Muốn khởi nghiệp thành công cần có những tố chất gì ?
Rất nhiều doanh nghiệp mới thành lập không tồn tại quá 5 năm. Để vượt qua giới hạn khó khăn này, nhà sáng lập phải thường xuyên rèn luyện những tố chất cần thiết để hoàn thiện vai trò lãnh đạo doanh nghiệp.
1. Giỏi tuyển dụng và… sa thải
Xây dựng đội ngũ đồng hành là việc vô cùng quan trọng với các doanh nghiệp mới thành lập. Những nhân viên đầy nhiệt huyết, tài năng và có cùng chí hướng sẽ cùng bạn đưa công ty đến những mục tiêu ấn tượng. Tuy nhiên, giỏi tuyển dụng cũng chưa đủ mà chủ doanh nghiệp cũng cần sáng suốt trong việc sa thải.
Quyết đoán trong các vấn đề nhân sự sẽ tránh cho người sáng lập nhiều thất bại nhãn tiền. Cả nể không giúp công ty bạn tồn tại và phát triển. Bạn cần bước lên phía trước với sự tự tin, thoải mái và một đội ngũ toàn tâm toàn ý.
2. Xây dựng văn hóa trước khi xây dựng công ty
Hầu hết những CEO nổi tiếng, chẳng hạn như Tony Hsied của Zappos, đã định hướng về việc xây dựng văn hóa công ty trước cả khi thành lập. Mỗi nhân viên khi tham gia vào đội ngũ đều nhận thức được rõ ràng sứ mệnh, tầm nhìn và mục đích của mình. Chính văn hóa công ty giúp bạn xây dựng một “lực lượng hùng mạnh” và khác biệt trên thương trường.
3. Biết lắng nghe và hành động
Nhiệm vụ của lãnh đạo không chỉ là lên kế hoạch và chỉ đạo. Kỹ năng lắng nghe cũng đóng vai trò trung tâm. Đặc biệt là trong giai đoạn khởi nghiệp, khi bạn vội vã thành công và có thể là thiếu tỉnh táo thì những lời khuyên và phản hồi luôn có giá trị. Việc tiếp theo bạn nên làm sau khi lắng nghe các ý kiến là bắt tay vào hành động. Chỉ có hành động mới tạo ra sự thay đổi.
4. Kiên trì
AirBnB đã mất 1.000 ngày trước khi chính thức bắt đầu kinh doanh. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu họ bỏ cuộc sau 999 ngày? CEO không chỉ biết cách “đào hầm” mà còn kiên trì cho đến khi tìm được kho báu.
5. Có tầm nhìn
Có vô số CEO tài năng trên thế giới cũng như những công ty khổng lồ trong lĩnh vực mà bạn kinh doanh. Bạn làm thế nào để khẳng định mình trong sân chơi đó? Tầm nhìn sẽ quyết định tất cả. Liệu bạn có sáng tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ khiến khách hàng say mê?
6. Luôn tập trung
Steve Jobs sẽ không để nhóm của mình nghỉ ngơi, nếu chưa xong việc. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất để tập trung cao độ cho những công việc đầy thử thách.
7. Nói năng lưu loát
Không có nhà lãnh đạo tài giỏi nào lại gặp khó khăn trong việc trình bày những suy nghĩ của mình. Có thể bạn không có năng khiếu diễn thuyết hùng hồn như Steve Jobs, nhưng ít ra bạn cần biết cách thể hiện rõ ràng, ngắn gọn và chính xác những ý tưởng của mình cho mọi người.
8. Luôn quan tâm đến khách hàng
CEO giỏi là người hiểu sâu sắc những gì khách hàng muốn và cả những gì khách hàng ghét.
9. Giỏi thuyết phục
Ở vai trò lãnh đạo, CEO luôn phải đối phó với các nhóm lợi ích xung đột. Thứ mà khách hàng muốn thì các nhà đầu tư lại không thích. Vì vậy, bạn phải giỏi thuyết phục những người khác đồng thuận với mình, hoặc hơn nữa, là thay đổi cách nhìn và quan điểm của họ,
10. Chú ý đến tiểu tiết
Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, nhà sáng lập phải tham gia tích cực vào mọi khâu, từ tài chính đến thiết kế. Con thuyền của bạn vừa ra khơi và bạn cần đảm bảo tất cả các thủy thủ sẽ cùng bạn đưa nó đi đúng hướng.
11. Thích ứng nhanh với thay đổi
Các doanh nhân giỏi có khả năng điều chỉnh sản phẩm và mô hình kinh doanh để đáp ứng những thay đổi bất ngờ trên thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng.
12. Tự quyết định nhanh chóng
Giám đốc điều hành của những công ty lớn thường có nhiều thời gian để phân tích sâu trước khi đưa ra quyết định kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì phải liên tục đưa ra những quyết định và lựa chọn mỗi ngày.
13. Có tinh thần cạnh tranh khốc liệt
CEO ưu tú là người luôn muốn giành chiến thắng, luôn muốn có được những hợp đồng lớn, thuê được các nhân viên giỏi và thành công trong tất cả các thương vụ.
14. Can đảm
Mỗi doanh nhân khởi nghiệp, ít nhất phải có đủ can đảm để thành lập doanh nghiệp, kế đến là đủ can đảm để nổi bật, đủ can đảm để đối đầu với đối thủ và đưa ra những quyết định “khác thường”.
15. Hào phóng
Hào phóng ở đây không có nghĩa là chi tiêu rộng rãi. Một CEO hào phóng hiểu rõ tiểu tiết công việc nhưng theo đuổi kết quả vĩ mô, có tầm nhìn khác biệt độc đáo nhưng không ngại dành sự quan tâm chân thành, sẵn sàng hỗ trợ tất cả mọi người xung quanh.
Theo Phúc An
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!