Quốc gia ĐNÁ chơi lớn cấp 'visa vàng' cho cha đẻ ChatGPT, quyết tâm hút nhân tài công nghệ toàn thế giới
Đây là lần hiếm hoi một quốc gia Hồi giáo như Indonesia cấp Visa vàng cho người nước ngoài không cùng tín ngưỡng.
Theo Business Insider (BI), quốc gia Hồi giáo Indonesia đã quyết định sẽ cấp Visa vàng đầu tiên cho CEO Sam Altman của OpenAI-cha đẻ của ChatGPT.
Đây là động thái mới nhất của Indonesia trong chiến dịch thúc đẩy nền kinh tế, gia tăng đầu tư từ nước ngoài khi cho phép họ định cư 5-10 tại đây.
Đồng thời đây cũng là lần hiếm hoi một quốc gia Hồi giáo như Indonesia cấp Visa vàng cho người nước ngoài không cùng tín ngưỡng. Chiến dịch Visa vàng lần này mới được công bố vào tuần trước và CEO Altman sẽ trở thành người đầu tiên được cấp.
Chính sách mới này sẽ giúp CEO Altman có đặc quyền bỏ xếp hàng để dùng cửa xét duyệt riêng tại sân bay.
Golden Visa (Visa Vàng) là thị thực định cư được xét và cấp cho những nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các quốc gia đang ban hành chương trình này.
Với Visa vàng, các nhà đầu tư cùng những thành viên trong gia đình sẽ có đủ điều kiện để xin giấy phép định cư lâu dài, thậm chí vĩnh viễn nếp đáp ứng được những yêu cầu của chính phủ nước sở tại đề ra.
Theo Tổng giám đốc cơ quan di trú của Indonesia Silmy Karim, quốc gia này đang trải thảm đỏ để mời chào những lãnh đạo, tài năng công nghệ về đây để phát triển nền kinh tế. Việc mời chào được CEO Altman sẽ giúp nâng cao vị thế hình ảnh của đất nước cũng như thu hút những nguồn lực công nghệ khác.
“Ông ấy (Altman) không cần xin giấy phép lưu trú có thời hạn (ITAS) tại văn phòng nhập cư. Chúng tôi trải thảm đỏ như một sự đền đáp cho những nguồn lực mà ông mang lại cho Indonesia”, ông Karim cho biết.
Cha đẻ của ChatGPT là nhân vật nổi tiếng thế giới và bắt đầu thu hút được sự chú ý của truyền thông kể từ khi chatbot này gây được tiếng vang trên thị trường vào cuối năm 2022.
Vào tháng 6/2023, CEO Altman đã đến thủ đô Jakarta của Indonesia để tham gia sự kiện về phát triển trí thông minh nhân tạo (AI). Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ liệu doanh nhân này có nộp đơn xin Visa vàng hay dự định đầu tư gì lúc đó vào Indonesia hay không.
Phía Indonesia cho biết có rất nhiều loại Visa vàng mà nước này có thể cung cấp chứ không nhất thiết cần các khoản đầu tư, ví dụ như lợi ích nâng cao vị thế hình ảnh của đất nước như CEO Altman cũng sẽ được cấp phép.
Chơi lớn
Tờ BI cho hay Indonesia đang cố gắng thu hút những tài năng hoặc các lãnh đạo công nghệ giàu có đến quốc gia này.
Trước đó nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã từng quảng bá thiên đường du lịch Bali thành điểm đến lý tưởng cho các du khách quốc tế muốn làm việc từ xa.
Cụ thể, người nộp đơn xin thể loại Visa “quê hương thứ 2” (Second Home) này phải có ít nhất 2 tỷ Rupiah, tương đương 130.000 USD gửi trong ngân hàng nhà nước Indonesia và chương trình sẽ có hiệu lực trong khoảng 5-10 năm, bắt đầu từ ngày 25/12/2023.
Mặc dù vấp phải một số chỉ trích từ những du khách yêu Bali nhưng theo Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo, ông Sandiaga Uno thì chính sách này nhằm thu hút nhiều nhân tài hơn trong các lĩnh vực kỹ thuật số, y tế, nghiên cứu và công nghệ.
“Chúng tôi hy vọng chính sách này sẽ có thể cải thiện không chỉ đầu tư mà cả cơ hội việc làm”, ông Uno nhấn mạnh.
Với chính sách mới Visa vàng, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan thì cho hay Indonesia sẽ miễn thị thực cho các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có lượng đầu tư đáng kể vào nước này. Thủ tục sẽ được hoàn thành trong vòng 1-2 tuần sau khi thẩm định.
Khác với kiểu Visa “quê hương thứ 2” như ở Bali, chính sách Visa vàng lần này chắc chắn sẽ có chi phí đắt đỏ hơn. Dù chưa có một con số cụ thể nào được đưa ra nhưng nhiều khả năng các nhà đầu tư phải chi ít nhất 50 triệu USD cho nền kinh tế Indonesia.
Với các nhà đầu tư cá nhân, những người này có thể phải chi tiền mua trái phiếu chính phủ tối thiểu là 350.000 USD để nhận được Visa vàng theo dạng đầu tư.
Tất nhiên những trường hợp đem lại danh tiếng như CEO Altman sẽ là ngoại lệ.
Ban đầu chính sách Visa vàng này dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 6/2023 nhưng bị hoãn lại do có một số thay đổi bổ sung về hành chính và sửa đổi quy định liên quan.
Động thái này của Indonesia diễn ra sau khi New Zealand, Bồ Đào Nha giới thiệu "thị thực du mục kỹ thuật số" nhằm tận dụng những lao động quốc tế đến sống và làm việc.
Tờ Bi cho hay nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang triển khai các chương trình tương tự nhằm thu hút nhân tài. Hiện kiểu làm việc từ xa của lao động ngành công nghệ đang ngày càng phổ biến hậu đại dịch Covid-19.
Theo nghiên cứu của MBO Partners, Mỹ hiện có khoảng 15,5 triệu lao động xác nhận bản thân là lao động công nghệ làm việc từ xa kiểu “du mục kỹ thuật số”.
*Nguồn: BI