Từ chức không phải vì mình

27/04/2014 21:41 PM | Quản trị

Tin Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won nộp đơn từ chức 11 ngày sau vụ chìm phà Sewol đã để lại nhiều suy nghĩ cho mọi người.

Đối với một số ý kiến cho rằng từ chức chưa chắc là hành động đúng đắn vì người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc, rằng từ chức là trốn tránh nhiệm vụ để lại gánh nặng cho những người đi sau phải xử lý, phát biểu cặn kẽ của Thủ tướng Hàn Quốc đã giải tỏa góc độ này. Ông nói: “Tôi đã muốn xin từ chức sớm hơn, nhưng đã phải ưu tiên cho việc xử lý vụ tai nạn và tôi nghĩ đó là một trách nhiệm mà mình phải làm trước khi từ chức”.

Với rất nhiều người khác, quyết định của Thủ tướng Chung trước hết gây cho họ sự kính trọng về lòng tự trọng của một con người, sự chịu trách nhiệm, sự không ham quyền cố vị một khi uy tín của bộ máy chính quyền và bản thân trước người dân bị sứt mẻ vì cách xử lý yếu kém trước đó.


Một số người nhắc đến phát biểu của ông Thủ tướng, “Nhiều ngày đã trôi qua kể từ sau vụ tai nạn, nhưng những tiếng thét của thân nhân hành khách trên phà vẫn khiến tôi mất ngủ vào buổi tối” để nhắc nhau thấy trách nhiệm của người lãnh đạo là rất nặng nề, rằng chức vụ luôn luôn phải đi đôi với gánh nặng phải lo toan.

Tuy nhiên, theo tôi, hành động từ chức của một quan chức nhà nước trước hết là vì cái chung, vì tập thể, vì đội ngũ những người cùng gánh vác công việc, vì thể diện quốc gia chứ khoan nghĩ vì cá nhân đó.

Nếu cứ gắn chuyện từ chức với cá nhân người từ chức, sẽ thấy lấn cấn trong nhiều trường hợp. Người muốn biện bạch sẽ luôn nói, lỗi cụ thể ở ông thuyền trưởng, ở bộ phận điều hành giao thông đường thủy chứ đâu phải lỗi của ông Thủ tướng đâu mà phải từ chức. Người muốn khái quát vấn đề sẽ nói vậy thì bà Tổng thống cũng chịu trách nhiệm, cũng phải từ chức chứ đâu riêng ông Thủ tướng. Người muốn vạch lá tìm sâu sẽ nói, thế vì sao ông Thủ tướng Malaysia trước tai nạn máy bay MH370 mất tích lại có nhiều sai sót trong xử lý hơn không chịu từ chức đi.

Ngược lại, một khi không xem quyết định từ chức là chuyện cá nhân, chúng ta sẽ hiểu ngay Thủ tướng Chung Hong-won làm vậy là vì uy tín của chính phủ đương nhiệm. Nếu ông vẫn tại vị, sự tức giận của người dân Hàn Quốc có thể không còn biểu lộ bằng việc ném chai nước vào người ông Chung nữa mà có thể hướng tới cả nội các, cả bà Tổng thống.

Sau những phê phán của người thân hành khách trên chuyến phà, bất kỳ nỗ lực nào của ông Chung vẫn có thể bị xem là chữa cháy, chậm trễ.

Nhưng sau khi ông từ chức, các kết luận điều tra sẽ được đón nhận với sự tin tưởng cao hơn, sự chấn chỉnh những thiếu sót sẽ được thực thi tốt hơn.

Nói cách khác, một khi ông Chung Hong-won nhận thấy hiệu lực điều hành của mình bị giảm sút, ông không còn là tác nhân đoàn kết mà có thể là mũi dùi tấn công của dư luận thì rõ ràng việc ông từ chức sẽ có lợi cho tập thể còn lại, sẽ là cách bảo vệ uy tín của những người ở lại, sẽ là cách nâng cao hình ảnh của những người đứng ra gánh vác chuyện giải quyết hậu quả chìm phà.

Nói vậy để thấy, từ chức nhiều lúc không phải là quyết định cá nhân. Nếu cá nhân thấy được những trở ngại mình gây ra cho sự nghiệp chung mà từ chức thì quá tốt. Nhưng nếu cá nhân không thấy được điều đó, việc thúc đẩy sự từ chức để tạo ra động lực làm việc mới cho những người ở lại là cần thiết.

Khi quyết định từ chức, Thủ tướng Hàn Quốc đã kêu gọi: “Đồng bào Hàn Quốc thân mến, đây không phải là lúc đổ lỗi cho nhau, nhưng là thời điểm để cố gắng hoàn thành công tác cứu hộ và xử lý đúng đắn những hậu quả phát sinh”.

Đổ lỗi cho nhau hay đôi co với người dân là điều đại kỵ ở một quan chức trong bộ máy hành chính. Lúc đó nếu người gây ra tình trạng đổ lỗi hay đôi co như thế không chịu từ chức thì có lẽ đến lúc phải ngưng chức như trường hợp ngưng chức Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam đang được dư luận đồng tình.


Theo Nguyễn Vạn Phú

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM