Tìm ứng viên có niềm đam mê công việc
Đánh giá khả năng tương thích của họ với văn hóa doanh nghiệp luôn là một thử thách đối với nhà tuyển dụng.
Khi tiến hành tuyển dụng nhân viên mới cho tổ chức, việc xác định năng lực tay nghề của ứng viên không khó. Tuy nhiên, đánh giá khả năng tương thích của họ với văn hóa doanh nghiệp luôn là một thử thách đối với nhà tuyển dụng.
Mặc dù một số phương pháp như kiểm tra EQ tỏ ra khá hiệu quả để xem liệu ứng viên ấy có “dễ mến” hay “dễ hòa đồng” tại môi trường mới hay không, thì khía cạnh khó đo lường nhất chính là niềm đam mê hay lòng yêu nghề của từng ứng viên. Tất cảứng viên sẽ đều nói rằng họ rất đam mê công việc, rằng họ là fan hâm mộ cuồng nhiệt của doanh nghiệp, hoặc vô cùng hứng thú về vị trí đang ứng cử… nhưng làm thế nào để biết đâu là câu trả lời thật?
Chắc chắn mức độ đam mê công việc của các ứng viên là không giống nhau và nhiệm vụ của người phỏng vấn là tìm hiểu đúng mức độ yêu nghề thật sự của họ, xác định rõ ai là người thực sự say mê và ai là người nghĩ rằng công việc ấy đang là “mốt”. Theo giới blogger trên The HR Capitalist, sau đây là bốn câu hỏi để đánh giá mức độ yêu nghề của người nhân viên tiềm năng.
Anh (chị) làm thế nào để luôn cập nhật thông tin về lĩnh vực này? Những ai thực sự có niềm đam mê với công việc mình đang làm luôn dành thời gian bên ngoài công sở để củng cố và mở rộng kiến thức ngành cũng như nâng cao tay nghề.
Do đó, đây được xem là một câu hỏi rất “đúng huyệt” của một ứng viên yêu nghề và họ sẽ vui vẻ đưa ra câu trả lời hết sức nhanh chóng, thoải mái và thực tế. Nếu ứng viên không thể đưa ra bất kỳ ý tưởng và hành động cụ thể nào để giúp họ phát triển sự nghiệp cá nhân theo đúng niềm đam mê của họ trong khoảng thời gian gần đây, hãy xem đó là một “dấu hiệu báo động”.
Tuy nhiên, nếu ứng viên tỏ ra dựa dẫm nhiều vào công ty của họ để có được những giờ đào tạo tay nghề hay hoạt động khác trong khuôn khổ tổ chức thì đó chưa hẳn là niềm đam mê. Một cá nhân yêu nghề luôn chủ động đi xa hơn những khóa huấn luyện vì họ tin rằng điều ấy chưa đủ sâu và đạt đến kỳ vọng của mình.
Đâu là câu hỏi lớn trong lĩnh vực anh (chị) đang làm mà anh (chị) muốn giải quyết và vì sao?Hãy lắng nghe thật kỹ câu trả lời của họ.Đâu là những dấu hiệu sáng tạo?Đâu là lòng đam mê nhiệt huyết? Nếu ứng viên ra quá nhiều câu nói chung chung và chỉ nhấn mạnh đến công việc của người khác, thì đó là một dấu hiệu đáng lưu tâm.
Anh (chị) làm thế nào để liên hệ với những chuyên gia khác trong nghề?Cũng đừng quên hỏi mức độ họ thường xuyên liên lạc với những chuyên gia trong nghề bên ngoài giờ làm việc, những đề tài nào được họ thường xuyên trao đổi. Lý do để bạn đặt ra câu hỏi này vì niềm đam mê thật sự sẽ luôn thôi thúc người ta tìm đến những người có cùng sở thích để chia sẻ và học tập, mở mang kiến thức.
Đâu là điều anh (chị) mãn nguyện nhất khi làm việc với công ty X (công ty đang làm hoặc đã làm trước đây)?Câu trả lời sẽ giúp thấy rõ liệu ứng viên có luôn nỗ lực tìm cách thích ứng bản thân với nền văn hóa tổ chức hoặc với một phong cách làm việc cụ thể nào đấy hay không, hay thật sự đang tìm kiếm một nơi nào đấy mà họ có thể sống và làm việc với niềm đam mê của mình.
Nếu câu trả lời chứa đựng khá nhiều yếu tố tổng quát, chung chung và thậm chí là câu trả lời rập khuôn (có thể sử dụng cho bất kỳ một công việc nào khác) hơn là một câu trả lời hết sức cụ thể, trực tiếp nói đến những dự án thú vị mà họ đang thực hiện liên quan đến lòng yêu nghề của mình, thì rất khó để khẳng định rằng đó là một cá nhân có niềm đam mê công việc thực sự.
>> Bạn sẽ không hối tiếc tuổi 30 nếu làm 7 điều sau
Theo THỐNG LÂM