Khởi nghiệp và những rủi ro cần tránh
Khởi nghiệp là một quá trình vất vả, đòi hỏi nhiều công sức và phải đối mặt với những rủi ro rất lớn.
Theo thống kê, trong số những dự án đã gây vốn thành công, chỉ có khoảng 25% dự án có thể hoàn lại vốn cho nhà đầu tư. Có đến 53% dự án có nguy cơ thất bại trong 5 năm đầu tiên khởi nghiệp. Những dự án về công nghệ có tỷ lệ thất bại cao nhất lên đến gần 90%.
Ý tưởng đúng đắn
Những con số khô khan ở trên có thể khiến khởi nghiệp viên nản lòng, tuy nhiên nếu suy xét kỹ, vẫn có một số lượng đáng kể những dự án đã thành công. Vấn đề đặt ra là khởi nghiệp viên cần sáng suốt khi lên ý tưởng và khi bắt tay vào thực hiện dự án của mình.
Để bắt đầu, bạn phải lên một ý tưởng chu đáo nhất có thể, ý tưởng sẽ có những giải pháp đưa dự án vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu để tiếp cận được với khách hàng và nhà đầu tư. Một cuộc khảo sát gần đây của Daniel Gulati, tác giả cuốn “Passion & Purpose” cho thấy: Hầu hết những doanh nhân trẻ thành công đều tìm thấy ý tưởng từ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Ví dụ : Neil Blumenthal đã thành lập Warby Parker với mục đích bán kính mắt chất lượng cao, giá rẻ chỉ vì ông cảm thấy quá thất vọng với những chiếc kính mắt hiện tại.
Ý tưởng có thể đến từ niềm đam mê hoặc kỹ năng nổi trội của bản thân bạn, hoặc ý tưởng có thể đến khi bắt gặp một xu hướng phù hợp với thị trường và khách hàng. Những ý tưởng được coi là thành công khi nó nhắm đến thị trường hiện tại. Ngoài ra, bạn cần nghiên cứu những báo cáo về xu hướng thị trường, nhằm tìm ra được những ý tưởng thích hợp trong khoảng thời gian một vài năm tới.
Tìm được những người cùng khởi nghiệp phù hợp
Những ý tưởng tốt nhất không thể đảm bảo cho một dự án thành công và một doanh nghiệp lớn mạnh. Trên hết, bạn cần hiểu rõ những gì mình cần và tìm cho mình những con người đủ tốt để phát triển dự án. Hầu hết, nhà đầu tư không chú ý đến những dự án chỉ có một người phát triển, do vậy người khởi nghiệp nên tìm thêm những bạn đồng hành có thể bổ sung các kỹ năng còn thiếu để phát triển ý tưởng. Bạn có thể tìm những người phù hợp nhất tại sự kiện riêng dành cho dự án khởi nghiệp như Technori Pitch hoặc tham gia những website như Startup Weekend và TechCofounder .
Cuối cùng, hãy cân nhắc khi đưa ra những lựa chọn cuối cùng, vì theo nghiên cứu, 65% nguyên nhân làm cho dự án thất bại là do bất đồng với người đồng sáng lập.
Kế hoạch cụ thể
Trước khi bắt tay vào phát triển ý tưởng, bạn cần có một bản kế hoạch phát triển cụ thể và chi tiết. Hãy đặt ra những câu hỏi như : Khách hàng mà dự án nhắm đến là ai? làm cách nào dự án có được lợi nhuận?
Một bài báo trên Forbes cũng đã chỉ ra rằng, không nên tiếp thị kinh doanh trên một thị trường quá rộng lớn, điều đó có thể làm phân tán sự tập trung của bạn và gây nhầm lẫn đối với khách hàng.
Tương tự, bạn cần có kế hoạch cụ thể để kiếm về số tiền gấp nhiều lần số vốn ban đầu. Điều này quyết định dựa vào việc bạn đang sử dụng vốn riêng hay từ nhà đầu tư bên ngoài. Lợi nhuận lớn nhất chính là việc dự án thành công, do đó khởi nghiệp viên cần chắc chắn rằng ý tưởng của mình sẽ chuyển thành sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng thật sự cần.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải trung thành với những kế hoạch ban đầu, cần thật sự linh hoạt trong quá trình phát triển dự án, có thể thay đổi kế hoạch kinh doanh nếu nó không phù hợp, điều này sẽ mất thời gian và công sức nhưng quan trọng là Startup phải cố gắng hết sức mình để làm cho dự án phát triển.
Tóm lại, một đội ngũ phát triển tốt cộng với ý tưởng, kế hoạch đúng đắn. Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự thành công trong tương lai.