đến lúc hệ thống giáo dục cần được sửa đổi”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định xóa bớt nợ sinh viên của Nhà Trắng đã làm được nhiều điều, tùy vào quan điểm chính trị của mỗi người, trong đó có việc giúp người đi vay có một khởi đầu mới. Câu chuyện của bà Tomasa Rivera, 63 tuổi, là một ví dụ điển hình.

Từ số tiền khoảng 3.000 USD vào năm 1990, khoản vay của bà Rivera đã tăng vọt, kèm theo lãi suất và phí phạt, lên gần 9.000 USD. Bà từng cố hủy bỏ khoản nợ từ thời sinh viên thông qua một chương trình cứu trợ cho những người khuyết tật, song bị từ chối thẳng thừng. Quyết định xóa nợ 10.000 USD của Tổng thống Joe Biden đã giúp bà Rivera thoát khỏi món nợ đeo bám mình suốt 32 năm.

Quyết định xóa nợ sinh viên của nước Mỹ liệu có thể giải quyết khủng hoảng học phí? - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố xóa bớt nợ sinh viên cho hơn 40 triệu công dân Mỹ

Tuy nhiên, cũng có thứ mà Nhà Trắng chưa làm được, đó là giải quyết khủng hoảng học phí tại các trường đại học. Rất nhiều sinh viên vẫn đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ và thậm chí đến hết đời cũng khó có thể trả.

“Nói cách khác, hệ thống giáo dục sẽ rất khó thay đổi”, Ryan Craig, giám đốc điều hành công ty đầu tư Achieve Partners nói. “Xóa nợ các khoản vay của sinh viên chỉ là một biện pháp hỗ trợ. Nó quan trọng nhưng không giải quyết được vấn đề cơ bản”.

Năm 1980, chưa đến một nửa số học sinh tốt nghiệp trung học đăng ký thi đại học. Hiện tại, con số đó đã tăng lên 70%, mức cao nhất trên thế giới. Dựa trên mọi thước đo thống kê, người Mỹ đang có trình độ học vấn cao hơn bất kỳ mốc thời gian nào trong lịch sử. Vấn đề chỉ nằm ở một chỗ, đó là họ không đủ khả năng chi trả.

Trong 30 năm qua, học phí trung bình tại các trường cao đẳng công lập hệ 4 năm đã tăng hơn gấp đôi, từ 4,160 USD lên 10,740 USD. Cộng thêm phí sinh hoạt, giáo trình và đồ dùng học tập, trung bình một người sẽ phải bỏ ra 25,000 USD. Trong khi đó, học phí tại các trường tư lên tới 38.090 USD, tăng khá nhiều so với mốc 19.360 USD hồi năm 1991.

Quyết định xóa nợ sinh viên của nước Mỹ liệu có thể giải quyết khủng hoảng học phí? - Ảnh 2.

Thay vì sử dụng nguồn lực này để đầu tư cho nghiên cứu và cải thiện giáo trình giảng dạy, nhiều ngôi trường chỉ ưu tiên xây dựng tiện ích và nâng cấp “trải nghiệm” cho sinh viên

Tuy nhiên, thay vì sử dụng nguồn lực này để đầu tư cho nghiên cứu và cải thiện giáo trình giảng dạy, nhiều ngôi trường chỉ ưu tiên xây dựng tiện ích và nâng cấp “trải nghiệm” cho sinh viên. Một báo cáo của McKinsey & Co cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2018, chi phí dịch vụ tại các ngôi trường hệ 4 năm tăng nhanh hơn gấp 4 lần so với các khoản chi dành cho giảng dạy và nghiên cứu.

Đối với một số lượng lớn sinh viên, bằng đại học vẫn được coi là một khoản đầu tư đúng đắn, ngay cả khi nó đi đôi với núi nợ khổng lồ. Theo Beth Akers, thành viên cấp cao tại American Enterprise Institute kiêm tác giả cuốn sách Making College Pay, “Khoản tiền họ nhận về có thể sẽ khá lớn đấy. Ví dụ, sinh viên có bằng cử nhân sẽ kiếm thêm được 1 triệu USD trong suốt cuộc đời so với những người không có bằng cử nhân. Nếu bạn đang chi 70.000 USD cho học phí nhưng nhận ra tỷ suất lợi nhuận là 15% thì không phải lo đâu”. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định, "điều này không phải lúc nào cũng xảy ra".

Thực tế, những sinh viên tốt nghiệp đại học có thu nhập trung bình cao đều chủ yếu đến từ các gia đình giàu có và theo học các ngôi trường có quy trình tuyển chọn khắt khe. Đối với số còn lại, lợi ích của việc học đại học rõ ràng kém hơn nhiều, khi có tới ⅓ sinh viên không thể lấy bằng và tốt nghiệp. Công ty Achieve Partners ước tính có tới 70% sinh viên cao đẳng hệ 2 hoặc 4 năm đang lo sợ một tương lai không việc làm và thu nhập kém. "Đây chính là nhóm thường xuyên gặp khó khăn và không thể trả hết các khoản vay sinh viên", đại diện công ty cho biết.

Như vậy, quyết định của ông Joe Biden có thể xóa sổ khoản vay khổng lồ của hàng triệu người thu nhập thấp và trung bình, song thế hệ sinh viên hiện tại và tiếp theo vẫn có nguy cơ rơi vào "cái bẫy" tương tự.

Quyết định xóa nợ sinh viên của nước Mỹ liệu có thể giải quyết khủng hoảng học phí? - Ảnh 3.

Theo New York Times, 45 triệu người Mỹ đã vay 1.600 tỷ USD để học đại học

Ông Kim Cook, giám đốc điều hành của National College Attainment Network, một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục hệ đại học cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi giải quyết được toàn bộ các vấn đề về khả năng chi trả học phí của sinh viên. Các chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo tốt nghiệp, chẳng hạn như ASAP của Đại học New York, sẽ dành cho những người dễ bị tổn thương nhất, giúp họ được tư vấn nghề nghiệp, nhận sinh hoạt phí và cắt giảm lãi suất tín dụng”.

Vấn đề mà hệ thống giáo dục đại học đang phải đối mặt, đó là mọi thứ đang ngày càng trở nên đắt hơn. Theo Jason Wingard, tác giả cuốn sách Cuộc khủng hoảng mất giá của trường đại học, “lần đầu tiên, nền kinh tế thị trường không thỏa mãn với các kỹ năng và năng lực thực sự của sinh viên tốt nghiệp”. Dữ liệu cũng cho thấy ngày càng nhiều sinh viên không còn nhận thấy lợi suất đầu tư từ việc học hành trong dài hạn.

Theo ông James Kvaal, quan chức đứng đầu Bộ Giáo dục Mỹ về chính sách đại học, chính quyền nước này đang yêu cầu các trường chịu trách nhiệm bằng cách công bố danh sách các chương trình học có hồ sơ nợ học phí nhiều nhất.

“Hầu hết các trường đều không muốn mình bị liệt vào danh sách khiến các sinh viên phải gánh nợ không thể trả”, ông nói.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, điều này là chưa đủ và cho rằng chính phủ cần phải ràng buộc tất cả các trường đại học bằng kết quả nghề nghiệp của sinh viên. Ý kiến này đương nhận không nhận được sự đồng tình của các trường đại học phi lợi nhuận - nơi không bao giờ muốn giá trị của mình bị giảm xuống.

Quyết định xóa nợ sinh viên của nước Mỹ liệu có thể giải quyết khủng hoảng học phí? - Ảnh 4.

Nhiều người cho rằng Tổng thống Mỹ lẽ ra nên xóa nợ nhiều hơn nữa

Dẫu vậy, nói vẫn dễ hơn làm. Để theo dõi kết quả nghề nghiệp của sinh viên, nước Mỹ cần một hệ thống quản lý chuyên nghiệp. Việc tạo ra một cỗ máy quy mô lớn để đánh giá hiệu quả hoạt động của hơn 6.000 ngồi trường sẽ cực kỳ phức tạp. Kể từ khi đại dịch bùng phát, tổng số đơn đăng ký vào các trường cao đẳng hệ 2 và 4 năm đã giảm hơn 7%. Ngày càng nhiều sinh viên chọn các chương trình dạy nghề và đào tạo giá rẻ trong ngắn hạn để vừa học vừa làm.

Chính vì vậy, thay vì chọn các chuyên ngành như ngôn ngữ hay nhân chủng học, sinh viên Mỹ ngày nay tập trung vào khoa học máy tính, điều dưỡng và các lĩnh vực thực tế khác.

“Mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Bạn sẽ thấy sinh viên tự đi bằng đôi chân của mình. Các trường đại học khi đó sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cạnh tranh để giành lấy các tân sinh viên. Thay vì triển khai chương trình giảng dạy hệ 4 năm không đảm bảo đầu ra với mức học phí 6 chữ số, các trường sẽ giới thiệu những chương trình học mới hấp dẫn hơn”, Ryan Craig nói.

Khi đó, các ngôi trường danh tiếng tại Mỹ sẽ tập trung vào việc tạo ra giá trị cho cộng đồng, thay vì đầu tư cho những ký túc xá sang trọng. Chính phủ cũng sẽ tung ra những gói hỗ trợ cần thiết để các sinh viên có thể hoàn thành chương trình học mà không phải gánh trên vai bất kỳ khoản nợ không bền vững nào.

Quyết định xóa nợ sinh viên của nước Mỹ liệu có thể giải quyết khủng hoảng học phí? - Ảnh 5.

Người Mỹ mất trung bình 21 năm mới có thể thoát khỏi món nợ từ thời sinh viên

Theo New York Times, 45 triệu người Mỹ đã vay 1.600 tỷ USD để học đại học. Số tiền này nhiều hơn cả các khoản nợ vay mua ô tô, thẻ tín dụng hay bất kỳ khoản tiêu dùng nào khác ngoài các khoản thế chấp. Những người này mất trung bình 21 năm mới có thể thoát khỏi món nợ từ thời sinh viên, thời điểm đã chạc tuổi tứ tuần. Chính vì vậy, nhiều người bày tỏ nỗi thất vọng rằng Tổng thống Mỹ lẽ ra nên xóa nợ nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quyết định xóa nợ là không công bằng, đặc biệt đối với những người chăm chỉ kiếm tiền để trả nợ.

"Điều này rất không công bằng đối với những người đã vay nợ, làm việc chăm chỉ và trả hết nợ. Nó cũng không công bằng với những người chọn con đường khác thay vì đi vay", ông Ron DeSantis, Thống đốc bang Florida, Mỹ, nói.

Theo: Bloomberg

Golden Gate – sở hữu hàng loạt chuỗi F&B từng được định giá gần 2 triệu đồng/cp có gì?


Huệ Anh

Từ khóa:  mỹ , học phí
Cùng chuyên mục
XEM