Hotgirl khởi nghiệp nổi tiếng giới startup hầu tòa: 'Lừa đẹp' nhà đầu tư rót hàng trăm triệu USD, bản thân có lúc trở thành tỷ phú đôla chỉ bằng 1 máy xét nghiệm 'rỗng tuếch'
"Hotgirl" khởi nghiệp nổi tiếng giới startup Elizabeth Holmes sắp phải hầu tòa vì lừa đảo.
Năm 2015, Elizabeth Holmes đứng đầu trong danh sách những nữ tỉ phú tự thân giàu có nhất nước Mỹ và là nữ tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới với khối tài sản trị giá 4,5 tỉ USD theo đánh giá của Forbes. Tuy nhiên sau đó, chính tạp chí này đã đánh giá lại và cho rằng khối tài sản của Holmes chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Cụ thể, Forbes tính toán khối tài sản của Holmes dựa trên toàn bộ 50% cổ phần mà cô có tại Theranos - công ty xét nghiệm máu do cô thành lập vào năm 2003 với kế hoạch mang tới cuộc cách mạng trong lĩnh vực xét nghiệm máu.
Cổ phiếu của Theranos không giao dịch trên bất kỳ sàn chứng khoán nào. Thay vào đó, năm 2014, các nhà đầu tư tư nhân mua cổ phiếu của công ty ở mức giá giả định giá trị công ty là 9 tỉ USD.
Tuy nhiên, đầu tháng 2/2015, phóng viên điều tra John Carreyrou của tờ Wall Street Journal đã có một vài thông tin về Theranos và sau đó ông liên lạc với một giám đốc phòng thí nghiệm cũ tại Theranos - người này đã nói với ông về những thực hành phi đạo đức và có hại tại công ty.
Vào thời điểm đó Theranos đã hoạt động với công suất hạn chế hơn, đồng thời tạo ra kết quả sai lệch và không đáng tin cậy cho bệnh nhân. Thậm chí, công ty từng nghĩ đến việc tiến hành xét nghiệm HIV dựa vào công nghệ của mình trước khi giám đốc phòng thí nghiệm cũ nói chuyện với CEO và Balwani.
Thế nhưng, các nhà khoa học đã bắt đầu nêu lên một số câu hỏi về các công nghệ của công ty và phóng viên Carreyrou hé lộ câu chuyện về cuộc điều tra chống lại công nghệ xét nghiệm máu của Theranos.
Kể từ sau đó, Theranos liên tục đối mặt với hàng loạt cáo trạng về pháp lý, khi bị FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm) kiểm tra phòng thí nghiệm và nói rằng công ty đang vận chuyển một "thiết bị y tế không rõ ràng". Còn trung tâm dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe đã trích dẫn những lo ngại rằng một trong những phòng thí nghiệm của Theranos đặt ra "nguy cơ tức thì" cho bệnh nhân.
Các vụ kiện bắt đầu dấy lên, thậm chí Theranos đã phải hoàn trả hàng triệu USD cho các bệnh nhân đã từng được xét nghiệm. Đến cuối năm 2017, Theranos cần bổ sung tiền mặt và đã thực hiện thỏa thuận với Tập đoàn Đầu tư Fortress với số tiền 100 triệu USD hỗ trợ các khoản nợ sẽ được bảo đảm chi trả vào năm 2018. Tới tháng 8/2018, do không thể tiếp tục cầm cự công ty tuyên bố phá sản.
Holmes đã giải quyết một vụ kiện dân sự với phía Ủy ban Chứng khoán Mỹ vào tháng 3/2018, trong khi cựu Chủ tịch Theranos Ramesh "Sunny’ ’Balwani, bạn tình một thời của Holmes, cũng liên đới tới một vài vụ kiện cùng cô này. Cả hai thậm chí phải đối mặt với những vụ án hình sự riêng biệt. Tuy nhiên, phiên tòa xét xử Holmes đã bị hoãn ba lần do đại dịch Covid-19 và một lần do cô ta mang thai. Và lịch xét xử mới nhất cho vụ án này là vào ngày 31/8 tới đây.
Các công tố viên cho biết, các bằng chứng trong vụ án cho thấy Holmes và Balwani đã đưa ra những lời hứa táo bạo về chiếc máy xét nghiệm máu của mình nhưng lại là sự thật.
Bỏ qua vụ xét xử, tờ Bloomberg cho rằng bí ẩn trong câu chuyện này nằm ở việc làm thế nào Holmes và Balwani có thể xoay sở để bòn rút hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư cho một ý tưởng hoàn toàn lừa đảo như vậy. Sự thăng trầm của Holmes - một nữ sinh viên bỏ học Stanford khởi nghiệp đã trở thành chủ đề của vô số câu chuyện trên tạp chí, sách, phim tài liệu, podcast và thậm chí cả phim truyện.
Mặc dù các tài liệu và thông tin nội bộ của Theranos được khai quật trong các vụ kiện tụng đã cho biết một phần về những gì đã xảy ra tại startup này, nhưng làm thế nào Holmes thu hút được sự quan tâm tới như vậy từ các chính khách như Henry Kissinger và George Shultz vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Nguồn: Forbes, Bloomberg