Quạt điều hòa dùng 1 tháng thì hết bao nhiêu tiền điện, có tiết kiệm không? Thí nghiệm người dùng chứng minh con số
Được coi là sự kết hợp 2 trong 1, vậy quạt điều hòa có thật sự hiệu quả và tiết kiệm?
Bên cạnh quạt và điều hòa là 2 thiết bị làm mát phổ biến nhất vào mùa hè, trong vài năm trở lại đây, có một thiết bị khác, được coi là sự kết hợp 2 trong 1 cũng rất được người dùng quan tâm. Thiết bị mang tên quạt điều hòa.
Về cơ bản, quạt điều hòa sẽ hoạt động dựa trên việc tận dụng sự bốc hơi của nước, từ đó cho ra luồng không khí mát mẻ và dễ chịu ra không gian. Người dùng khi sử dụng sẽ cho nước vào hộc chứa của thiết bị, hoặc đá lạnh để tăng hiệu quả làm mát. Vì là quạt, nên khi bật thiết bị, phòng không cần được đóng kín hoàn toàn, vẫn có sự thoáng đãng nhất định và người dùng sẽ không có cảm giác khô, thiếu ẩm như khi ở trong phòng điều hòa.
Theo quảng cáo từ các nhà sản xuất và phân phối, quạt điều hòa đem lại hiệu quả làm mát không thua kém nhiều so với một chiếc điều hòa, tuy nhiên điện năng tiêu thụ lại ít hơn, tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó, chi phí cần bỏ ra để mua một chiếc quạt điều hòa cũng được đánh giá là rẻ hơn so với chi phí mua một chiếc điều hòa thông thường.
Quạt điều hòa được coi là sự kết hợp 2 trong 1 của 2 thiết bị làm mát phổ biến nhất vào mùa hè (Ảnh minh họa)
Kháo sát trên thị trường, đúng là giá thành của quạt điều hòa rẻ hơn điều hòa, dao động trong khoảng hơn 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, tùy vào dung tích hộc chứa nước và các tính năng đi kèm. Vậy quạt điều hòa tiêu tiêu thụ hết bao nhiêu tiền điện, liệu có tiết kiệm hơn so với việc sử dụng điều hòa hay không?
Thí nghiệm của người dùng
Để tìm ra đáp án cho câu hỏi quạt điều hòa tiêu thụ hết bao nhiêu điện, nhiều người dùng đã sử dụng thiết bị đo lường chuyên dụng và kiểm tra dựa trên thực tế. Dưới đây là một người dùng như vậy.
Theo video được người dùng này chia sẻ trên Youtube, anh cho biết mình sẽ kiểm tra xem quạt điều hòa nhà mình sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền điện trong vòng 1 tháng. Chiếc quạt điều hòa xuất hiện trong video có công suất tối đa ghi trên nhãn sản phẩm là 180W, thể tích bồn nước là 60 lít, còn lưu lượng gió là 5000m3/h.
Thông tin về chiếc quạt điều hòa được ghi trên nhãn sản phẩm (Ảnh chụp màn hình)
Người dùng này bật quạt ở chế độ gió mạnh nhất, sau đó bật thêm cả tính năng làm mát tăng cường "Cool" và tính năng đảo chiều. Lúc này, con số công suất trên máy đo hiện 0,144KW, tức là 144W.
Dựa trên con số này, người dùng giả định 1 ngày gia đình bật quạt điều hòa trong khoảng 10 giờ. Nhân 144W với 10 giờ, con số điện năng tiêu thụ là 1440W. Tiếp tục nhân với 30 ngày trong tháng, con số cuối cùng là khoảng 43 số điện. Hiện nay giá điện sinh hoạt dao động trong khoảng 1700 đồng tới khoảng 3000 đồng, tính theo giá bình quân, khoảng 2500 đồng 1 số điện, vậy ta có số tiền phải chi trả cho điện mà quạt điều hòa dùng một tháng, mỗi ngày bật 10 giờ, là 108.000 đồng.
