Dám nghĩ dám làm: Cái nôi nuôi dưỡng thế hệ CEO tiếp theo ở Mỹ
Các con của nhà sáng lập TouchSuite, đứa nhỏ nhất mới có 9 tuổi, đều có những khát khao rất lớn. Chúng không vòi vĩnh hay nhõng nhẽo mà thật sự quan tâm đến chuyện kinh doanh tại công ty của bố, chẳng hạn như vụ thâu tóm một công ty Canada gần đây...
Nội dung nổi bật:
- Tài sản của những doanh nhân dám nghĩ dám làm để lại cho con chính là cái tinh thần “dám nghĩ dám làm” đó.
- “Tôi đối xử với lũ trẻ như người trưởng thành và tôi nói chuyện như bằng vai phải lứa với chúng. Tôi cố gắng chia sẻ với chúng mọi thứ tôi đã học được trong những năm qua. Tôi đang cho chúng kiến thức còn chúng đang tiếp nhận và áp dụng nó", một founder nói về 3 đứa con 9 tuổi, 13 và 14 tuổi của mình
Có lẽ điều mà các doanh nghiệp gia đình từ trước đến nay muốn truyền lại cho thế hệ tiếp theo là cơ ngơi, là tài sản của chính doanh nghiệp. Nhưng đối với những startup nhỏ, đó không chỉ là cơ ngơi mà còn là tinh thần doanh nhân dám nghĩ dám làm, khát khao tạo ra cái mới.
Càng ngày càng có nhiều doanh nhân thành công chuẩn bị cho con cái của họ thành những nhà lãnh đạo của các startup từ rất sớm, thậm chí từ thời trung học.
Đứa bé 9 tuổi cũng quan tâm đến M&A
Tại những bữa ăn tối của gia đình Sam Zietz, câu hỏi “Hôm nay ở trường thế nào?” của ông thường xuất hiện sau những câu hỏi của các con về công việc điều hành của ông tại công ty. Sam là nhà sáng lập của công ty dịch vụ tài chính và công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ, TouchSuite, với doanh thu hàng năm là 28 triệu USD.
Các con ông - Rachel, 14 tuổi, Jordan, 13 tuổi,và ngay cả bé Morgan 9 tuổi - đều có những khát khao rất lớn. Chúng không vòi vĩnh hay nhõng nhẽo mà thật sự quan tâm đến chuyện kinh doanh tại công ty của bố, chẳng hạn như vụ thâu tóm một công ty Canada gần đây của TouchSuite.
Sam Zietz trìu mến gọi Rachel là “bản sao” của mình. “Bạn có thể thả Rachel vào bất kì gia đình nào ở Mỹ, nó sẽ trở thành một doanh nhân dám nghĩ dám làm. Trái lại, Jordan thì sẽ không thể. Nó thông minh vượt trội nhưng không có sẵn tố chất đó trong máu như Rachel. Tuy nhiên, nó được lớn lên trong một gia đình như chúng tôi, và đó là điều tôi muốn nói đến.”
“Tôi đối xử với lũ trẻ như người trưởng thành và tôi nói chuyện như bằng vai phải lứa với chúng. Tôi cố gắng chia sẻ với chúng mọi thứ tôi đã học được trong những năm qua. Tôi đang cho chúng kiến thức còn chúng đang tiếp nhận và áp dụng nó,” Sam cho biết.
Cô bé 12 tuổi lập startup với dự kiến doanh số 1 triệu USD sau 2 năm
Rachel dự đoán rằng startup mà cô thành lập năm 12 tuổi, Gladiator Lacrosse, sẽ đạt doanh số 1 triệu USD trong năm nay. Cô bé nhập sản phẩm từ Trung Quốc và bán hàng qua mạng. Kế hoạch kinh doanh của cô được đưa ra sau khóa học 30 tuần do Young Entrepreneurs Academy tổ chức. Cơ quan này hiện đang điều hành 113 chương trình như thế ở 38 bang trên toàn nước Mỹ. Em trai cô, Jordan, cũng hoàn thành khóa phát triển ứng dụng di động và đã thành lập một doanh nghiệp có tên là GameReef, chuyên cho thuê các trò chơi điện tử.
Gayle Jagel, người sáng lập chương trình trên, nói rằng 50% số học viên theo học là con của những doanh nhân dám nghĩ dám làm, và có 50% trong số đó là nữ. Vậy lời khuyên của bà dành cho việc nuôi dạy những lãnh đạo trẻ trong tương lai này là gì?
“Quan trọng nhất là giúp các em nhận ra được sở thích và đam mê của chúng. Đừng có tập trung vào những rủi ro hay những điều tiêu cực mà hãy tập trung vào những điều có thể làm được. Hãy tạo ra một môi trường có thể dẫn đến thành công. Hãy hỏi nhiều câu hỏi để giúp chúng suy nghĩ làm thế nào để đạt được thành công từ ý tưởng đó, như ‘Chúng sẽ cần gì?’ và ‘Chúng có thể yêu cầu ai giúp đỡ?’,” bà Jagel khuyên.
4 gợi ý để các CEO F1 chuẩn bị cho F2
Một lời khuyên khác đến từ Joanna Strober, nhà sáng lập và CEO của Kurbo Health, là: “Bạn không thể là những gì bạn không thể thấy được.” Từ những kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị cho 3 con mình trở thành những nhà lãnh đạo trẻ, bà có những gợi ý sau đây:
- Hãy chia sẻ những điều không như ý cũng như những thành tựu cùng với bọn trẻ, và hãy cho chúng thấy rằng sẽ có hàng trăm cái “Từ chối” mới được một cái “Đồng ý” – đặc biệt là khi huy động vốn.
- Khi bị từ chối, hãy khuyến khích bọn trẻ hỏi lý do tại sao và dùng điều đó để cải thiện nỗ lực của chúng.
- Hãy cho chúng tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình và thử qua nhiều công việc khác nhau – từ truyền thông xã hội và phát triển các ứng dụng đến dịch vụ khác hàng và cả nhân sự - để chúng thấy rằng lãnh đạo của một doanh nghiệp nhỏ cần phải có thể làm được nhiều việc khác nhau.
- Hãy khuyến khích chúng kiếm việc bên ngoài để thấy các công ty khác được quản lý như thế nào.
Câu chuyện của Saili Gosula, chủ cơ sở Synergy HomeCare ở San Mateo, California, lại cho chúng ta một gợi ý khác. Bà nói rằng không nhất thiết phải khơi gợi tinh thần doanh nhân dám nghĩ dám làm ở lũ trẻ mà chỉ cần dắt chúng theo tới chỗ làm. “Một trong những điều tuyệt vời nhất khi có doanh nghiệp riêng là bạn có thể dắt con đến chỗ làm. Và bạn biết điều gì xảy ra không? Đứa con mà ít tâm sự với bạn sẽ đến trò chuyện với bạn và bạn sẽ thấy những điều mà có thể bạn không được thấy.”
Bà lấy ví dụ về con trai mình, Gabriel. Khi bà dắt anh tới chỗ làm, anh đã giúp bà tiếp những người xin việc và phụ giúp những việc văn phòng. Anh vừa mới tốt nghiệp ngành kinh doanh tại đại học California và hi vọng một ngày nào đó sẽ mở công ty riêng. Bà Gosula tin rằng con gái bà, Isabela, cũng sẽ làm tương tự. “Tôi nghĩ rằng nó thích công ty này bự hơn. Nó là mẫu người muốn tất cả mọi chuyện đều tốt đẹp. Giờ nó mới 14 tuổi, chưa có công ty riêng, chưa có ý tưởng nhưng chúng tôi đã nói về điều đó.”
“Tôi nghĩ là tôi đã cho lũ trẻ một cảm nhận tích cực về việc sở hữu một doanh nghiệp là như thế nào. Vào ngày của Mẹ vừa qua, tôi đã nhận được một tấm thiệp chúc mừng từ Isabela: ‘Mẹ là một người tuyệt vời bởi vì...’ - bên cạnh hàng loạt lí do khác - ‘...mẹ là một chủ doanh nghiệp!’” bà Gosula chia sẻ.
Còn cô bé Rachel Zietz 14 tuổi ở trên định nghĩa thế nào về một doanh nhân dám nghĩ dám làm? “Một doanh nhân dám nghĩ dám làm là người tạo ra doanh nghiệp của riêng họ từ một cái gì đó mà họ yêu mến, hay từ một nhu cầu nào đó. Họ làm việc chăm chỉ. Họ đầy đam mê. Và chắc chắn là họ rất có tính cạnh tranh.”