Quyền lợi của NLĐ bị ngừng việc, mất việc do dịch Covid-19

16/04/2020 08:19 AM | Kinh doanh

Khi bị ngừng việc, tiền lương của người lao động trả theo thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, đã trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về các quy định pháp luật hiện hành về giải quyết chế độ cho người lao động bị ngừng việc , thôi việc, mất việc.

Phóng viên: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có khá nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động và cho người lao động (NLĐ) tạm ngừng việc. Trường hợp này, tiền lương của NLĐ được tính ra sao, thưa ông?

- Ông TRẦN VĂN TRIỀU: Theo quy định tại khoản 3, điều 98 Bộ Luật Lao động (BLLĐ), nếu NLĐ phải ngừng việc vì các nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Như vậy, trong trường hợp DN cho NLĐ ngừng việc vì lý do dịch Covid-19 thì tiền lương của NLĐ sẽ trả theo thỏa thuận giữa 2 bên nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

 Quyền lợi của NLĐ bị ngừng việc, mất việc do dịch Covid-19  - Ảnh 1.

Trường hợp NLĐ bị cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì DN có phải trả lương cho họ không?

- Theo hướng dẫn tại Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thì đối với trường hợp NLĐ phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại DN làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; NLĐ phải ngừng việc do DN hoặc bộ phận DN không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những NLĐ khác cùng DN, bộ phận DN đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại DN làm việc, thì tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3, điều 98 BLLĐ như nêu ở trên.

Hiện một số DN gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, đơn hàng, dẫn đến thời gian ngừng việc kéo dài và dù đã cố gắng nhưng vẫn không còn khả năng chi trả lương chờ việc cho NLĐ. Trong trường hợp này, DN phải giải quyết thế nào, thưa ông?

- Nếu DN rơi vào tình huống thời gian ngừng việc kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng chi trả thì có thể tiến hành thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ theo quy định tại điều 32 BLLĐ. Trường hợp DN buộc phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo quy định tại điều 38 hoặc điều 44 BLLĐ.

 Quyền lợi của NLĐ bị ngừng việc, mất việc do dịch Covid-19  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp phải bảo đảm quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (ảnh có tính minh họa) Ảnh: AN KHÁNH

Như vậy, những DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ?

- Điều 38 BLLĐ quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động có bao gồm trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Mặt khác, theo khoản 2, điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì lý do bất khả kháng thuộc một trong các trường hợp: địch họa, dịch bệnh hay di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, nếu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì DN có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ. Nhưng cần lưu ý, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trong trường hợp này, DN phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn và NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc (nếu có).

Hiện nay đã xuất hiện tình trạng một số DN lợi dụng tình hình dịch để đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì lý do bất khả kháng với lao động lớn tuổi. Ông có ý kiến gì về tình trạng này?

- Hướng dẫn tại Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL có nêu "Nếu trong trường hợp DN gặp khó khăn kéo dài thì có quyền áp dụng điều 38 và điều 44 của BLLĐ để cho NLĐ thôi việc".

Tuy nhiên, công văn lại không nói rõ khái niệm thế nào là "khó khăn kéo dài" cũng như trình tự, thủ tục và điều kiện áp dụng nên sẽ phát sinh tình trạng DN lạm dụng để né chi trả các khoản trợ cấp mất việc hay bồi thường vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan, Bộ LĐ-TB-XH cần có hướng dẫn cụ thể đối với quy định này; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ bị ngừng việc, thôi việc…, tránh trường hợp DN lợi dụng để cắt giảm quyền lợi của NLĐ, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Các cấp Công đoàn cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, tìm các giải pháp hỗ trợ DN vượt khó, động viên NLĐ đồng lòng chia sẻ để cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Mai Chi

Từ khóa:  công đoàn , nlđ
Cùng chuyên mục
XEM