Quỹ đầu tư do 'ông lớn' Alibaba chống lưng rót tiền vào Homefarm
Chuỗi thực phẩm Homefarm vừa nhận đầu tư từ quỹ được chống lưng bởi Alibaba.
Theo thông tin từ tờ DealStreetAsia, Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP của Alibaba đã đầu tư vào chuỗi cửa hàng thực phẩm Việt Nam có tên Homefarm. Dù không công bố số tiền đầu tư cụ thể nhưng CEO Homefarm Trần Văn Trường tiết lộ khoản đầu tư này có "bảy chữ số".
Được thành lập vào năm 2014 bởi CEO Trường và các cộng sự, Homefarm là chuỗi cửa hàng bán thực phẩm nhập khẩu tại Việt Nam, kết hợp các kênh mua sắm hiện đại, bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà.
"Số tiền thu được từ vòng gọi vốn lần này sẽ được sử dụng để phát triển và mở rộng chuỗi cửa hàng của Homefarm với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng vào năm 2025", CEO Trường cho biết. Tính đến tháng 7/2021, Homefarm đã vận hành 150 cửa hàng tại Việt Nam.
Ngoài các kênh bán hàng hiện có, Homefarm sẽ tiếp tục phân phối hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Với khoản đầu tư này, Homefarm sẽ nhanh chóng tham gia vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, cũng như tiếp cận và phát triển các phương thức bán hàng hiện đại, CEO Trường nói thêm.
Khoản đầu tư mới nhất là thông qua Quỹ ReDefine Capital, một tổ chức đầu tư đăng ký kinh doanh tại Singapore do eWTP kiểm soát.
Quỹ Đổi mới và Công nghệ eWTP của Alibaba là quỹ trị giá 600 triệu USD được thành lập vào năm 2018. Alibaba và Ant Group của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma là những nhà đầu tư ban đầu vào quỹ này. Mục tiêu của quỹ là nhằm tiếp cận những startup tiềm năng ở các thị trường mới nổi cũng như các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc nhắm vào các thị trường mới nổi.
Gần đây, tờ DealStreetAsia có thông tin rằng eWTP đã tăng đầu tư vào công ty bán lẻ Việt Nam Ficus Asia Investment bằng cách đầu tư 10 triệu USD. Quỹ eWTP đã đầu tư 50 triệu USD vào Ficus trong năm ngoái.
Vào tháng 7, eWTP đã đầu tư 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A vào Educa Corporation công ty điều hành công ty khởi nghiệp edtech Edupia.
Quỹ eWTP cũng đã đầu tư vào KKGroup và công ty fintech Trung Quốc XTransfer, công ty khởi nghiệp hậu cần Flash Express (Thái Lan) và công ty công nghệ thực phẩm Ấn Độ Box8.
Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của Việt Nam gần đây đã chứng kiến hàng loạt các thương vụ nổi bật. Vào tháng 7, công ty khởi nghiệp công nghệ thực phẩm KAMEREO đã huy động được 4,6 triệu USD do quỹ CPF của tập đoàn Charoen Pokphand Thái Lan, Quest Ventures và Genesia Ventures đồng dẫn đầu.
Theo Goh Yiping, đối tác của Quest Ventures, Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất lương thực lớn nhất ở Đông Nam Á. Ông nói: "Còn nhiều cơ hội để phát triển trong việc giải quyết những vấn đề kém hiệu quả của chuỗi cung ứng, cải thiện thu nhập đầu ra của nông dân và tạo ra các sản phẩm tốt nhất cho các doanh nghiệp và gia đình".
Vào năm 2020, công ty khởi nghiệp thương mại điện tử có trụ sở tại Việt Nam Foodmap đã huy động được 500.000 USD trong vòng gọi vốn hạt giống từ Wavemaker Partners.
Theo Statista.com, doanh số bán lẻ các sản phẩm thực phẩm đã liên tục tăng trong vài năm qua và được dự báo sẽ vượt 66 tỷ USD vào năm 2023.
Nguồn: Nikkei