Những tỷ phú thành công đứng lên sau thất bại như thế nào? (P1)

16/09/2015 16:45 PM | Quản trị

Phần lớn những tỷ phú thành công trên thế giới đều trải qua ít nhất một lần thất bại. Sau mỗi lần vấp ngã, họ không bỏ cuộc mà rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho bản thân mình.

Mọi cuốn sách kinh doanh, hội thảo hay các khóa huấn luyện kỹ năng sống đều nói với bạn rằng thất bại chỉ là bước đệm cho thành công. Điều này hoàn toàn đúng. Thế nhưng chỉ một mẩu thông tin như vậy không thể giúp ích được cho bạn. Thông tin chỉ có giá trị khi mà nó được áp dụng vào trong tình huống đời thực. Trong trường hợp này, đó có nghĩa là khả năng nhìn nhận thất bại với ý nghĩa thực sự của nó: thông tin phản hồi.

Sau đó bạn chỉ cần rút ra bài học khác nhau từ những thông tin phản hồi đó và tiến bước trên con đường đi tới thành công. Nghe có vẻ dễ dàng hơn thực tế. Mọi người đều gặp những câu chuyện thành bại hàng ngày trong công việc, gia đình hay quan hệ bạn bè. Thật dễ để quên đi những quy luật cơ bản và cảm thấy mình thất bại khi việc gì đó không được như ý muốn, đặc biệt là trong kinh doanh.

Thất bại sẽ tạo động lực cho bạn

Việc cảm thấy thất vọng về bản thân khi công việc kinh doanh mà bạn đã đầu tư rất nhiều tâm huyết nhưng thất bại là điều hết sức bình thường. Sau mỗi thất bại như vậy, hẳn bạn sẽ nghĩ tới bài học mà những người thành công luôn nhắc tới: Thất bại là thông tin phản hồi. Hãy để tôi chỉ cho bạn thấy những ví dụ đời thực chứng minh quan điểm này là hoàn toàn đúng.

Dưới đây là những hình mẫu doanh nhân tiêu biểu - những người không gục ngã trước thất bại, mà ngược lại tận hưởng và cảm kích những thất bại vì những bài học mà nó mang lại. Và họ không ngại thừa nhận điều này.

Nick Woodman

Nick là một học sinh loại B ở trường và đam mê lướt sóng, một sở thích ảnh hưởng rất nhiều tới việc học hành. Anh không sinh ra đã là tỷ phú. Trước khi tạo nên nhãn hiệu thành công đáng kinh ngạc về camera cầm tay mang tên GoPro, anh đã từng thất bại lớn với 2 startup trong thời kỳ bong bóng dotcom những năm 2000.

Những thất bại

Ban đầu, anh thành lập EmpowerAll.com, một trang web thương mại điện tử hướng tới đối tượng trẻ tuổi và bán những đồ điện tử với giá rất rẻ. Công ty này đã không tạo ra một đồng lãi nào và do đó đã phải nhanh chóng đóng cửa. Điều này không khiến cho nhà tỷ phú tương lai của chúng ta bước ra khỏi lĩnh vực kinh doanh; mà ngược lại càng làm cho anh cố gắng nhiều hơn nữa. Vào năm 1999, anh thành lập FunBug, một công ty marketing online.

Trang web tạo cho người dùng cơ hội thắng những giải thưởng bằng tiền mặt bằng việc tham gia vào những cuộc cá cược. Đó là hình thức marketing qua game. Anh thậm chí đã thành công trong việc thu hút 3,9 triệu đô vốn từ các nhà đầu tư. Công ty phát triển nhanh chóng, nhưng vào năm 2001, Nick đã phải thừa nhận thất bại một lần nữa, Anh đã không thể tạo được một nền tảng người dùng ổn định để có lợi nhuận.

Sau đây là những điều anh đã nói với Forbes về thất bại lần thứ hai và mất gần 4 triệu đô la:

“Ý tôi là không ai thích thất bại cả, nhưng điều tồi tệ nhất là tôi đã đánh mất tiền của các nhà đầu tư và đó là những người tin tưởng vào cái gã trẻ tuổi đam mê về ý tưởng này … bạn sẽ bắt đầu đặt ra câu hỏi: liệu rằng những ý tưởng của tôi có thực sự tốt?”

Và bài học

Sau việc đánh mất công ty thứ hai, Nick đã giải tỏa đầu óc bằng một chuyến lượt sóng, một chuyến đi dài. Khi trở lại, anh bắt đầu công việc với một mẫu camera dùng cho các vận động viên: GoPro.

“Tôi đã thực sự rất sợ rằng GoPro sẽ đi theo vết xe đổ của Funbug và tôi sẽ thất bại một lần nữa. Đó là vụ bùng nổ và đổ vỡ đầu tiền của tôi. Tôi sợ thất bại đến nỗi tôi gần như chắc chắn phải thành công.”

Với lần này, rất may không có đổ vỡ mà chỉ có bùng nổ. GoPro giúp anh trở thành một trong những tỷ phú trẻ tuối nhất thế giới, và là chủ sở hữu của công ty camera phát triển nhanh nhất nước Mỹ.

Bill Gates

Trước khi trở thành người giàu nhất thế giới và sở hữu Xanadu 2.0 (“Ngôi nhà của gia đình Bill Gates”), một khu biệt thự được máy tính hóa với hệ thống đèn điện, âm nhạc và nhiệt độ cảm biến theo trang phục của khách, Bill Gates đã từng là một doanh nhân thất bại.

Thất bại

Công ty đầu tiên của ông là Traf-O-Data, mục đích là để “đọc các dữ liệu thô từ các máy đếm lưu lượng giao thông và tạo ra các báo cáo gửi tới các kỹ sư giao thông.” Bằng cách này, công ty có thể giúp cải thiện tình hình giao thông và chấm dứt nạn ách tắc.

Sản phẩm của công ty là Traf-O-Data 8008, một thiết bị có thể đọc các đoạn băng giao thông và xử lý dữ liệu. Lúc đầu họ cố gắng bán dịch vụ xử lý cho chính quyền địa phương, nhưng bản demo đầu tiên đã thất bại bởi máy móc “không hoạt động được”, Gates nhớ lại.

Bài học

Cộng sự của Gates, Paull Allen, đã tóm tắt lại một cách chính xác những gì xảy ra như sau: “Mặc dù Traf-O-Data không thực sự thành công nhưng nó là hạt giống giúp chúng tôi chuẩn bị cho sản phẩm đầu tiên của Microsoft vài năm sau đó.”

Và may mắn là đó chính xác là những gì mà họ đã làm. Họ tiếp tục cố gắng và Microsoft đã trở thành công ty phần mềm dành cho máy tính cá nhân lớn nhất thế giới. Tuy vậy cũng thú vị khi biết rằng thậm chí những người giàu nhất trên thế giới cũng có thể mắc những sai lầm trong kinh doanh.

Theo Bích Hằng

Cùng chuyên mục
XEM