Sếp VC Corp: “Hãy biết hạnh phúc từ những thành công nhỏ”

07/05/2013 11:34 AM | Quản trị

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều muốn đội ngũ nhân viên của mình có lòng nhiệt tình đối với công việc. Họ luôn chú trọng đến việc “truyền lửa” để duy trì “nhiệt tâm” của mọi người trong công việc.

Duy trì lòng nhiệt tâm - một việc tuy dễ nói, nhưng không hẳn dễ làm. Bởi lòng nhiệt tâm luôn chịu ảnh hưởng rất lớn từ những tác động của công việc, các mối quan hệ, cho đến tham vọng, mục tiêu mà bản thân nhân viên hướng tới.

Ông Nguyễn Thế Tân – phó tổng giám đốc công ty CP truyền thông Việt Nam (VC Corp) cho rằng, để duy trì lòng nhiệt tâm và đam mê trong công việc, trước hết mỗi người phải biết hài lòng với những thành công nhỏ trước đã. 

“Đừng mong chờ vào những thành công vĩ đại”

Trong công việc, thành công mang một ý nghĩa hết sức quan trọng. Ai cũng mong một ngày mình sẽ đạt được những thành công “vĩ đại” như ký được một hợp đồng giá trị lớn, doanh thu bán hàng tăng gấp đôi hay website có lượng truy cập đột biến,…

Những tham vọng lớn như vậy thường xuất hiện ở những người mới bắt đầu công việc mong đạt được thành công nhanh chóng, hay những người đã làm được một việc lớn rồi lại tiếp tục trông chờ vào một thành công lớn hơn. Đạt được thành công liên tiếp như vậy là điều rất khó. Thêm vào đó, khi ta đạt được những thành công lớn ngoài mong đợi, cảm giác tiếp theo thường là sự trống rỗng.

“Việc luôn trông chờ vào những thành tích vĩ đại đấy để duy trì lòng nhiệt tâm thì nó sẽ nhanh chóng lụi tàn. Bởi trong quá trình làm việc, chúng ta trải qua những thất bại là chủ yếu, thành công chỉ là số nhỏ. Nếu chúng ta cứ nhìn vào những thành công lớn, những dự án cả trăm tỉ, nghìn tỉ, trong khi nhìn lại bản thân chỉ làm được trăm triệu thì sao có thể vui, có thể duy trì lòng nhiệt tâm được?”, ông Tân cho biết

Nếu vậy, sao không bắt đầu từ những con số nhỏ hơn? Thay vì trăm tỉ, nghìn tỉ, hãy bắt đầu từ trăm triệu, chục triệu. Với những hứng thú nhỏ thì ngày nào chúng cũng có thể xuất hiện để ta có thể lấy được hứng khởi. Từ những hứng thú nhỏ, ý tưởng nhỏ, thành công nhỏ dần dần sẽ mở ra những thành công lớn hơn.

Nhìn lại những ý tưởng xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ, được xem là đã thay đổi cả xã hội loài người trong hai thập kỷ qua, có rất nhiều ý tưởng xuất phát từ những ý tưởng nhỏ. Facebook của Mark Zuckerberg được hình thành nên từ một ý tưởng nhỏ giành riêng cho trường ông đang học. Từ cuộc chinh phục mang tính cá nhân rồi lan dần ra một tập thể nhỏ (toàn trường), Facebook giờ đã chinh phục được cả thế giới.

Google cũng là một bài học tương tự. Trong thời gian đầu phát triển, hai nhà sáng lập trẻ tuổi của Google chỉ định phát triển một công cụ tìm kiếm nhỏ để bán lại cho Yahoo. Giao dịch thất bại với Yahoo đã là tiền đề hình thành nên một gã khổng lồ Google của ngày nay. Đến thời điểm hiện tại, Google hoàn toàn tự tin khi đưa ra những kế hoạch tầm cỡ như làm sao để cả thế giới biết đến và sử dụng Internet nhiều hơn.

"Thành công thường không bắt đầu ngay từ ý tưởng chinh phục cả thế giới. Đôi khi, chỉ là việc cẩn thận vẽ thêm một đường bóng mờ tạo điểm nhấn cho website cũng tạo nên sự khác biệt giữa bạn và những người khác”, ông Tân nhận định.

Và lựa chọn phù hợp

Hàng ngày tiếp xúc với công việc, ta luôn phải đối mặt với thách thức. Tìm đáp án cho những câu hỏi như "Tại sao mình chưa bán được sản phẩm? Tại sao khách hàng không chọn mình?,..." luôn thường trực trong đầu. 

Đối với ông Tân, trong bất cứ công việc gì, chúng ta luôn có một ý thất bại ở trong đó. Nếu không đưa ra được câu trả lời phù hợp, chúng ta sẽ dễ mất dần nhiệt tâm trong công việc và rơi vào cảm giác chán nản, mệt mỏi.

"Khi đối mặt với những thách thức, chúng ta thường có hai lựa chọn: một là chấp nhận thất bại và biến thành đau khổ, bực bội, hoặc hai là chuyển hóa biến thành năng lượng để chiến đấu. Nếu chúng ta biết “chuyển hóa” từ cảm giác chấp nhận thất bại thành năng lượng để chiến đấu thì nhiệt tâm trong công việc sẽ tiếp tục bùng cháy.

Một người thường gặp khó khăn liên tục, thách thức liên tục còn thành công thì đến được mấy. Vì vậy hãy biết tận dụng cơ hội, thổi vào sự yêu thích của mình vào trong công việc.Thay vì sợ hãi, hãy chuyển hóa nó, biến nó thành mong muốn của mọi người. Bình tĩnh tìm ra phương án thì xử lý sẽ giúp chúng ta tìm ra đáp án nhanh chóng, duy trì được nhiệt tâm và tự tin hơn vào cuộc chiến lần sau", ông nhận định.

Trần Dũng

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM