Thế hệ Y và kinh tế thế giới 5 năm tới

15/06/2015 14:45 PM | Quản trị

Nếu nền kinh tế tiếp tục vững mạnh, thế hệ Y sẽ bắt đầu tạo ra các giao dịch thương mại giá trị lớn đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, thế hệ này cũng có thể gây tổn thất cho nền kinh tế bởi các khoản nợ sinh viên đang làm cho thế hệ này giảm chi tiêu và không lựa chọn mua nhà.

Nội dung nổi bật:

- S&P nhận định thế hệ được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến 1997 này đã lên đến con số 80 triệu người và hàng năm chi tiêu khoảng 600 tỉ USD. Đến năm 2020, con số có thể lên đến 1,4 nghìn tỉ USD, tương đương 30% tổng doanh số bán lẻ

- Đáng ngạc nhiên là thế hệ này có thói quen chi tiêu dè dặt giống thế hệ "Im lặng" lớn lên trong và sau cuộc Đại suy thoái.

- Nếu nền kinh tế tiếp tục vững mạnh theo như dự đoán, có khả năng cao rằng thế hệ Y sẽ bắt đầu tạo ra các giao dịch thương mại giá trị lớn đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, thế hệ này cũng có thể gây tổn thất cho nền kinh tế bởi các khoản nợ sinh viên đang làm cho thế hệ này giảm chi tiêu và không lựa chọn mua nhà


Năm nay, “Thế hệ Y” hay “Thế hệ thiên niên kỷ” (Millennials) được dự đoán là sẽ vượt qua thế hệ Boomers để trở thành thế hệ đông đảo nhất nước Mỹ và ảnh hưởng của họ đến nền kinh tế sẽ sớm được cảm nhận theo một thang đo thậm chí lớn hơn.

Báo cáo của Beth Ann Bovino, chuyên gia kinh tế trưởng của Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor’s (Mỹ), nhận định thế hệ được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến 1997 này đã lên đến con số 80 triệu người và hàng năm chi tiêu khoảng 600 tỉ USD. Đến năm 2020, con số có thể lên đến 1,4 nghìn tỉ USD, tương đương 30% tổng doanh số bán lẻ.

Đáng ngạc nhiên là thế hệ này có thói quen chi tiêu dè dặt giống thế hệ "Im lặng" lớn lên trong và sau cuộc Đại suy thoái. Điểm phân biệt giữa thế hệ Y và các thế hệ khác chính là những khoản vay nợ sinh viên mà thế hệ này phải gánh vác. Điều này dẫn tới việc Gen Y (và một số Gen X) có ít cơ hội tiếp cận với những việc làm toàn thời gian và kém giàu có hơn so với thế hệ trước.

Bovino đã nhìn vào những gì mà thế hệ này có thể làm trong vòng 5 năm tới để xem chúng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ như thế nào.

Nếu nền kinh tế tiếp tục vững mạnh theo như dự đoán của S&P thì có khả năng cao rằng thế hệ Y sẽ bắt đầu tạo ra các giao dịch thương mại giá trị lớn đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, thế hệ này cũng có thể gây tổn thất cho nền kinh tế bởi các khoản nợ sinh viên đang làm cho thế hệ này giảm chi tiêu và không lựa chọn mua nhà

“Thế hệ trẻ có thể chiếm tới hơn 50% nguồn nhân lực trong vòng 5 năm tới. Họ vốn đã là nhóm người đông nhất trong lực lượng lao động Mỹ”. Kết hôn và sinh con muộn, thuê nhà thay vì mua nhà, thích sống ở thành thị hơn và không sở hữu nhiều xe là những nguyên nhân giải thích tại sao thế hệ Y có thế làm sụp đổ nền kinh tế Mỹ. “Hai phần ba tổng GDP là tiêu dùng nên chúng ta cần những người tiêu tiền", Bovino nói.

Thế hệ Y cũng là "thế hệ Im lặng"?

Thế hệ Y mang một số đặc điểm tương tự như những người thuộc Thế hệ Im lặng, những người được sinh ra từ giữa những năm 1920 đến đầu những năm 1940. Họ lớn lên trong và sau cuộc Đại suy thoái nhưng còn quá trẻ để tham gia chiến đấu trong gia đoạn đầu Thế chiến thứ II.

Cả hai thế hệ này đều lớn lên trong khoảng thời gian phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Do đó thế hệ Y đang khá thận trọng về tài chính, nắm giữ hơn một nửa tài sản của họ bằng tiền mặt, khoảng một phần ba vào chứng khoán, và 15% trong tài sản thu nhập cố định.

Tuy nhiên, hai thế hệ khác nhau ở chỗ khi hoàn tất việc học của mình, thế hệ Im lặng có thể gia nhập vào một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ được hỗ trợ bởi chương trình chính sách kinh tế mới New Deal. Ngược lại, S&P chỉ ra rằng tỷ lệ chi tiêu chính phủ vào các dự án cơ sở hạ tầng so với GDP hiện ở mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua có thể tác động đáng kể đến khả năng cạnh tranh lâu dài của kinh tế Mỹ.

Tiền sử vay nợ sinh viên

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai thế hệ là những khoản nợ vay sinh viên của Thế hệ Y có thể làm suy giảm khả năng chi tiêu của họ. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, những người đi vay hiện nay phải trả lại số tiền cao gấp đôi so với những người đi vay cách đây 20 năm. Năm 1989, trung bình 3/5 người Mỹ nghèo nhất trong độ tuổi 18-34 có tài sản ròng 3.300 USD. Năm 2013, cũng nhóm độ tuổi này phải gánh trên vai khoản nợ ròng 7,700 USD.

Gánh nặng nợ đôi khi có thể buộc các thành viên của thế hệ này phải chấp nhận công việc họ không muốn, trong khi nếu không có nợ họ có thể tìm được những cơ hội tốt hơn. Người lao động bắt đầu sự nghiệp đúng vào thời kỳ kinh tế suy thoái sẽ phải mất ít nhất 15 năm để bù đắp số thu nhập giảm đi so với những người may mắn bước vào thị trường lao động đúng lúc kinh tế thịnh vượng.

Tuy nhiên, do thế hệ Y là thế hệ được giáo dục tốt nhất, Bovino tin rằng thành công trong sự nghiệp của họ đã bị trì hoãn, chứ không phải bị hủy bỏ. Tiền lương được dự kiến sẽ tăng đến 3% trong năm nay, có nghĩa là mức lương trả cho các công nhân trẻ sẽ tăng lên. Bởi vì người lao động có trình độ đại học thường kiếm được gấp đôi so với những người mới chỉ kết thúc trung học phổ thông nên Thế hệ Y có thể có nhiều khả năng kiếm tiền hơn.

Viễn cảnh bất lợi: Nhà đất chính là chìa khóa

Nếu tiền lương không tăng lên trong các thập kỷ tiếp theo, thế hệ Y sẽ phải tiếp tục "nhịn" mua bán những mặt hàng có giá trị lớn như nhà và xe hơi, đồng thời chậm trễ trong việc lập gia đình. Nhà đất theo đó cũng sẽ phát triển chậm. Bovino ước tính rằng viễn cảnh bất lợi này có thể có nghĩa là Mỹ sẽ bỏ lỡ 49 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2019.

Thế hệ Y đang hình thành các hộ gia đình với một tốc độ chậm hơn so với các thế hệ trước. Tỷ lệ thanh niên tuổi từ 25 đến 34 sống cùng bố mẹ đã tăng 17,5% trong giai đoạn 2007 - 2010. Năm 1960, 3/4 nữ giới và 2/3 nam giới trong nhóm này đã độc lập về tài chính, đã kết hôn và có con ở độ tuổi 30. Thậm chí vào năm 2003, số người Mỹ ở độ tuổi 30 tuổi có thể sở hữu nhà riêng nhiều hơn gấp đôi so với những người vẫn sống cùng bố mẹ.

Theo truyền thống, tỷ lệ những người có tiền sử nợ sinh viên sở hữu nhà sẽ cao hơn những người không có. Nhưng đây là lần đầu tiên trong ít nhất 10 năm, những người 30 tuổi không có tiền sử vay nợ sinh viên có khoản thế chấp nhiều hơn so với những người có tiền sử vay nợ.

Một vấn đề khác là việc giải ngân những khoản cho vay sinh viên đang ngày càng xấu đi. Mặc dù S&Pkhông mong việc trì hoãn trả nợ này lan rộng nhưng một số lượng đáng kể các vụ vỡ nợ sẽ làm tổn thương tài chính của đất nước kể từ khi chính phủ liên bang đỡ lưng cho hơn 85% các khoản vay sinh viên.

‘Vận tốc thoát khỏi lực hấp dẫn’

Bất chấp những thách thức này, các tín hiệu gần đây cho thấy vấn đề tạo việc làm và tiền lương đang tăng lên nhanh hơn so với tỉ lệ lạm phát.

Và Thế hệ Y đang bắt đầu mua xe mới nhiều hơn, họ đang vượt qua thế hệ X để trở thành nhóm khách hàng lớn thứ hai. "Chúng tôi đang nhìn thấy Gen Y bắt đầu mua xe hơi nhiều hơn, đó là những mặt hàng đắt tiền, và đó có nghĩa là họ đang cảm thấy một chút lạc quan hơn," Bovino nói.

S&P dự đoán kinh tế sẽ tiếp tục phát triển theo cách mà thế hệ Y có thể "chuyển tiếp vào giai đoạn trưởng thành theo như định nghĩa truyền thống để bắt đầu mua nhà, mua xe, và các mặt hàng lớn khác, điều đó sẽ tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế ".

Theo Phạm Phương

Cùng chuyên mục
XEM