Người dùng sử dụng máy đo chuyên dụng để cho ra con số điện năng mà quạt điều hòa tiêu thụ (Video Youtube)
Người dùng tính số tiền điện của quạt điều hòa trong 1 tháng 30 ngày, mỗi ngày gia đình sử dụng 10 giờ (Video Youtube)
Trên thực tế, không phải chiều quạt điều hòa nào cũng tiêu thụ số tiền điện như nhau. Điều này còn tùy thuộc vào công suất thiết bị cũng như thời gian mà gia đình sử dụng. Tuy nhiên có thể thấy, con số này có ít hơn so với việc dùng điều hòa.
Lưu ý để sử dụng quạt điều hòa hiệu quả, tiết kiệm, an toàn
Như đã nói ở trên, bởi những ưu điểm của mình mà trong vài năm trở lại đây, quạt điều hòa được nhiều người dùng quan tâm và ưa chuộng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi sử dụng thiết bị, người dùng nên ghi nhớ một số lưu ý để đảm bảo thiết bị được hoạt động hiệu quả, an toàn, đồng thời tiết kiệm hơn.
1. Vị trí đặt quạt phù hợp
Quạt điều hòa sẽ hoạt động hiệu quả và an toàn khi được đặt ở vị trí phù hợp. Các chuyên gia cho biết, quạt có thể đặt ở bất kỳ vị trí nào trong phòng, tuy nhiên lý tưởng nhất là đặt ở nơi thông thoáng, gần cửa để có luồng không khí luân chuyển nhiều.
Ngoài ra, quạt cũng không nên đặt sát vào tường. Thay vào đó, giữa quạt với tường nên có một khoảng trống nhất định, khoảng 20cm. Việc đặt quạt sát tường có thể khiến quạt gây tiếng ồn khó chịu, đồng thời hơi nóng tỏa ra từ thiết bị không thể phân tán, từ đó tiềm ẩn làm hư hại các linh kiện bên trong.
Quạt điều hòa không nên để sát tường mà nên để ở nơi thông thoáng (Ảnh minh họa)
2. Tiếp nước vào thiết bị đúng cách
Là một trong những phần quan trọng nhất, quyết định thiết bị làm mát tốt hay không, nước cũng cần được tiếp vào quạt điều hòa đúng cách. Theo hướng dẫn, người dùng nên sử dụng nước sạch để cho vào thiết bị, đặc biệt là những thiết bị có tính năng bổ sung: phun hơi nước.
Nước sạch không những đem lại luồng gió mát trong lành, mà còn đảm bảo không có chất bẩn, tạp chất, làm giảm tuổi thọ của thiết bị.
Mỗi chiếc quạt sẽ có dung tích chứa nước khác nhau. Vì vậy người dùng cần tuân thủ định mức này, không đổ quá nhiều nước, vượt cả mức tối đa. Khi bật quạt trong thời gian dài, thường xuyên kiểm tra nước bên trong quạt, cũng không nên để nước cạn quá mức. Và đặc biệt, khi tiếp nước cho quạt, phải ngắt điện hoàn toàn thiết bị để tránh trường hợp giật điện.
Đổ nước sạch vào quạt, không cho quá nhiều, quá ít, và khi đổ nước nên ngắt điện (Ảnh minh họa)
3. Vệ sinh quạt thường xuyên
Cũng giống như quạt máy hay điều hòa, quạt điều hòa cũng cần được vệ sinh thường xuyên để đảm bảo hiệu quả hoạt động cũng như tuổi thọ của thiết bị. 2 khu vực, bộ phật quan trọng cần được vệ sinh đó là tấm làm mát và hộc chứa nước.
Tốt hơn hết, công việc này nên được thực hiện khoảng 1 tuần 1 lần với hộc chứa nước, và 1 tháng 1 lần với tấm làm mát cũng như các bộ phận còn lại.
Việc vệ sinh quạt người dùng có thể tự thực hiện tại nhà. Tuy nhiên khi phát hiện quạt điều hòa nhà mình có dấu hiệu hỏng hóc, người dùng không nên tự sửa chữa, mà hãy gọi các kỹ sư chuyên nghiệp để thiết bị được xử lý đúng cách và an toàn nhất.
Một mẹo cuối cùng đó là khi không có nhu cầu sử dụng, tắt và rút điện quạt điều hòa. Việc làm này có thể giúp gia đình tiết kiệm điện hơn.
Vệ sinh tấm mát điều hòa giúp thiết bị hoạt động hiệu quả (Ảnh minh họa)