Muốn nhanh giàu, hãy phục vụ khách hàng 'top trên'
Các nhà kinh tế ước tính rằng 5% số lượng người chi tiêu hàng đầu chiếm gần 40% lượng hàng hóa được tiêu thụ. Vậy tại sao không nghĩ đến việc kinh doanh sản phẩm phục vụ riêng tầng lớp này?
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, người giàu cứ tiếp tục giàu thêm, và tăng chi tiêu. Vì thế, có thể coi đây là cơ hội cho những doanh nhân đang định hướng lĩnh vực kinh doanh, những công nhân đang tìm kiếm việc làm. Tại sao không phục vụ, cung cấp và bán những vật dụng cần thiết cho người giàu?
Nathan Wilmers, tiến sỹ xã hội học đến từ đại học Harvard đã tổ chức nghiên cứu ảnh hưởng của sự gia tăng về số lượng của những khách hàng giàu có đến nền kinh tế và tiền lương. Các chuyên gia gọi đây là “thể chế chính trị học” để nói đến một nền kinh tế có thu nhập và chi tiêu bị chi phối bởi một bộ phận những người giàu có.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ chi tiêu tiêu dùng của 5% hộ gia đình giàu có tại Mỹ đã tăng 5,2% từ năm 1989, trong khi đó, tỷ lệ tương tự của đại đa số những người còn lại (chiếm 95%) chỉ tăng 2,8%. Trong quá khứ, các nhà kinh tế ước tính rằng 5% số lượng người chi tiêu hàng đầu chiếm gần 40% lượng hàng hóa được tiêu thụ.
Như vậy, “nền kinh tế Mỹ đang có xu hướng phục vụ và đáp ứng sở thích của một bộ phận ít những khách hàng giàu có”.
Cơ hội tiềm năng với các công ty khởi nghiệp và công nhân
Tiến sỹ Wilmers nói: “Đây không phải là một tin xấu. Sức ảnh hưởng của những khách hàng giàu có là cơ hội lớn đối với các dự án kinh doanh và những công ty khởi nghiệp, thậm chí là cả tầng lớp công nhân, người lao động. Họ có thể chuyển hướng kinh doanh bán, phục vụ và đáp ứng lượng sản phẩm có chọn lọc mà những người giàu mong muốn”.
Đặc biệt, tiến sỹ Wilmers khảo sát lương của những người làm quản gia, sản xuất rượu, luật sư… và cho thấy, mức độ giàu có, tiềm năng của chủ nhân hay lĩnh vực sản xuất có liên quan mật thiết đến số tiền lương những người liên quan nhận được.
Thậm chí ngay trong cùng ngành, mức lương một người quản gia hay giúp việc cho một gia đình trung lưu hay giàu có thông thường với một ông chủ “siêu” giàu là khác nhau và có chênh lệch khá lớn.
Nếu để ý, những công ty bán sản phẩm xa xỉ, phục vụ riêng giới nhà giàu cũng có giá trị thị trường lớn hơn nhiều so với những công ty thông thường. Ví dụ điển hình là nhãn hàng túi xa xỉ Hermes.
Vấn đề mà tiến sỹ Wilmers quan ngại nhất khi tiến hành nghiên cứu này là sự bất bình đẳng về tiền lương giữa những người công nhân phục vụ giới nhà giàu so với những người bình thường.
Nếu như nền kinh tế càng phụ thuộc vào lượng người tiêu dùng “top trên” với thu nhập lớn hơn 150.000 USD/năm thì sự bất bình đẳng kể trên sẽ càng gia tăng.
Nói như vậy có vẻ hơi “bất công”, thực tế những người quản gia, nhân viên ngân hàng, luật sư phục vụ cho những người giàu có được đánh giá đầu vào cao hơn, phải có kiến thức rộng hơn và như vậy họ xứng đáng được nhận số tiền lương cao hơn so với những người bình thường.
Tuy nhiên, Wilmers nhấn mạnh nghiên cứu của ông hạn chế mức tối đa sự khác biệt và hầu như đang so sánh trong những lĩnh vực, dịch vụ, sản phẩm gần giống nhau và cùng thuộc nhu cầu của những người giàu có.
Ví dụ, khảo sát mức lương của những người làm công việc quản gia ở trên phần lớn là tại các gia đình trung lưu, giàu có đơn thuần và rất giàu có.
Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về nghiên cứu kể trên của tiến sỹ Wilmers thì dữ liệu này vẫn cung cấp một tín hiệu vui với doanh nghiệp và cả người lao động. Họ hoàn toàn có khả năng tăng cơ hội kinh doanh, tăng giá trị lao động của mình nếu phục vụ những người giàu có.
>> 10 ngân hàng chỉ phục vụ riêng giới siêu giàu
Phương Linh