CEO VC Corp: "Sếp có quyền không hiểu nhân viên, nhưng nhân viên không có quyền không hiểu sếp"

02/12/2012 14:16 PM | Quản trị

Làm thế nào để nhân viên hiểu sếp?

Jim Collins, tác giả cuốn sách kinh điểm Build to Last (Xây dựng để trường tồn) đã nghiên cứu rất nhiều công ty lớn có bề dày lịch sử để tìm hiểu cách thức phát triển, duy trì hoạt động của các công ty này và cách chúng đi từ tốt đến vĩ đại.

Ông và đồng tác giả cuốn sách – Jerry Porras đã dành 6 năm đào sâu nghiên cứu những điều đã làm nên các công ty thành công tột bậc. Đó là những tổ chức lớn phát triển thịnh vượng trong khoảng thời gian dài với nhiều vòng đời sản phẩm, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, trong đó có những tập quán và thói quen của họ. 

Bên cạnh các yếu tố then chốt như: làm chủ thời gian, đặt mục tiêu “hơn cả lợi nhuận”, thực hiện đúng cam kết, gìn giữ cái cốt lõi – thúc đẩy sự tiến bộ, xây dựng tầm nhìn,… điểm chung của các CEO tiếp quản những doanh nghiệp trường tồn đó là: năng lực sa thải nhân viên.

Ở đó, các nhà lãnh đạo có thể ngồi chung bàn ăn, trò chuyện vui vẻ với người bạn thân, đồng nghiệp hay nhân viên của mình nhưng ra quyết định sa thải họ chỉ trong phút chốc. Điều đó nói lên rằng, sếp-nhân viên dù thân đến mấy vẫn có thể quyết định sa thải một cách quyết liệt nếu người kia làm việc không đạt yêu cầu. 

Văn hóa đặt kết quả lên hàng đầu là một trong những yếu tố then chốt cho những ai có nỗ lực cải tổ doanh nghiệp và mong muốn xây dựng nên những công ty phát triển bền vững trong tương lai. 

Trong một buổi tọa đàm mang tên "Làm thế nào để nhân viên hiểu sếp?" do công ty tổ chức, ông Vương Vũ Thắng – Tổng Giám đốc VC Corp đã đề cập nhiều đến “động lực” – yếu tố quyết định đến sự thành công của người nhân viên và công ty.

Công việc là số 1, thể diện là số 2

Nếu lấy thang điểm là 10 cho sự hiểu sếp trên khía cạnh công việc, phần lớn người tham gia thú nhận chỉ hiểu lãnh đạo 5-6 điểm, tức là sếp nói 2 câu, hiểu một câu hoặc hiểu lơ mơ, đoán ý sếp. Theo ông Thắng, để thành công, nhân viên phải hiểu cấp trên ít nhất 8 điểm. 

Khi được hỏi về lý do không hiểu sếp, một số ý kiến cho rằng, khi được giao việc nhưng chưa hiểu rõ vấn đề, bản thân thấy ngại hỏi lại lãnh đạo. Họ sợ lúc đó cấp trên bận, sợ lấy mất nhiều thời gian của sếp... Cũng có vài ba ý kiến lo ngại bị lãnh đạo cười chê, bị đánh giá thấp.

Về điều này, ông Thắng chia sẻ: “Ở công ty mình có một nét văn hóa rõ ràng là ngồi với nhau vì công việc. Mình làm ra những cái hay thì mình ngồi cùng nhau. Thành ra, khi một người sợ hỏi lại Sếp và để hỏng việc mới là điều tồi tệ. Nếu nhân viên làm hỏng vì trình độ kém còn đỡ, còn làm hỏng chỉ vì sợ sếp thì trên cương vị làm sếp, mình đánh giá người này rất thấp".

Ở bất cứ công ty nào, muốn thành công mỗi người cần vì công việc để đạt được hiệu quả cao nhất. Nói như ông Thắng, "công việc là số 1, thể diện là số 2", bởi điều đó thể hiện sự cam kết với công việc, làm nó thành công.

Một trong những điều cần hiểu sếp là sếp cần công việc được hoàn thành. Khi đó, mọi người sẽ phá tan mọi rào cản để giúp công việc được hanh thông. Về phần ban lãnh đạo, để giúp nhân viên hiểu sếp cũng cần chủ động quan tâm, giúp họ vượt qua những mặc cảm. Thường thì những người trong quá trình làm việc trao đổi liên tục thường tiến bộ rất nhanh.

“So với chuyện làm hỏng việc, việc bị đánh giá sai nhỏ hơn nhiều. Sếp đánh giá nhân viên không làm được việc thì đó mới là thất bại lớn nhất của nhân viên”.
Ông Vương Vũ Thắng

Như vậy, hiểu cấp trên là điều tối quan trọng giúp mỗi nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Và để hiểu lãnh đạo của mình, mỗi người cần xuất phát từ động lực đầu tiên là muốn hiểu sếp.

"Mình phải hiểu rằng để kết quả công việc cuối cùng được tốt nhất, bản thân phải hiểu ông sếp muốn gì. Nếu hiểu được như vậy, những rào cản như sỹ diện bản thân, sếp đang bận rộn mình sẽ "phá" đi hết", ông Thắng chia sẻ.

Như vậy, động lực làm cấp trên hiểu mình và mình hiểu cấp trên là quan trọng nhất trong các câu chuyện, quan trọng hơn cả kỹ năng. Thế nhưng, "làm thế nào" không quan trọng bằng động lực làm việc. Động lực quan trọng hơn cách làm.

Kỹ năng kém, động lực tốt vẫn thành công

Từ những trải nghiệm bản thân và minh họa bằng những câu chuyện sinh động từ chính những nhân viên có mặt tại buổi tọa đàm, ông Thắng đi đến khẳng định: "Kỹ năng kém, động lực tốt vẫn thành công".

Do vậy, ông Thắng khuyên mỗi nhân viên phải nỗ lực lớn để hiểu lãnh đạo mới có thể thành công. Tại tọa đàm, ông Thắng còn tiết lộ một sự thật khá "bất công" ở công ty là: "Sếp có quyền không hiểu nhân viên, nhưng nhân viên không có quyền không hiểu sếp". Còn nữa, nhân viên công ty “dùng công việc để được lòng nhau, chứ không phải quà cáp".

Ông Thắng còn nói thêm: “Tết các năm mình đều không có nhân viên nào đến nhà. Có bạn làm việc dưới quyền đồng nghiệp của mình kể những năm đầu chưa biết chuyện này, ngày Tết đến nhà thì được báo anh ấy đi vắng, sau về rồi điện thoại bạn mới biết sếp vẫn đang ngồi trong nhà. Ngay cả hai sếp trong Ban Lãnh đạo, hơn 6 năm làm việc với nhau còn chưa bao giờ đến nhà nhau chúc Tết. Mình muốn mọi người có thể trọn vẹn nghỉ tết bên người thân và gia đình mà không hề câu nệ việc đi thăm nom tết nhất”.

Như vậy, chính động lực chứ không phải kỹ năng giúp mỗi người đi đến thành công nhanh hơn. Khi hiểu được tư tưởng quan trọng của lãnh đạo công ty, mỗi nhân viên sẽ có cơ hội “khoe” những “vốn” mình có, giúp bản thân chủ động trong công việc và góp phần vào sự phát triển chung của mỗi doanh nghiệp.

Tân Hoa

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM