Tái cấu trúc ở Hoàng Anh Gia Lai và góc nhìn về SPV

01/09/2013 07:11 AM | Quản trị

Việc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) quyết định tái cấu trúc mạnh mẽ mảng bất động sản để giảm đòn bẩy nợ qua “cổng” là công ty An Phú đang khiến chúng ta liên tưởng đến cơ chế công ty phục vụ mục đích đặc biệt (Special Purpose Vehicle, SPV) trên thế giới.

Cơ chế SPV đã xuất hiện cách đây hơn 3 thập niên nhưng chỉ trở nên phổ biến khi góp phần can dự vào cuộc khủng hoảng tài chính những năm 2007-2008.

SPV, thường chỉ hoạt động trong một giai đoạn nhất định và sau đó giải thể hoặc được bán đi, ban đầu được sử dụng như là những công ty đặt bên ngoài bảng cân đối kế toán (off-balance sheet) để phục vụ cho mục đích chứng khoán hóa. Về sau, nhiều định chế sử dụng như là một công cụ để xử lý các khoản nợ xấu hay khuyếch đại lợi nhuận trong kinh doanh, làm đẹp báo cáo tài chính.

SPV không phải hoàn toàn xấu, mà nó cũng phát huy một số tác dụng tích cực nếu biết cách áp dụng một cách hiệu quả.

Đâu là động lực để thành lập SPV?

(1) Phân tán bớt rủi ro: Khi bán các khoản nợ xấu cho những nhà đầu tư khác, công ty thành lập SPV (sponsoring firm, trong trường hợp này là HAGL) đã chuyển giao bớt rủi ro sang cho các nhà đầu tư mua khoản nợ này thay vì nắm giữ một mình như trước đó.

(2) Tách các khoản nợ xấu ra khỏi công ty một cách hợp pháp: Khi bán nợ thì toàn bộ khoản nợ này sẽ được chuyển sang cho công ty SPV và như thế công ty thành lập sẽ không còn nắm giữ những khoản nợ xấu này nữa. Do vậy, những khoản nợ xấu này sẽ không còn ảnh hưởng đến công ty thành lập.

(3) Cải thiện thanh khoản cho công ty: Khi công ty SPV bán các khoản nợ này cho các nhà đầu tư khác, công ty này sẽ thu về các khoản tiền bán hàng, dịch vụ, phí… và giúp cho công ty thành lập cải thiện được thanh khoản của mình.

(4) Giảm thiểu được chi phí huy động vốn: Việc loại bỏ các khoản nợ này sẽ giúp cho báo cáo tài chính công ty đẹp hơn, các tỷ số tài chính sẽ được cải thiện. Theo đó, việc phát hành huy động vốn IPO sẽ dễ dàng hơn và giảm thiểu bớt chi phí huy động, đi vay ngân hàng.

(5) Chứng khoán hóa (Securitization): SPV là cơ chế phù hợp nhất nếu một tổ chức muốn chứng khoán hóa các khoản nợ vay thế chấp bằng tài sản. Cách chuyển các tài sản và nghĩa vụ nợ qua An Phú của HAG và sau đó phát hành cổ phần cho nhà đầu tư trên thực tế là một phương thức chứng khoán hóa.

(6) Không đánh mất mối quan hệ với bên mắc nợ: Đối với các định chế tài chính, bằng cách sử dụng SPV, họ có thể bán đi tài sản thế chấp của người đi vay mà không đánh mất đi các mối quan hệ. Điều này có thể dễ hiểu vì tài sản thế chấp đã được chuyển giao sang cho SPV, do đó quyền xử lý tài sản sẽ do công ty này quyết định.

(7) Giúp các định chế tài chính né tránh các quy định hay chuẩn mực an toàn: Đối với một số định chế tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm, hay những quỹ đầu tư, họ sẽ bị ràng buộc bởi một số luật định như mức độ xếp hạng của trái phiếu, những phân lớp tài sản được phép đầu tư… Sử dụng SPV sẽ giúp họ lách được những quy định này.

Đâu là các rủi ro đối với cơ chế SPV?

(1) Rủi ro uy tín: Việc tách rời hoạt động của SPV không có nghĩa là công ty thành lập không chịu rủi ro về mặt uy tín. Thông thường, công ty thành lập sẽ vẫn phải tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh doanh để đảm bảo SPV có được thành công.

(2) Các khoản nợ tách rời với hoạt động của công ty thành lập: Đối với chủ nợ, việc bán các khoản nợ cho công ty SPV sẽ khiến công ty mẹ “độc lập” về nghĩa vụ và sẽ phải tập trung theo dõi hoạt động của SPV. Trong trường hợp của HAG, chủ nợ sẽ phải “trông cậy” vào sự bảo lãnh từ cá nhân ông chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.

(3) Đối với nhà đầu tư vào SPV: Việc nắm giữa cổ phần của SPV cũng hàm chứa nhiều rủi ro cho giới đầu tư. Rủi ro này có thể đến từ các nguyên nhân như quản lý yếu kém, thanh lý tài sản không như mong đợi, không được cung cấp đủ thông tin, hoặc thiếu minh bạch dẫn đến việc nhận thức không đầy đủ về mức độ rủi ro mà mình đang phải chịu.

Theo Nhật Trình

duchai

Cùng chuyên mục
XEM