Thống đốc: Cho người nghèo vay, nợ xấu chưa tới 1%
20/11/2013 11:50 AM
|
Tín dụng cho người nghèo là một điểm sáng trong bức tranh tín dụng. Hoạt động cho vay người nghèo đã triển khai tốt với tổng dư nợ là 180 nghìn tỷ. Dự nợ xấu và quá hạn là rất thấp, chưa đến 1%
Tham gia trả lời trong phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói tín dụng cho người nghèo là một điểm sáng trong bức tranh tín dụng.
“Hoạt động cho vay người nghèo đã triển khai tốt với tổng dư nợ là 180 nghìn tỷ. Dự nợ xấu và quá hạn là rất thấp, chưa đến 1%, nguồn vốn được đảm bảo quay vòng và hiện chúng tôi đã trình cơ chế để cho vay hộ cận nghèo và giúp người nông dân đã thoát nghèo bền vững”, Thống đốc cho biết.
Ông Bình cũng cho biết khi đi khảo sát ở Tây Nguyên, phía ngân hàng nhận thấy tái canh cây cà phê là cần thiết. “Hiện chúng tôi đã dành một gói 12 nghìn tỷ đồng cho tái canh cà phê, riêng tỉnh Lâm Đồng là 2 nghìn tỷ đồng. Nhưng vốn chỉ là một yếu tố mà còn các yếu tố khác là giống, quy hoạch”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng đã đưa lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên để có chính sách ưu đãi, đồng thời đề xuất Chính phủ triển khai dự án cho vay hỗ trợ để giảm tổn thất sau thu hoạch.
“Đây là những định hướng cơ bản, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi tin tưởng vào sự nỗ lực của mình và các bộ ngành sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp”, Thống đốc nhấn mạnh.
Trước đó, khá nhiều đại biểu đặt vấn đề hỗ trợ vốn cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt… Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận, thiếu vốn là một trong những nguyên nhân khiến cho ngành nông nghiệp đang "tăng trưởng chậm lại".
Theo ông Phát, giai đoạn 5 năm trước ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 3,3% và giai đoạn 5 năm này có thể đạt khoảng 2,9%, vẫn đạt kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao, tuy nhiên rõ ràng có chậm lại.
"Điều đó có nghĩa thu nhập và việc làm của nông dân tăng chậm lại. Trong khi Nghị quyết Trung ương 7 đặt vấn đề phải duy trì đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng tới 3,5 đến 3,8%. Rõ ràng đối với ngành nông nghiệp và nền kinh tế việc tạo điều kiện cho nông nghiệp phục hồi tốc độ tăng trưởng cao hơn là một thách thức lớn. Để phát triển phải có nguồn lực, nguồn lực về đất đai, nguồn lực về lao động, nguồn lực về tài chính", ông Phát nói.
Theo Anh Minh
Theo VnEconomy
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!